Tuyên án giáo viên lừa đảo các ngân hàng

Cáo trạng xác định, các bị cáo trong vụ án đã làm 10 hồ sơ giả các Giáo viên Trường tiểu học Mễ Trì để vay qua lương tại 3 ngân hàng nêu trên tổng số tiền hơn 840 triệu. Bị cáo đã trả lại hơn 39 triệu, chiếm đoạt hơn 800 triệu.

Mới đây, Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội tuyên phạt các bị cáo Lê Thị Như (SN 1974, lao động tự do, trú quận Hà Đông) 18 năm tù; Phạm Thị Hường (SN 1971, nguyên Giáo viên Trường Tiểu học Mễ Trì, Nam Từ Liêm) 16 năm tù về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” và “Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức”.

Cùng vụ án, 12 bị cáo là đồng phạm giúp sức cho Hường, Như lần lượt nhận mức án từ 2 đến 6 năm tù.

Các bị cáo tại phiên tòa.

Riêng bị cáo Lưu Vĩnh Long (nguyên Giám đốc Phòng giao dịch của SeABank) và Nguyễn Thị Huế (nguyên nhân viên Phòng giao dịch SeABank) cùng lĩnh mức án 3 năm tù treo về tội “Vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng, hoạt động khác liên quan đến hoạt động ngân hàng”.

Theo cáo trạng, năm 2017, Như và Hường làm ăn thua lỗ, nợ nần nên nhờ nhiều người cung cấp Chứng minh nhân dân, Hộ khẩu, ảnh... để làm giả hồ sơ giáo viên của Trường tiểu học Mễ Trì nhằm vay tiền tại Ngân hàng SeAbank, Ngân hàng Bản Việt và Ngân hàng PVCombank. Đổi lại, Như và Hường trả công cho mỗi người từ 3 đến 7 triệu đồng.

Bị cáo Như đã làm 24 bộ hồ sơ giả các Giáo viên Trường tiểu học Mễ Trì để vay trả góp qua lương (tại PVCombank 20 hồ sơ, Ngân hàng Bản Việt 3 hồ sơ, SeABank 1 hồ sơ) với tổng số tiền hơn 1,8 tỷ đồng. Đến nay, Như mới trả cho các ngân hàng trên hơn 133 triệu, còn chiếm đoạt hơn 1,7 tỷ đồng.

Đối với bị cáo Phạm Thị Hường, cáo trạng cho rằng người này đã làm 10 hồ sơ giả các Giáo viên Trường tiểu học Mễ Trì để vay qua lương tại 3 ngân hàng nêu trên tổng số tiền hơn 840 triệu. Bị cáo đã trả lại hơn 39 triệu, chiếm đoạt hơn 800 triệu.

Đối với các nhân viên của Ngân hàng PVCombank và Ngân hàng Bản Việt, cơ quan tố tụng xác định, quá trình tiếp nhận, thẩm định hồ sơ khách hàng đã làm đúng theo quy định nên không có căn cứ xem xét trách nhiệm hình sự.

Riêng tại Ngân hàng SeABank, cơ quan tố tụng xác định, khoảng tháng 1.2019, bị cáo Lưu Vĩnh Long, đang giữ chức vụ Giám đốc Khách hàng cá nhân thuộc chi nhánh Thanh Xuân, đã tiếp nhận hồ sơ vay của bị cáo Phạm Thị Hường, kèm tờ trình đề xuất cấp tín dụng từ bị cáo Nguyễn Thị Huế.

Tiến hành kiểm tra hồ sơ, Long đã ký đồng ý đề xuất cấp tín dụng rồi chuyển cho bà Trần Thị Thanh Xuân, Giám đốc SeABank chi nhánh Thanh Xuân, phê duyệt cấp tín dụng và ký hợp đồng tín dụng với khách hàng.

Đến tháng 3.2019, Long chuyển đến Phòng giao dịch Trần Khát Chân Chi nhánh Đống Đa (Ngân hàng SeABank), giữ vị trí Giám đốc Phòng giao dịch. Từ đó, Long tiếp nhận thêm 15 hồ sơ vay vốn của các khách hàng giả là giáo viên Trường Tiểu học Mễ Trì, kèm tờ trình đề xuất cấp tín dụng từ bị cáo Nguyễn Thị Huế, rồi ký đồng ý đề xuất cấp tín dụng, sau đó chuyển hồ sơ cho Giám đốc SeABank chi nhánh Đống Đa phê duyệt cấp tín dụng.

Cơ quan điều tra đã gửi công văn đến Ngân hàng SeABank đề nghị làm rõ sai phạm của cán bộ ngân hàng đối với hồ sơ vay vốn của nhóm khách hàng nêu trên. Ngân hàng SeABank đã có Công văn trả lời: “Ông Lưu Vĩnh Long, chức danh Giám đốc khách hàng cá nhân Chi nhánh Thanh Xuân/Giám đốc Phòng giao dịch Trần Khát Chân - chi nhánh Đống Đa, phải thẩm định trực tiếp nơi ở nơi làm việc của khách hàng theo đúng quy định...".

Tại Cơ quan điều tra, bị cáo Long và Huế khai không đi thẩm định thực tế nơi ở, nơi làm việc của nhóm khách hàng trên. Cơ quan tố tụng xác định, Long và Huế không thực hiện đúng quy định của Ngân hàng SeABank, dẫn đến bị Hường và các đồng phạm lợi dụng làm giả giấy tờ chiếm đoạt hơn 1,19 tỷ đồng của ngân hàng.

Lê Tú

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/tin-phap-luat/giam-doc-va-nhan-vien-phong-giao-dich-seabank-khong-thuc-hien-dung-quy-dinh-tham-dinh-de-cho-vay-i300816/