Tuyên bố chung thượng đỉnh G7 nóng chuyện Trung Quốc, COVID-19
Tuyên bố chung thượng đỉnh G7 chỉ trích Trung Quốc ảnh hưởng an ninh Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương và nhấn mạnh nỗ lực chung tay đẩy lùi COVID-19.
Kết thúc phiên hội đàm cuối cùng trong khuôn khổ hội nghị thượng đỉnh Nhóm bảy nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7 - gồm Mỹ, Nhật, Úc, Anh, Pháp, Đức, Canada và Ý), các lãnh đạo ra tuyên bố chung với một số nội dung đáng chú ý, theo tờ South China Morning Post.
Về Trung Quốc, tuyên bố nêu rõ G7 yêu cầu Trung Quốc tôn trọng "quyền con người và các quyền tự do cơ bản đối với vấn đề Tân Cương và Hong Kong". Trung Quốc cũng không được có các hành động làm ảnh hưởng tới hòa bình, ổn định và trật tự dựa trên luật pháp của khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.
"Chúng tôi nhấn mạnh tầm quan trọng của việc duy trì hòa bình, ổn định khắp Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, trong đó bao gồm cả eo biển Đài Loan. Mọi mâu thuẫn cần phải giải quyết bằng biện pháp ôn hòa. Chúng tôi cũng tiếp tục quan ngại về tình hình bất ổn ở Biển Đông, biển Hoa Đông và phản đối bất cứ hành động đơn phương nào làm thay đổi hiện trạng và gia tăng căng thẳng" - tuyên bố G7 cho biết.
Bên cạnh đó, G7 còn khẳng định trong thời gian tới sẽ đề ra các biện pháp phối hợp toàn nhóm để chống lại các hành động làm ảnh hưởng tới nền kinh tế quốc tế tự do, công bằng. Dù phần nội dung này không nêu đích danh Trung Quốc nhưng nhiều khả năng là vẫn đề cập đến nước này bởi Trung Quốc hiện là quốc gia phản đối mạnh nhất trật tự kinh tế hiện tại.
Nhìn chung, South China Morning Post cho biết cụm từ Trung Quốc được lặp đi lặp lại 25 lần trong tuyên bố chung của G7, hầu hết là bị sử dụng một cách tiêu cực. Một số ít lần Trung Quốc được đề cập tích cực là khi G7 nhắc về ý định hợp tác chung để chống biến đổi khí hậu.
Vấn đề lớn tiếp theo là đối phó với đại dịch COVId-19. Tuyên bố chung G7 cho biết nhóm ủng hộ mở đợt điều tra mới về nguồn gốc của virus SARS‑CoV‑2 ở TP Vũ Hán thuộc tỉnh Hồ Bắc của Trung Quốc. Đợt điều tra mới phải được các chuyên gia thuộc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) dẫn đầu và diễn ra một cách khoa học, nhanh chóng và minh bạch.
G7 cũng tái khẳng định cam kết tăng tốc quá trình triển khai vaccine ngừa COVID-19 ra toàn thế giới, ưu tiên hỗ trợ các nước đang phát triển và thu nhập thấp tiếp cận vaccine dễ dàng hơn để đảm bảo càng nhiều người được tiêm chủng càng tốt.
Kế hoạch viện trợ nhân đạo một tỉ liều vacccine COVID-19 mà G7 từng công khai hồi tuần trước không được nhắc tới trong tuyên bố chung nhưng được Thủ tướng Anh Boris Johnson đề cập tới trong họp báo sau thượng đỉnh cùng ngày.
Ông chia sẻ G7 vẫn sẽ tiến hành triển khai viện trợ vaccine qua vận chuyển trực tiếp tới các nước đang có nhu cầu hoặc chuyển vào kho lưu trữ của Sáng kiện tiếp cận vaccine COVAX của WHO, theo đài BBC.
"Cả thế giới đang dõi theo chúng tôi. G7 sẽ cho thấy chúng tôi không chấp nhận cách tiếp cận ích kỷ, vị lợi riêng mà sẽ sử dụng sử dụng lợi thế kinh tế, ngoại giao và khoa học để hỗ trợ chống dịch, đem lại ích lợi cho toàn nhân loại" - ông Johnson nhấn mạnh.