Ông Nikolai Korchunov - đại diện đặc biệt của Bộ Ngoại giao Nga cho biết, Tuyến đường biển phương Bắc (NSR) có thể trở thành một giải pháp thay thế lộ trình cũ qua Biển Đỏ do những cuộc tấn công do Houthi thực hiện đang gây lo ngại lớn.
Tuy nhiên ông Korchunov nhấn mạnh, nếu muốn sử dụng NSR, các hãng vận tải nước ngoài sẽ phải tuân thủ các quy định của luật pháp Bắc Cực, cũng như các tài liệu liên quan quy định việc Nga quản lý toàn bộ tuyến đường này.
Bên cạnh đó, Tổng thống Nga Vladimir Putin bày tỏ quan điểm NSR hiệu quả hơn kênh đào Suez, nhấn mạnh sự gia tăng đáng kể về lợi ích kinh tế của việc vận chuyển hàng hóa dọc tuyến đường này.
Thông báo trên được đưa ra trong bối cảnh căng thẳng gia tăng ở Biển Đỏ, nơi lực lượng Houthi tiếp tục tấn công các tàu thương mại, bao gồm cả những tàu mà họ tin rằng có liên quan đến Israel, điều này được cho là tạo cơ hội cho NSR, nhưng vẫn còn không ít rào cản.
Biến đổi khí hậu toàn cầu cũng đang dần làm tăng tính cạnh tranh của NSR, khi một kỷ lục nhiệt độ khác đã bị phá vào năm ngoái, và chỏm băng ở Bắc Cực đã thu hẹp lại 5 - 7 lần trong vòng 40 năm qua.
Diện tích băng phủ ở Bắc Băng Dương cũng đã giảm xuống mức tối thiểu. Tất cả những điều này làm cho Tuyến đường biển phương Bắc ngày càng trở nên hấp dẫn hơn đối với vận tải biển.
Tạp chí EurAsian Times của Ấn Độ nhận định: “Trong tương lai, Tuyến đường biển phương Bắc có thể thay đổi sự cân bằng chiến lược giữa Ấn Độ Dương và Bắc Cực".
Việc cung cấp dầu và khí đốt qua NSR sẽ giúp các nguồn năng lượng dễ tiếp cận hơn và rẻ hơn cho những người tiêu dùng chính ở châu Âu và Đông Á. Một khi điều đó xảy ra, tầm quan trọng của Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương có thể sẽ giảm đi đáng kể.
Tuy nhiên nhiều ý kiến chuyên gia vẫn tỏ ra lo ngại, không loại trừ khả năng sự phát triển của Tuyến đường biển phương Bắc có thể bị đe dọa do 3 vấn đề chính còn tồn tại sau đây.
Thứ nhất, việc tạo ra cơ sở hạ tầng cần thiết sẽ được yêu cầu, điều này dự báo tiêu tốn hàng chục tỷ USD, gánh nặng tài chính này đối với Nga là quá lớn nếu Trung Quốc không đứng ra viện trợ.
Lý do thứ hai là sự đối đầu giữa Moskva và Washington: “Việc gia tăng áp lực lên Nga và mở rộng các lệnh trừng phạt từ Mỹ có thể biến eo biển Bering, nơi ngăn cách Liên bang Nga với Mỹ, thành một nút thắt cổ chai nguy hiểm”.
Tờ báo Ấn Độ khẳng định: "Tất cả những điều này chắc chắn sẽ ảnh hưởng rất tiêu cực đến khả năng cạnh tranh thương mại của Tuyến đường biển phương Bắc".
Cuối cùng là mối đe dọa thứ ba, có liên quan đến biến đổi khí hậu trong khu vực. Hiện vẫn chưa rõ NSR sẽ an toàn đến mức nào trước bối cảnh băng vĩnh cửu tan chảy ở vùng Viễn Bắc.
Ngoài ra NSR phải gắn chặt với số lượng và hoạt động của các tàu phá băng, điều này mang lại rủi ro rất lớn. Giả sử trường hợp nếu tàu phá băng đến không đúng lúc và đúng chỗ thì các tàu chở hàng khô sẽ buộc phải dừng hoạt động.