Tuyến đường bộ nối Đại Tây Dương và Thái Bình Dương

Trong khuôn khổ chuyến thăm tới Chile vừa qua, lãnh đạo và giới doanh nghiệp Brazil đã ký gần 20 thỏa thuận hợp tác với phía Chile, đánh dấu cột mốc mới trong quan hệ giữa hai quốc gia. Trọng tâm hợp tác hai bên là nỗ lực thúc đẩy tuyến đường thương mại trên bộ kết nối Đại Tây Dương và Thái Bình Dương.

Diễn đàn doanh nghiệp Chile-Brazil được tổ chức tại Chile. (Ảnh FLICKR)

Phát biểu tại Diễn đàn doanh nghiệp được tổ chức tại thủ đô Santiago trong khuôn khổ chuyến thăm Chile đầu tháng 8 vừa qua, Tổng thống Brazil Lula da Silva khẳng định tầm quan trọng của dự án hành lang đường bộ kết nối Nam Mỹ với các thị trường châu Á, cũng như kết nối hai bờ Đại Tây Dương và Thái Bình Dương. Lãnh đạo hai nước cam kết tăng cường hợp tác, đẩy nhanh tiến độ xây dựng để khánh thành hành lang đường bộ nối hai bờ đại dương trong nửa đầu năm 2025.

Nhà lãnh đạo Brazil cho biết thêm, với tuyến đường bộ mới, hàng hóa Brazil có thể tiếp cận khu vực Thái Bình Dương thông qua cảng biển ở Chile và ngược lại, Brazil có thể đóng vai trò tương tự, tạo thuận lợi cho hàng hóa xuất khẩu của Chile tới châu Phi qua Đại Tây Dương. Khi đi vào hoạt động, tuyến đường bộ này dự kiến giúp tiết kiệm tới 1.000 USD/container hàng hóa xuất khẩu sang châu Á. Cả hai phía kỳ vọng, tuyến hành lang này có thể thúc đẩy hội nhập khu vực, tạo điều kiện thuận lợi thúc đẩy quan hệ giữa khu vực Nam Mỹ với các nước châu Á, trong đó có Trung Quốc - đối tác thương mại quan trọng với cả Chile và Brazil.

Ra đời năm 2015, dự án hành lang đường bộ Đại Tây Dương-Thái Bình Dương có thiết kế kéo dài từ Brazil đi qua Paraguay và Argentina, kết thúc tại miền bắc Chile, với nhiều cảng chiến lược. Dự án kết hợp giữa việc xây dựng mới một số tuyến đường cao tốc và hiện đại hóa những tuyến cao tốc có sẵn, với tổng chiều dài khoảng 4.000 km.

Việc lãnh đạo hai nước Brazil và Chile cam kết nỗ lực thúc đẩy sớm hoàn thành hành lang đường bộ nối hai bờ đại dương đã củng cố thêm quan điểm chung cho rằng, phát triển cơ sở hạ tầng chung là nền tảng cho một lục địa thịnh vượng, thống nhất và liên kết hơn. Tổng thống Chile Gabriel Boric khẳng định tầm quan trọng của dự án hành lang đường bộ Nam Mỹ đối với phát triển kinh tế các quốc gia tại khu vực, đồng thời bày tỏ, cách duy nhất để các nước Mỹ Latin vượt qua những cuộc khủng hoảng trên thế giới là tăng cường hợp tác.

Cũng trong chuyến thăm Chile vừa qua, ngoài cam kết đẩy mạnh hợp tác về cơ sở hạ tầng, nhà lãnh đạo Brazil và đại diện nước chủ nhà cũng thảo luận về các giải pháp nhằm tiếp tục tăng cường mối quan hệ tốt đẹp giữa hai nước. Hai bên cũng nhấn mạnh về những giải pháp, cùng cách tiếp cận hợp tác để đối phó các thách thức toàn cầu. Trong chuyến thăm, nhiều thỏa thuận được ký kết, mở rộng quan hệ đối tác trong nhiều lĩnh vực, gồm an ninh, y tế, thương mại, văn hóa, khoa học, du lịch và nông nghiệp. Hai nước cũng cam kết hành động chung chống lại các trường hợp khẩn cấp về khí hậu, vì một khu vực Nam Mỹ kết nối, kiên cường và thịnh vượng. Hai bên khẳng định tích cực tạo thêm cơ hội và điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp vừa và nhỏ hai nước tìm hiểu lẫn nhau, tăng cường trao đổi thương mại, du lịch...

Brazil hiện là đối tác thương mại hàng đầu của Chile tại Mỹ Latin và thứ ba trên thế giới. Kim ngạch thương mại giữa hai nước năm 2023 đạt khoảng 12,25 tỷ USD.

Nguồn: BÁO NHÂN DÂN

Nguồn Sóc Trăng: https://baosoctrang.org.vn/the-gioi/202410/tuyen-uong-bo-noi-ai-tay-duong-va-thai-binh-duong-3cf43c3/