Tuyển bóng rổ Việt Nam trưởng thành trước SEA Games 31
Thầy trò HLV Kevin Yurkus khởi đầu chật vật ở VBA Premier Bubble Games, nhưng từng bước khắc phục điểm yếu để chơi sòng phẳng.
Vì sự xuất hiện của tuyển bóng rổ Việt Nam, ban tổ chức VBA đã xáo trộn thể thức tại VBA Premier Bubble Games. Theo đó, các nhân tố Việt kiều và nội binh xuất sắc của 7 CLB tạm thời chia tay đội bóng chủ quản để lên tuyển, nếu được HLV Yurkus triệu tập.
Đổi lại, VBA cho phép các CLB được bổ sung hai ngoại binh, thay vì một suất như trước. Tuyển bóng rổ Việt Nam quy tụ dàn ngôi sao Justin Young, Tâm Đinh, Khoa Trần hay Nguyễn Huỳnh Phú Vinh, nhưng không có ngoại binh, dẫn đến chất lượng đội hình chưa chắc trội hơn CLB.
Đây là thách thức cho thầy trò HLV Yurkus để cọ xát trước SEA Games. Trong đó, điểm đáng chú ý nhất là Phú Vinh trong vai trò trung phong phải tập làm quen với việc đương đầu các trung phong có chiều cao vượt trội khi bước vào chiến dịch SEA Games 31.
Bước thuận lợi của tuyển Việt Nam
Tuyển bóng rổ Việt Nam dự VBA Premier Bubble Games bằng thành phần gần như mạnh nhất hiện tại. Christian Juzang tuyên bố không thi đấu sau VBA 2020, do đó là trường hợp vắng mặt đáng tiếc. Chris Dierker cũng tạm thời giải nghệ, nhưng sẽ cân nhắc trở lại đội tuyển khi SEA Games 31 khởi tranh.
Thầy trò HLV Yurkus có điều kiện chuẩn bị tốt nhất cho SEA Games 31. Bởi không đội tuyển bóng rổ nào ở khu vực được hội quân, ăn tập cùng nhau và thi đấu trong vài tháng trong năm 2021. Khi kế hoạch tổ chức SEA Games 31 bị hoãn lại, tuyển Việt Nam càng có thêm thời gian để rèn quân và sẵn sàng 100% cho mục tiêu đổi màu huy chương bóng rổ.
Từ sự xuất hiện của đội tuyển Việt Nam, VBA bắt buộc cho phép các đội đăng ký hai ngoại binh. Trong đó, điều kiện VBA đưa ra là cặp ngoại binh có tổng chiều cao không quá 4 m, cũng đồng nghĩa với việc ban tổ chức không cho phép các CLB được sở hữu hai trung phong.
Các đội dành suất ngoại binh đầu tiên cho vị trí trung phong. Suất còn lại là hậu vệ dẫn bóng, hoặc tay ném vòng ngoài. Daquan Bracey, Akeem Scott, Tim Guers và Jeremy Smith, những hậu vệ đẳng cấp, góp mặt tại VBA Premier Bubble Games, qua đó giúp giải đấu được nâng tầm.
Chất lượng chuyên môn ở VBA Premier Bubble Games cải thiện rõ. Cụ thể là từng trận diễn ra nhanh, ít thời gian bóng chết hơn trước. Những mùa trước, hiếm khi xuất hiện một trận đấu có tổng 100 điểm. Nhưng tại VBA Premier Bubble Games, 100 điểm là con số bình thường. Các kỷ lục về điểm số cá nhân, ném ba hay kiến tạo liên tục bị xô ngã.
Tuyển Việt Nam từ vị thế tưởng chừng mạnh nhất, nhưng là đội yếu bậc nhất của VBA Premier Bubble Games. Thầy trò HLV Yurkus phải ra sân trong tâm thế "vượt ải" từng trận và các ngôi sao gồng gánh hết khả năng. Đây là tín hiệu tích cực cho tuyển Việt Nam, bởi khi tham dự sân chơi VBA, mục tiêu chủ chốt cho thầy trò HLV Yurkus là cọ xát.
Những Saigon Heat, Hochiminh City Wings hay Thang Long Warrios hoàn toàn vượt trội tuyển Việt Nam. Về sức mạnh, các CLB này có thể chưa so sánh với tuyển Thái Lan và Philippines, nhưng thầy trò HLV Yurkus đã phần nào va vấp, đương đầu với áp lực để trước hết nhận ra bản thân đang ở đâu và tiếp tục cải thiện.
Những điểm sáng
Thầy trò HLV Yurkus khởi đầu ấn tượng bằng trận thắng Danang Dragons 83-74. Nhưng sau đó, tuyển Việt Nam thua cách biệt ba trận liền, với khoảng cách lên tới hơn 30 điểm.
Sau ba trận, Tâm Đinh chấn thương. Khó khăn chồng chất cho thầy trò HLV Yurkus. Nhưng đúng thời điểm đó, sao Việt kiều Richard Nguyễn được trao cơ hội và gây ấn tượng mạnh. Tuyển Việt Nam càng chơi càng tiến bộ từ nguồn cảm hứng của Richard và Justin Young.
Vị trí trung phong là điểm đáng ngại nhất của tuyển Việt Nam, bởi Phú Vinh chỉ cao 2,03 m - hoàn toàn lép vế so với ngoại binh trung phong của CLB. Những trận đầu, Phú Vinh bất lực và khu vực bảng rổ của đội tuyển gãy vụn ở cả mặt trận tấn công lẫn phòng ngự.
Nhưng càng về cuối, sự hợp sức của Young và Phú Vinh giúp điểm yếu đó khắc phục. Ở 3 trận thua liên tiếp của tuyển Việt Nam, các đối thủ ghi trung bình 91,3 điểm. Còn với 5 trận cuối, tuyển Việt Nam thắng ba trận, để đối thủ ghi trung bình 71 điểm. Sự cải thiện ở khả năng phòng ngự bảng rổ là yếu tố quan trọng giúp thầy trò HLV Yurkus cắt bớt hơn 20 điểm bị khai thác mỗi trận.
Hai năm trước, vị trí của thầy trò HLV Yurkus là tấm HCĐ lịch sử. Còn ở SEA Games 31, mục tiêu của tuyển Việt Nam là giành HCV, hoặc ít nhất đổi màu cho tấm HCB. Khi có Juzang và Dierker, sức mạnh của đội tuyển hứa hẹn tiếp tục cải thiện trong khả năng cầm bóng và tăng "chất thép" ở vị trí hoạt động dưới bảng rổ.