Tuyên án phúc thẩm vụ dùng 'mỹ nhân kế' cướp tài sản tại Hà Nội
Quán kinh doanh 'bóng cười' của Lê Thị Hiền sẽ cho nhân viên nữ kết bạn với khách nam, rủ họ tới. Ngồi một lát, nhân viên biến mất còn khách bị 'dí bill' khoản tiền lớn.
Chiều 17/5, TAND TP.Hà Nội xét xử phúc thẩm vụ án cướp tài sản với thủ đoạn “dí bill” tại quán Magic Lounge (Hà Nội). Một cổ đông của quán này là Lê Thị Hiền - người từng "đại náo" Sân bay Tân Sơn Nhất (TP HCM). Phiên tòa được mở theo kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt của 4/16 bị cáo trong vụ án.
Phiên sơ thẩm diễn ra tháng 9/2022, tại TAND quận Đống Đa (Hà Nội). Tất cả 18 bị cáo trong vụ án cùng bị tuyên bố phạm tội "Cướp tài sản". Trong đó, bị cáo Lê Thị Hiền (40 tuổi,) bị tuyên phạt mức án 7 năm tù. Các bị cáo còn lại lần lượt bị tuyên phạt từ 3 năm 6 tháng đến 8 năm tù giam.
Theo bản án sơ thẩm, năm 2019, Lê Thị Hiền góp 20% vốn và Vũ Anh Hoàng, Nguyễn Đức Thăng góp 80% vốn còn lại, cùng mở quán đồ uống, "bóng cười" Magic Lounge trị giá 2 tỷ đồng tại phố Tôn Đức Thắng (Hà Nội).
Trong đó, Hiền có nhiện vụ quản lý hậu cần thu chi, giám sát hoạt động và “Đối ngoại cho các vi phạm của quán không bị cơ quan chức năng xử lý”. Lợi nhuận của quán sẽ chia theo tỷ lệ góp vốn của 3 người.
Hiền những người liên quan thuê Nguyễn Thị Minh Trang làm quản lý, giao doanh số phải trên 1,5 tỷ/tháng và sẽ được nhận lương tương ứng từ 6 – 10% lợi nhuận thu được. Trang sau đó tuyển nữ nhân viên để thực hiện “dí bill” nhằm tăng doanh thu.
Cụ thể, nhân viên sẽ thông qua các ứng dụng hẹn hò, mạng xã hội để mời khách nam đến quán. Khi gặp nhau, quán sẽ đưa nhiều đồ ăn, bia rượu, bóng cười lên nhưng nữ nhân viên chỉ ngồi một lát rồi lén bỏ đi. Khách nam ở lại sẽ buộc phải thanh toán số đồ được đặt trên bàn.
Đề phòng khách phản ứng, Trang lập một đội "bảo an" là các nam nhân viên làm nhiệm vụ bảo kê, uy hiếp và thậm chí đánh khách nếu họ không chịu trả tiền. Cơ quan tố tụng làm rõ, có 4 vị khách bị áp dụng chiêu “dí bill”, buộc phải trả tiền.
Một trong số đó là nam thanh niên tên Phú nhận điện thoại của một nữ nhân viên quán Magic Lounge vào đêm 31/3/2021, nói mình say rượu, cần đưa về. Anh Phú đến quán, ngồi cùng cô gái này được 15 phút thì ra về nhưng bị các nhân viên tại đây ép trả hơn 35 triệu đồng. Nhóm này giữ anh Phú đến 6h sáng hôm sau thì đánh đập, ép nạn nhân chuyển khoản 35 triệu đồng.
Các nạn nhân khác cũng bị áp dụng cách thức tương tự. Họ bị nhân viên quán Magic Lounge đánh, ép trả tiền nên đa phần phải viết giấy “cắm” xe, điện thoại ở lại.
Cơ quan tố tụng cho rằng, Lê Thị Hiền biết việc “dí bill” và tiền có được sẽ gửi tới tài khoản của bị cáo này. Bị cáo còn yêu cầu gặp những khách hàng “có quan hệ” không được dùng cách này. Hằng tháng, Hiền được quán Magic Lounge chi 31 triệu đồng nhằm “chi cho các quan hệ đối ngoại để không bị xử lý với các vi phạm của quán”.
Mở tòa xem xét kháng cáo của các bị cáo, HĐXX phúc thẩm TAND TP Hà Nội khẳng định, bản án sơ thẩm đã xét xử các bị cáo đúng người, đúng tội, đúng pháp luật. Về mức hình phạt đối với Lê Thị Hiền là tương xứng với tính chất, mức độ phạm tội của bị cáo. Do đó, TAND TP Hà Nội không chấp nhận kháng cáo của bị cáo này, giữ nguyên mức án 7 năm tù.
Đối với 3 bị cáo còn lại, Tòa cấp phúc thẩm cho rằng Nguyễn Thị Minh Trang (SN 1993) đã bồi thường cho bị hại nên được hưởng khoan hồng, giảm nhẹ hình phạt; Trần Minh Hiếu (2002) gây án khi là sinh viên, được bị hại xin giảm nhẹ hình phạt và Nguyễn Phương Trang (SN 2006) phạm tội khi là trẻ vị thành niên. Do đó, cần giảm nhẹ một phần hình phạt cho các bị cáo này.
Theo đó, Tòa cấp phúc thẩm quyết định tuyên phạt bị cáo Minh Trang 5 năm tù (giảm 2 năm so với bản án sơ thẩm); bị cáo Phương Trang 2 năm 6 tháng tù cho hưởng treo (sơ thẩm 3 năm 6 tháng tù giam) và bị cáo Minh Hiếu 3 năm 6 tháng tù (sơ thẩm 5 năm tù) cùng về tội "Cướp tài sản".
Đối với 12 bị cáo khác trong vụ án, mặc dù không có đơn kháng cáo, nhưng để đảm bảo sự công bằng cho các bị cáo nên TAND TP Hà Nội quyết định giảm nhẹ hình phạt cho họ mỗi bị cáo 1 năm tù.
Theo Nữ Đại úy "đại náo" sân bay lĩnh án về tội cướp