Tuyển chọn người đẹp sao lại phơi bày chuyện xấu?
Sau khi người đẹp Nguyễn Thúc Thùy Tiên đăng quang Hoa hậu Hòa bình quốc tế 2021 lại đến người đẹp Lê Nguyễn Bảo Ngọc đăng quang Hoa hậu Liên lục địa 2022, khiến nhiều người ngỡ rằng nhan sắc Việt Nam đã có vị trí đáng kể trên bản đồ thế giới. Thực chất, hàng loạt cuộc thi tuyển chọn người đẹp lại phơi bày không ít chuyện xấu.
Sự kiện nóng bỏng nhất là chung kết cuộc thi Hoa hậu Hòa bình quốc tế 2022 vừa diễn ra tại Thái Lan đêm 25/10. Thí sinh Đoàn Thiên Ân đại diện Việt Nam dừng chân ở top 20, đã gây nhiều tranh cãi. Người hâm mộ Việt Nam có vẻ không kiềm chế được bức xúc đã ồ ạt hủy theo dõi trang Instagram và Facebook của sân chơi nhan sắc này. Đám đông quá khích không làm cho hình ảnh người Việt Nam trở nên đẹp hơn. Thế nhưng, cách phản ứng của nhân vật cầm cân nảy mực cuộc thi Hoa hậu Hòa bình quốc tế 2022 cũng thật đáng thất vọng.
Cuộc thi Hoa hậu Hòa bình quốc tế - Miss Grand International được hình thành vừa tròn 10 năm, do ông Nawat Itsaragrisil sáng lập và làm Chủ tịch. Khi chứng kiến hơn 1 triệu người bỏ theo dõi fanpage của Hoa hậu Hòa bình quốc tế 2022, ông Nawat Itsaragrisil tuyên bố: "Tôi chả sao cả, tôi chẳng quan tâm đến lượt theo dõi. Tổ chức này của tôi, do tôi bỏ tiền ra. Tôi là người quyết định ai sẽ đăng quang…".
Nói về việc người đẹp Đoàn Thiên Ân đại diện Việt Nam chỉ lọt vào top 20, ông Nawat Itsaragrisil bày tỏ: "Tôi có thể nói lý do bị loại. Là người duy nhất lưng dài hơn cơ thể, tôi có thể nhìn rõ, và hông to. Điều đó nhìn thấy rõ mà! Top 20 đã là rất tốt rồi! Rất là công bằng đấy, nếu tôi đưa Đoàn Thiên Ân vào Top 10 thì mới không công bằng. Hoa hậu của các bạn có chất lượng hay không mà nói muốn công bằng? Với Ban Giám khảo không có vị trí nào cho cô ấy, tôi đã cố gắng đưa vào Top 20 rồi. Cô ấy rất chậm chạp trong suốt quá trình thi. Phần thi Interview cô ấy còn không có điểm, tôi đã cố gắng đẩy điểm lên".
Ngoài thái độ trịch thượng thì cách phát ngôn của ông Nawat Itsaragrisil cho thấy cuộc thi Hoa hậu Hòa bình quốc tế không nhằm hướng đến mục tiêu cao cả gì. Đó chỉ là một nơi khoe mẽ và kinh doanh mà thôi.
Sự thật bẽ bàng từ cuộc thi Hoa hậu Hòa bình quốc tế 2022 cũng là bài học để khán giả Việt Nam bớt kỳ vọng vào những sân chơi mang hai chữ "quốc tế". Bởi lẽ, ngay tại Việt Nam, cũng rất nhiều cuộc thi nhan sắc khoa trương "quốc tế" nhưng chất lượng cực kỳ tệ hại. Từ một cuộc thi duy nhất mang tên Hoa hậu Việt Nam, đến hôm nay nước ta đã có hàng chục cuộc thi hoa hậu các kiểu.
Riêng năm 2022, sau khi đại dịch COVID -19 được khống chế thì hơn 20 cuộc thi hoa hậu đã bùng nổ. Thậm chí, có ngày người Việt Nam phải chứng kiến đến hai hoa hậu lên ngôi như đêm 22/10 vừa qua đã trao vương miện cho Hoa hậu Biển đảo Việt Nam và Hoa hậu Hoàn cầu Việt Nam. Những cuộc thi hoa hậu có cách thức tổ chức na ná nhau, nên cạnh tranh với nhau rất quyết liệt và tạo ra không ít hệ lụy trớ trêu. Có người đẹp mới bị loại khỏi cuộc thi nọ đã quay sang chiến thắng ở cuộc thi kia, giúp thị trường hoa hậu hình thành khái niệm "cứ kiên trì đi thi ắt có ngày đăng quang".
Không phải ngẫu nhiên, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao & Du lịch gần đây phải ban hành chỉ thị số 274 để chỉ đạo Cục nghệ thuật biểu diễn kiểm tra, theo dõi việc tổ chức các cuộc thi người đẹp. Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao & Du lịch yêu cầu quản lý chặt chẽ số lượng, chất lượng các cuộc thi người đẹp, người mẫu trên địa bàn; tăng cường công tác phối hợp trong quản lý đối với cuộc thi người đẹp, người mẫu có quy mô lớn, có yếu tố nước ngoài, liên quan đến công tác dân tộc, bình đẳng giới, trẻ em, được tổ chức nhiều vòng ở nhiều địa phương.
