Tuyên Hóa (Quảng Bình): Hàng trăm hộ dân tự bỏ tiền làm đường qua suối
Nhiều năm qua, hơn 265 hộ dân tại thôn 4 Đức Phú, xã Đức Hóa (Tuyên Hóa, Quảng Bình) tự góp tiền làm đường qua suối Khe Sủng để ra đồng sản xuất nông nghiệp.
Cứ sau mỗi mùa lũ về, con đường qua Khe Sủng ra các xứ đồng: Khe, Trai Sủng, Lộ Kiên-Máng-Mù Đề, Nương Làng, Cồn Sỏi, Hương Hòa, Ba Bào, Cây Quýt bị nước cuốn trôi. Đây là tuyến đường duy nhất để ra đồng canh tác, do vậy sau khi bị nước cuốn trôi người dân lại phải đóng góp tiền cùng nhau sửa chữa.
Ông Nguyễn Thành Đồng - Bí thư Chi bộ thôn 4 Đức Phú, xã Đức Hóa cho biết: “Tội lắm các chú ạ. Trước kia vẫn đi lại được nhưng khoảng 5 năm nay mưa lũ nhiều hơn, nước dồn từ trên xuống lớn cuốn trôi đoạn đường qua suối Khe Sủng. Năm nào người dân cũng phải góp tiền và công sức ra để làm, không làm thì không có đường để ra đồng canh tác, địa phương khó khăn cũng không có kinh phí hỗ trợ bà con xây dựng”.
Thôn 4 Đức Phú, xã Đức Hóa có hơn 265 hộ dân, trên 1050 nhân khẩu, gần 60ha diện tích đất nông nghiệp người dân đang canh tác, trong đó, riêng tại các xứ đồng: Lộ Kiên-Máng, Hương Hòa, Ba Bào, Cây Quýt và đồng Ba Bào có hơn 15ha diện tích đất trồng hoa màu. Còn tại các xứ đồng: Khe, Trai Sủng, Lộ Kiên-Máng-Mù Đề, Nương Làng, Cồn Sỏi, Hương Hòa có diện tích đất trồng lúa 2 vụ gần 42ha. Khoảng 5 năm trở lại đây, mưa lũ diễn ra nhiều, nước lũ cuôn trôi cống tạm và đoạn đường khiến người dân gặp khó khăn khi ra đồng sản xuất.
Trao đổi với PV Báo điện tử Xây dựng, ông Võ Xuân Trường – Chủ tịch UBND xã Đức Hóa cho biết: “Đây là đường nội đồng đi từ Cồn Cam lên thôn 4 Đức Phú, đã được đưa vào kế hoạch trung hạn năm 2024-2026, là tuyến đường quan trọng nhưng vốn quá lớn nên phải đưa vào kế hoạch giai đoạn sau. Tổng diện tích diện tích trồng lúa 2 vụ và hoa màu gần 60ha. Những năm gần đây, mưa lũ về lưu lượng nước lớn nên cuốn trôi đoạn qua suối Khe Sủng. Mấy năm nay, người dân tự góp tiền rồi sửa chữa nhưng cũng chỉ làm tạm”.
Theo ông Trường, để ra các xứ đồng canh tác người dân bắt buộc phải đi qua suối Khe Sủng. Kinh phí để đầu tư qua đoạn suối này khoảng 4-5 tỷ, người dân nhiều lần có ý kiến đề xuất, nhưng do địa phương khó khăn không có ngân sách để đầu tư nên đến nay tuyến đường vẫn chưa thể xây dựng.
Được biết, ngoài bỏ công lao động, mỗi lần sửa chữa đường qua suối Khe Sủng thì người dân trong thôn đều phải góp tiền của, tổng chi phí mỗi năm sửa chữa đường từ 50-60 triệu đồng.
“Trong 5 năm qua, người dân góp công sức của cải cũng lên đến hàng trăm triệu đồng, nhưng vẫn bị nước lũ cuốn trôi, chỉ riêng đợt vừa rồi tổng chi phí dân góp để sửa chữa cũng trên 50 triệu đồng. Nghề nghiệp chủ yếu của người dân thôn 4 Đức Phú là dựa vào trồng hoa màu, trồng lúa 2 vụ. Trong khi đây là con đường duy nhất người dân ra đồng sản xuất. Giờ chúng tôi không biết trong chờ vào đâu, chỉ mong UBND huyện và UBND tỉnh, các cấp ngành quan tâm, bố trí kinh phí sớm đầu tư làm đường để người dân đi lại canh tác an toàn, yên tâm sinh sống”, ông Nguyễn Thành Đồng - Bí thư chi bộ thôn 4 Đức Phú chia sẻ thêm.