Tuyên bố kết thúc chiến tranh Triều Tiên 'có triển vọng' – Hàn Quốc muốn Mỹ 'đột phá'
Hàn Quốc đang rất nỗ lực, phối hợp với các bên, để đưa Triều Tiên trở lại bàn đàm phán, bao gồm việc thúc đẩy ra được Tuyên bố kết thúc Chiến tranh Triều Tiên 1950-1953, cũng như đẩy mạnh hỗ trợ nhân đạo cho quốc gia Đông Bắc Á này.
Trong chuyến thăm Australia, hôm nay (13/12), Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in cho biết Mỹ, Trung Quốc và Triều Tiên đã nhất trí về mặt nguyên tắc đối với Tuyên bố chính thức kết thúc Chiến tranh Triều Tiên 1950-1953 và Seoul sẽ thúc đẩy để ra được Tuyên bố này.
Tổng thống Hàn Quốc bày tỏ tin tưởng rằng, tuyên bố kết thúc chiến tranh sẽ giúp khôi phục các cuộc đàm phán bị đình trệ lâu nay giữa Hàn Quốc và Triều Tiên, cũng như giữa Triều Tiên và Mỹ.
“Hòa bình trên Bán đảo Triều Tiên luôn bắt đầu bằng đối thoại và hợp tác. Một tuyên bố kết thúc chiến tranh sẽ đánh dấu một điểm khởi đầu quan trọng trong việc tạo ra một trật tự mới “hòa giải và hợp tác” trên Bán đảo Triều Tiên.”
Được biết, Hiệp định đình chiến được ký ngày 17/7/1953 giữa Triều Tiên, Trung Quốc và Mỹ. Trong đó, Mỹ đại diện cho 22 nước đóng góp binh sĩ và nhân sự y tế cho các lực lượng Liên Hợp Quốc hỗ trợ Hàn Quốc trong cuộc chiến tranh Triều Tiên. Kể từ đó đến nay, Bán đảo Triều Tiên về mặt kỹ thuật vẫn trong tình trạng chiến tranh, mặc dù Triều Tiên và Hàn Quốc cùng trở thành thành viên của Liên Hợp Quốc vào năm 1992.
Cũng trong ngày hôm nay, Giám đốc tình báo Hàn Quốc Park Jie-won cho biết, đề xuất của Mỹ về việc cung cấp vaccine Covid-19 cho Bình Nhưỡng cũng có thể là động lực để thúc đẩy Triều Tiên trở lại đàm phán.
Theo ông Park Jie-won, việc tổ chức một cuộc gặp với giới chức Triều Tiên hiện nay là điều cực kỳ khó khăn trong bối cảnh nước này vẫn đóng cửa biên giới để phòng ngừa đại dịch. Tuy nhiên, điều này không thể diễn ra vô thời hạn. Và nếu Mỹ đề xuất một cách táo bạo hơn về việc cung cấp vaccine Covid-19 cho Triều Tiên, thì động lực tích cực sẽ được tạo ra.
Tuy nhiên, trên thực tế, Triều Tiên đến nay vẫn chưa chấp nhận các hỗ trợ vaccine Covid-19, ngay cả từ cơ chế chia sẻ vaccine COVAX do Liên Hợp Quốc dẫn đầu. Bình Nhưỡng nhiều lần từ chối tiếp nhận vaccine khi cho rằng các lô vaccine cần cho nhiều quốc gia khác trên thế giới đang hứng chịu làn sóng dịch bệnh, hoặc vẫn nghi ngại tính hiệu quả một số loại vaccine.
Cũng theo người đứng đầu cơ quan tình báo Hàn Quốc, nếu Mỹ bày tỏ quan tâm đến việc gỡ bỏ một số lệnh trừng phạt liên quan đến sinh kế của người dân Triều Tiên, chẳng hạn như cho phép nhập khẩu dầu tinh chế, xuất khẩu than và khoáng sản và nhập khẩu nhu yếu phẩm hàng ngày. Đó cũng có thể là một khởi đầu để nối lại các cuộc đàm phán vì hòa bình trên Bán đảo Triều Tiên.
Tuy nhiên, ông Park Jie-won cũng thúc giục phía Triều Tiên nên đáp lại lời kêu gọi đối thoại của các bên liên quan, bao gồm cả việc ra được Tuyên bố kết thúc Chiến tranh Triều Tiên. Các chính sách thù địch và “tiêu chuẩn kép” có thể là những nội dung nghị sự đầu tiên giữa các bên nếu quá trình đối thoại diễn ra.
Hiện Bộ trưởng Bộ Thống nhất Hàn Quốc Lee In-young đang rất kỳ vọng vào những điều tích cực có thể xảy ra, khi nhận định Triều Tiên thời gian qua không tạo căng thẳng quân sự, cũng như việc Hàn – Triều mới nối lại đường dây liên lạc. Điều đó cho thấy các cơ hội cho cánh cửa đối thoại mở./.