Đồng thời, thẩm định chặt chẽ hồ sơ (trong đó rà soát kỹ Đề án bảo đảm tính thống nhất, phù hợp thuần phong, mỹ tục của dân tộc, văn hóa truyền thống, phù hợp với lứa tuổi, giới tính và điều kiện thực tiễn của địa phương) trước khi tham mưu chấp thuận hoặc không chấp thuận tổ chức các cuộc thi người đẹp, người mẫu. Ngoài ra, phải tăng cường kiểm tra, theo dõi sau khi cấp văn bản chấp thuận, kiên quyết dừng cuộc thi người đẹp, người mẫu, chỉ đạo việc thu hồi danh hiệu, giải thưởng, hủy kết quả cuộc thi trong trường hợp có vi phạm pháp luật.
Tôn vinh cái đẹp là một tinh thần đáng trân trọng. Thế nhưng, "bội thực" hoa hậu thì không có ích gì cho cộng đồng, mà còn gây ra thị phi. Công chúng Việt Nam dần dần nhận ra hoa hậu, á hậu bây giờ nhiều đến nỗi chẳng ai nhớ tên hết. Do không có gì đặc biệt nên tên tuổi của họ không thể phủ sóng rộng rãi. Hoa hậu là cuộc thi tôn vinh nét đẹp phụ nữ nhưng đã biến tướng rất nhiều. Phần lớn các cuộc thi không đem lại giá trị gì cho xã hội, ngoài việc đánh bóng tên tuổi cho thí sinh và lợi nhuận cho các công ty giải trí.
Có nhiều điều dở khóc dở cười xung quanh các cuộc thi Hoa hậu. Vì việc cấp giấy phép các cuộc thi hoa hậu đã giao cho địa phương, nên những nhà tổ chức càng tỏ ra khôn khéo hơn. Không thể diễu võ giương oai ở đô thị lớn như Hà Nội hay TP. Hồ Chí Minh thì họ gom thí sinh về các tỉnh và vẫn treo bảng "quốc tế" khá hoành tráng. Có không ít cuộc thi hoa hậu mà người đội vương miện chính là nhà tài trợ. Và oái oăm hơn, Ban Giám khảo cũng không cần trình độ hay chuyên môn gì. Ai bỏ tiền ra ủng hộ nhiều hay ít thì sẽ được làm Trưởng Ban Giám khảo hay Phó Ban Giám khảo. Hậu quả là những tin đồn thổi về việc mua bán danh hiệu cứ nở rộ như nấm sau mưa.
Khi thi hoa hậu được xem như một phi vụ làm ăn, thì các chiêu trò được dịp triển khai giữa những nhà tổ chức và những nhà tài trợ. Mới đây, một cuộc thi nhan sắc vừa kết thúc đã diễn ra trận cãi vã ồn ào giữa Trưởng Ban Tổ chức và nhà tài trợ Kim cương. Nhiều cuộc thi, cái vương miện được tuyên bố trị giá 2 tỷ đồng hoặc 3 tỷ đồng, mà nếu rạch ròi ra thì tiền vật tư chỉ chiếm một phần mười, còn lại là tiền chế tác. Thế nhưng, éo le hơn, nhà tài trợ Kim cương kia lại mua vương miện ngoài chợ trời để "làm phúc" cho các người đẹp.
Chưa hết, nhà tài trợ Kim cương còn đưa ra một cái vỏ sò quý hiếm nặng 100kg để bán đấu giá từ thiện và đòi chia 50/% lợi nhuận khi biết cái vỏ sò được mua với giá 150 triệu đồng. Trưởng Ban Tổ chức điên tiết nên "ngửa bài" cái vỏ sò chỉ có giá 10 triệu đồng được bán đầy ở Phú Quốc, và yêu cầu nhà tài trợ Kim cương thanh toán chi phí vận chuyển cái vỏ sò từ TP. Hồ Chí Minh ra địa điểm tổ chức tại miền Trung là 20 triệu đồng. Những người theo dõi màn giằng co giữa Trưởng Ban Tổ chức và nhà tài trợ Kim cương chẳng biết nên cười hay nên mếu!
Mặc dù có nhiều cuộc thi nhan sắc có có tên mang ý nghĩa rền vang tương tự nhau như "Hoa hậu Doanh nhân Tài sắc thế giới" và "Hoa hậu Doanh Nhân Việt Nam quốc tế", nhưng những nhà tổ chức vẫn an ủi đám đông rằng không nên quá lo lắng vì có nhiều sân chơi hoa hậu, vì các cuộc thi sẽ tự đào thải lẫn nhau.
Chả rõ khi nào thì cơn khát danh hiệu hoa hậu mới nguôi ngoai, nhưng một người có kinh nghiệm trang bị kỹ thuật cho các người đẹp ứng thí như Hiệu trưởng Trường Jonh Robert Power - Võ Thị Xuân Trang thì tỏ ra hoài nghi: "Tôi đào tạo rất nhiều người đẹp đi thi hoa hậu, nhưng có lúc phải nghe những câu hỏi: Hoa hậu làm được gì mà tổ chức các cuộc thi hoa hậu nhiều như vậy? Thật sự bản thân tôi cũng không biết nhiều người đã làm được gì. Chúng ta nên đặt ra câu hỏi, các cô ấy sau khi là hoa hậu đã làm được gì cho nhân dân, đất nước? Từ đó nên có quy định những việc làm, hành động cụ thể cho họ trong quá trình đương nhiệm, để họ làm tròn trách nhiệm của mình".