Tuyến đầu chống dịch lớn nhất cả nước đã chữa khỏi 105 bệnh nhân COVID-19
TS. Phạm Ngọc Thạch - Giám đốc BV Bệnh Nhiệt đới Trung ương cho biết, với những nỗ lực của toàn thể cán bộ, nhân viên BV, đến nay, BV đã chữa khỏi 105 bệnh nhân. Hiện chỉ còn 02 bệnh nhân cần thở máy hỗ trợ nhưng bệnh đã thuyên giảm nhiều, người bệnh tỉnh táo và giao tiếp tốt. Các bệnh nhân khác đều ổn định và có tiến triển tốt.
BV Bệnh Nhiệt đới Trung ương vừa được Chủ tịch nước trao tặng Huân chương Lao động Hạng Ba vì đã có thành tích xuất sắc trong khám, điều trị các bệnh nhân COVID-19 và phòng chống dịch COVID-19.
Có thể nói, trong đại dịch COVID-19 hiện nay, BV Bệnh Nhiệt đới Trung ương đã đóng góp phần quan trọng trong công tác đều trị và phòng ngừa lây nhiễm, đặc biệt cho đến này không có trường hợp nào tử vong vì dịch bệnh COVID-19. Đây là thành tích được nhân dân trong nước và các nước trên thế giới đánh giá cao.
Đáp ứng nhanh trong chẩn đoán, điều trị COVID-19
Theo TS. Thạch, để có được kết quả trên, ngay từ khi dịch bệnh chưa xâm nhập vào Việt Nam, Bệnh viện xây dựng kế hoạch phòng chống dịch chi tiết với các kịch bản khác nhau theo quy mô, diễn biến của từng mức độ nặng của bênh. Triển khai sớm công tác phân luồng người bệnh đến khám tại Bệnh viện ngay từ trước Tết Cổ truyền. Bệnh viện tổ chức các khu vực riêng rẽ để khám cho người bệnh có dấu hiệu nghi ngờ nhiễm trùng hô hấp, cho người có yếu tố dịch tễ và cho các trường hợp khác. Trong khu vực điều trị cách ly, người bệnh được phân luồng vào các khu vực riêng tùy theo mức độ nguy cơ nhiềm COVID-19 và mức độ nặng của bệnh, bao gồm khu cách ly điều trị bệnh nhân nghi nhiễm, khu bệnh nhân nhiễm, và bệnh nhân nhiễm có biến chứng nặng để có biện pháp theo dõi và điều trị phù hợp.
Bệnh viện sớm triển khai việc giảm tải, chuyển dần các bệnh nhân thông thường đã được điều trị ổn định về tuyến cơ sở điều trị tiếp trước khi dịch bệnh xâm nhập. Vì vậy Bệnh viện đã tập trung được mọi nguồn lực sẵn sàng phục vụ cho cho công tác thu dung, cách ly, điều trị người từ vùng dịch về, người nghi nhiễm và người nhiễm bệnh dịch COVID-19.
Đặc biệt, công tác hậu cần được Bệnh viện hết sức chú trọng. Bệnh viện đã dự trù đầy đủ các cơ số thuốc, hóa chất, sinh phẩm, vật tư tiêu hao, máy móc trang thiết bị… đảm bảo đáp ứng nhanh, đầy đủ cho việc chẩn đoán và điều trị người bệnh COVID-19 và các trường hợp nghi nhiễm trong các tình huống cấp cứu khác nhau.
Giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cho biết, BV phối hợp với các chuyên gia trong hệ thống y tế xây dựng phác đồ điều trị phù hợp báo cáo Bộ Y tế để hướng dẫn triển khai trong cả nước, và kịp thời cập nhật, điều chỉnh phác đồ phù hợp với từng giai đoạn diễn biến của dịch bệnh. Chuẩn bị sẵn sàng nhân lực và phương tiện đảm bảo cấp cứu kịp thời, thực hiện các kỹ thuật chuyên môn cao cứu chữa người bệnh, đặc biệt là với bệnh nhận nặng, bệnh nhân nguy kịch.
Đồng thời, triển khai tốt các hoạt động kiểm soát nhiễm khuẩn, đảm bảo nguyên tắc phòng ngừa, tuân thủ nghiêm ngặt các quy định về kiểm soát lây nhiễm, kiểm soát vệ sinh, khử khuẩn môi trường. Trong đó, kiểm soát tốt thông khí, môi trường nội và ngoại cảnh, mang khẩu trang, vệ sinh tay, và trang bị đầy đủ các thiết bị phòng hộ cá nhân, hạn chế tối đa việc lấy chéo gữa bệnh nhân với bệnh nhân, giữa bệnh nhân với nhân viên y tế.
Cứu sống nhiều bệnh nhân COVID-19 biến chứng nặng
Đến nay, Bệnh viện đã tiếp nhận và điều trị 143 bệnh nhân dương tính với SARS-CoV-2, với 15 bệnh nhân diễn biến nặng, trong đó 05 bệnh nhân có diễn biến nguy hiểm đến sinh mạng phải thở máy và điều trị hồi sức tích cực với lực lượng y bác sĩ trực tiếp làm việc trong buồng bệnh, theo dõi liên tục người bệnh 24/24h. Chính vì thế đã cấp cứu kịp thời và thành công người bệnh có tổn thương tim gây biến chứng ngừng tuần hoàn trong đêm. Các điều trị các bệnh nhân nặng này có nguy cơ lây nhiễm bệnh cho nhân viên là rất cao.
