Tuyên chiến với hàng giả, Amazon tiêu tốn bao nhiêu tiền năm 2022?

Mới đây, trong báo cáo năm với thông điệp 'Tuyên chiến với hàng giả', nền tảng bán lẻ trực tuyến nổi tiếng Amazon cho hay, họ đã xác định 6 triệu mặt hàng giả, đưa ra 'ánh sáng' 1.300 tội phạm và hợp tác với các tổ chức của Mỹ.

Amazon thu giữ và xử lý không dưới 6 triệu mặt hàng giả vào năm 2022. (Nguồn: National World News)

Amazon thu giữ và xử lý không dưới 6 triệu mặt hàng giả vào năm 2022. (Nguồn: National World News)

Trong báo cáo bảo vệ thương hiệu vừa được công bố, gã khổng lồ thương mại điện tử đã nêu chi tiết một loạt biện pháp được đưa ra để chống lại tệ nạn này.

Theo đó, trong năm 2022, Amazon đã thu giữ và xử lý không dưới 6 triệu mặt hàng giả. Con số này cao gấp đôi so với năm trước đó. Để làm được điều này, tập đoàn đã đầu tư không dưới 1,2 tỷ USD vào hoạt động của mình, tuyển dụng gần 15.000 nhân viên, bao gồm cả các nhà phát triển phần mềm trí tuệ nhân tạo.

Thêm vào đó, Amazon đã làm việc với Đơn vị chống hàng giả (CUU). Tổ chức này đặc biệt hợp tác với Văn phòng nhãn hiệu và bằng sáng chế Mỹ (UPSTO) và một loạt thương hiệu như FELCO và King Technology.

Có thể nói, châu Âu là thị trường màu mỡ cho các sản phẩm giả.

Theo Văn phòng sở hữu trí tuệ Liên minh châu Âu (EUIPO), tệ nạn hàng giả vẫn là một vấn đề nhức nhối đối với các doanh nghiệp và người tiêu dùng, những người thực sự gặp rủi ro với sức khỏe và sự an toàn, chưa kể đến việc họ mua hàng giả là gián tiếp hỗ trợ tội phạm các mạng lưới bán hàng nhái.

Theo một nghiên cứu được EUIPO thực hiện cùng với Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế (OECD), hàng giả chiếm 5,8% tổng lượng nhập khẩu của châu Âu. Con số này tương đương 120 tỷ Euro mỗi năm, ở tất cả các lĩnh vực hiện có. Gần 670.000 việc làm sẽ bị mất mỗi năm do hàng giả.

Để đối phó với tình trạng hàng giả tràn lan, EUIPO cho biết, họ đang nỗ lực bảo vệ tốt hơn các quyền sở hữu trí tuệ như một phần của dự án chiến lược và đang hợp tác theo hướng này với Amazon.

Vào tháng trước, Amazon đã phối hợp với nhà cung cấp giải pháp công nghệ Brother tiến hành một hành động pháp lý chống lại mạng lưới làm giả có trụ sở tại Đức. Đây là hành động đầu tiên trước tòa án dân sự do công ty cùng với một thương hiệu ở châu Âu khởi xướng chống lại mạng lưới làm giả.

Bên cạnh đó, gã khổng lồ của Mỹ luôn quan tâm việc cung cấp hình ảnh về độ tin cậy, minh bạch cho khách hàng và đối tác của mình, cũng như tính hợp pháp.

Điều này được củng cố sau vụ kiện tụng của Louboutin đối với Amazon vào tháng 12/2022. Vào năm 2019, hãng giày da cao cấp của Pháp này đã đệ hai đơn kháng cáo tại Luxembourg và Bỉ chống lại Amazon liên quan việc bán các sản phẩm giả mạo trên trang web của mình.

Điều này buộc Tòa án Công lý của Liên minh châu Âu lần đầu tiên yêu cầu các nền tảng thương mại điện tử phải chịu trách nhiệm về việc bán hàng giả.

(theo DPA)

Hà Thu

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/tuyen-chien-voi-hang-gia-amazon-tieu-ton-bao-nhieu-tien-nam-2022-222855.html