Tuyên án nữ Việt kiều giúp người tình chiếm đoạt hơn 21 tỷ đồng của ngân hàng
Chủ mưu trong vụ án lập hồ sơ khống để vay tiền và chiếm đoạt của ngân hàng hơn 21 tỷ đồng cũng là người tình, có hai con với bị cáo Thoa đang bỏ trốn và truy nã.
Ngày 24/02, sau quá trình xét xử và nghị án kéo dài, TAND TPHCM đã tuyên phạt Trần Thị Kim Thoa (SN 1971, quốc tịch Việt Nam và Hoa Kỳ- cựu chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty TNHH địa ốc Á Châu) mức án 8 năm tù về tội “lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.
Trong vụ án này, người có vai trò chủ mưu là Hoàng Tiến Dzũng đang trốn truy nã nên cơ quan điều tra đã tách vụ án, khi nào bắt được sẽ xử lý sau.

Bị cáo Thoa
Liên quan đến vụ án, Phạm Văn Chính (em họ Thoa) làm Giám đốc, đại diện theo pháp luật Giám đốc Công ty Á Châu và các cựu cán bộ của một ngân hàng đã bị xét xử từ năm 2020. Hậu quả của vụ án cũng đã được giải quyết ở bản án năm 2020 nên tòa không xem xét trách nhiệm của bị cáo Thoa.
Theo cáo trạng, Công ty Á Châu được Sở Kế hoạch và Đầu tư TPHCM cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh năm 2006, chuyên kinh doanh bất động sản. Thoa là Chủ tịch Hội đồng thành viên (HĐTV); Phạm Văn Chính làm Giám đốc, đại diện theo pháp luật nhưng thực tế Hoàng Tiến Dzũng điều hành mọi hoạt động của công ty. Ngoài ra, Dzũng còn thuê nhiều người quen trong gia đình Thoa đứng tên làm giám đốc hàng loạt công ty.
Cuối năm 2009, các công ty của Dzũng thua lỗ và cũng đến hạn trả nợ cho một ngân hàng Chi nhánh Mạc Thị Bưởi. Dzũng đã bàn bạc với giám đốc ngân hàng là Phạm Thị Mai Toan về việc sử dụng Công ty Á Châu lập dự án để vay 90 tỷ đồng của ngân hàng, nhằm mục đích trả nợ.
Dù chưa được cơ quan có thẩm quyền cho phép thực hiện Dự án khu phức hợp căn hộ và thương mại địa ốc Á Châu tại phường Phú Hữu, quận 9 (nay là TP Thủ Đức) nhưng Dzũng đã chỉ đạo các thành viên công ty lập, ký khống các chứng từ tài liệu trong bộ hồ sơ vay vốn ngân hàng gồm: biên bản họp HĐTV của công ty; giấy đề nghị vay 90 tỷ đồng, thời hạn 5 năm; tài sản đảm bảo là giá trị quyền sử dụng 24.500 m² đất của dự án và toàn bộ tài sản hình thành trong tương lai. Ngân hàng đã lập biên bản tạm xác định giá trị là 196 tỷ đồng.
Ngày 5/11/2009, P.T.O, Phó giám đốc chi nhánh ngân hàng ký Hợp đồng tín dụng với Phạm Văn Chính và tiến hành làm thủ tục giải ngân cho Công ty Á Châu.
Phạm Văn Chính ký nhận số tiền 90 tỷ đồng vào ngày 25, 26/11/2009 nhưng không sử dụng để thực hiện dự án mà sử dụng để trả nợ lãi cho các công ty của Dzũng cũng gần 90 tỷ đồng.
Sau đó, Chính đại diện Công ty Á Châu bàn giao cho ngân hàng 6 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đứng tên nhiều người khác với tổng diện tích 10.349m² tại phường Phú Hữu, Quận 9 cùng các hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất giữa Công ty Á Châu với các chủ sử dụng đất và các phiếu chi tiền được nâng “khống” hơn 97 tỷ đồng, nhằm chứng minh việc mua đất tại phường Phú Hữu thực hiện dự án.
Do Công ty Á Châu không triển khai thực hiện dự án. Năm 2013, Sở Tài nguyên và Môi trường TPHCM đã thông báo chấm dứt, không chấp thuận cho doanh nghiệp làm dự án. Từ ngày 04/4/2014 đến ngày 16/7/2014, Công ty Á Châu đã trả nợ gốc 23 tỷ đồng; không còn khả năng thanh toán nợ gốc 67 tỷ đồng.
Định giá tài sản trong tố tụng hình sự đối với 10.349 m² đất theo 6 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hiện đang là tài sản thế chấp hơn 45 tỷ đồng.
Đối trừ với trị giá tài sản thế chấp đảm bảo khoản vay này, Công ty Á Châu không còn khả năng thanh toán số tiền nợ gốc hơn 21 tỷ đồng.
Thoa, Dzũng và một số người đã xuất cảnh sau đó. Năm 2017, Thoa về nước thì bị bắt. Quá trình điều tra, Thoa được thay đổi biện pháp ngăn chặn cho tại ngoại và điều trị bắt buộc. Năm ngoái, bị cáo bị tạm giam trở lại để phục vụ cho việc xét xử.