Với những nỗ lực của toàn thể cán bộ, nhân viên Bệnh viện, đến nay, Bệnh viện đã chữa khỏi 105 bệnh nhân. Hiện chỉ còn 02 bệnh nhân cần thở máy hỗ trợ nhưng bệnh đã thuyên giảm nhiều, người bệnh tỉnh táo và giao tiếp tốt. Các bệnh nhân khác đều ổn định và có tiến triển tốt.
Cũng theo TS. Thạch, Bệnh viện đã tiếp nhận cách ly và theo dõi y tế cho 1.725 trường hợp nghi ngờ, trong đó có 30 người từ vùng dịch Vũ Hán, Trung Quốc. Đến nay còn 167 trường hợp đang tiếp tục được cách ly và theo dõi y tế. Số còn lại đã được ra viện hoặc chuyển tuyến dưới theo dõi. Trong đại dịch lần này, cơ sở 2 của BV tại Kim Chung, Đông Anh, Hà Nội đã đáp ứng được nhu cầu khám chữa bệnh cho người dân, giảm tải cho cơ sở Giải Phóng. Đây là cơ sở điều trị cho trên 50% số bệnh nhân dương tính trong cả nước và là nơi cách ly cho hàng nghìn người có yếu tố dịch tễ.
BV thực hiện chế độ toàn bộ lãnh đạo, nhân viên và người lao động tự nguyện ở lại Bệnh viện sẵn sàng phục vụ người bệnh, người cách ly, đồng thời để đảm bảo hạn chế lây nhiễm từ môi trường Bệnh viện ra cộng đồng, cũng như từ cộng đồng vào môi trường bệnh viện.
Nhân viên Bệnh viện thường xuyên được xét nghiệm sàng lọc SARS-CoV-2, đặc biệt nhóm nhân viên tại khoa Cấp cứu, khoa Hồi sức tích cực thường xuyên phải làm các thủ thuật, điều trị, chăm sóc đặc biệt cho bệnh nhân nhiễm SARS-CoV-2 nặng để kịp thời phát hiện, xử lý những trường hợp có khả năng lây nhiễm, đảm bảo an toàn cho cán bộ, nhân viên y tế.
Bên cạnh đó, BV cung cấp đầy đủ các nhu yếu phẩm, đồ dùng sinh hoạt hàng ngày cho người nhiễm, người nghi nhiễm và nhân viên y tế của Bệnh viện, đảm bảo kịp thời, khoa học.
Song song với công tác khám và điều trị bệnh, Bệnh viện triển khai, kết hợp triển khai nhiều đề tài nghiên cứu khoa học liên quan đến dịch bệnh SARS-CoV-2, đặc biệt các đề tài nghiên cứu về một số phương pháp điều trị mới cho bệnh nhân như: Dùng huyết tương của bệnh nhân dương tính sau khi đã khỏi bệnh; thử nghiệm lâm sàng ghép tế bào gốc trung mô…
Tăng cường hợp tác với các tổ chức quốc tế nhằm hỗ trợ Bệnh viện về chuyên môn kỹ thuật và nguồn lực cho công tác phòng chống, dịch bệnh.Kịp thời tổ chức nhiều lớp đào tạo, tập huấn nâng cao năng lực giám sát; hướng dẫn chẩn đoán, điều trị, chăm sóc, xử trí cấp cứu và dự phòng lây nhiễm COVID-19 cho các bệnh viện vệ tinh, tuyến dưới, trong đó đặc biệt tại tỉnh Vĩnh Phúc khi xã Sơn Lôi bị cách ly, tại Bệnh viện đa khoa huyện Đồng Văn – Hà Giang.
Trong đại dịch COVID-19, Bệnh viện đã, đang phối hợp triển khai một số nghiên cứu nhằm tìm ra những phương pháp mới, cơ hội mới để cứu chữa người bệnh trong bối cảnh chưa có vắc xin và thuốc điều trị như hiện nay. Các nghiên cứu gồm: Đánh giá tính an toàn và hiệu quả của ghép tế bào gốc trung mô từ dây rốn (Vcell1) hỗ trợ điều trị hội chứng suy hô hấp cấp do virus COVID-19; Đánh giá tính an toàn và hiệu quả bước đầu điều trị bệnh nhân nhiễm COVID-19 bằng huyết tương của bệnh nhân đã hồi phục...
Với chức năng là tuyến cao nhất khám, chữa bệnh, phục hồi chức năng về các bệnh truyền nhiễm và nhiệt đới; phòng chống dịch bệnh, trước đó, Bệnh viện đã góp phần quan trọng vào sự thành công trong công tác phòng chống dịch đối với nhiều loại dịch bệnh mới nổi và tái nổi có diễn biến phức tạp, nguy hiểm như: dịch SARS năm 2003, cúm A (H5N1), đại dịch cúm A (H1N1) năm 2009, dịch sởi, dịch tiêu chảy cấp năm 2009; xây dựng kế hoạch chuẩn bị và diễn tập công tác phòng chống dịch bệnh nguy hiểm như Ebola, MERS-CoV….
Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/tuyen-dau-chong-dich-covid19-n173010.html