Tuyến Metro Nhổn - Ga Hà Nội dự kiến vận hành vào 30/4/2024

Sau thời gian vận hành thử nghiệm, TP. Hà Nội đang lên kế hoạch dự kiến đưa tuyến đường sắt trên cao, tuyến Metro Nhổn - ga Hà Nội vào khai thác vào dịp 30/4-1/5/2024. Đồng thời đẩy nhanh tiến độ các dự án trọng điểm giai đoạn 2021-2025.

Ấn định thời gian vận hành dự kiến tuyến Metro Nhổn - ga Hà Nội

Hội đồng nhân dân Thành phố Hà Nội vừa tổ chức tiếp xúc cử tri chuyên đề "Công tác tổ chức giao thông, trông giữ phương tiện và quản lý lòng đường, hè phố trên địa bàn thành phố Hà Nội". Phát biểu tại cuộc tiếp xúc, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố Hà Nội Dương Đức Tuấn cho biết, sau khi vận hành thử cuối tháng 12 tới, đường sắt đô thị Nhổn - Ga Hà Nội dự kiến vận hành chính thức vào 30/4/2024.

Khi đi vào hoạt động thương mại, tuyến Metro Nhổn - ga Hà Nội sẽ nâng tỷ lệ vận tải hành khách công cộng của thành phố từ 19% lên 21,5 %. Đặt mục tiêu 30% vào năm 2025.

 Tuyến đường sắt đô thị Metro Nhổn - Ga Hà Nội chạy thử nghiệm tháng 12/2022. (Ảnh: ĐCSVN).

Tuyến đường sắt đô thị Metro Nhổn - Ga Hà Nội chạy thử nghiệm tháng 12/2022. (Ảnh: ĐCSVN).

Ngoài ra Hà Nội đang nghiên cứu đề án hạn chế phương tiện cá nhân tại các quận năm 2030 và thu phí phương tiện nội đô. Ông Dương Đức Tuấn cho hay, việc hạn chế phương tiện cá nhân chỉ khả thi khi vận tải công cộng đạt 30-35%.

Để đạt mục tiêu trên, Hà Nội đang coi đường sắt đô thị là xương sống và quy hoặc 10 tuyến đến năm 2030. Tổng chiều dài 417km, trong đó dưới lòng đất 75km, trên cao 342km. Đến nay đã có tuyến Cát Linh - Hà Đông đi vào hoạt động sau 12 năm triển khai.

Tuyến metro Nhổn - ga Hà Nội có 8 nhà ga, 4 nhà gầm và dài 12,5km. Cụ thể đoạn trên cao (Cầu Giấy - ga Hà Nội) dài 4km, (Nhổn - Cầu Giấy) dài 8,5km. Tổng đầu tư dự án sau khi tăng thêm 1.900 tỷ đồng là hơn 34.800 tỷ đồng.

Hà Nội đẩy nhanh tiến độ dự án trọng điểm

Trước đó UBND TP Hà Nội đã ban hành Kế hoạch số 272/KH-UBND về tiến độ triển khai các công trình trọng điểm của TP Hà Nội, giai đoạn 2021-2025. Trong kế hoạch, số công trình, dự án trọng điểm của thành phố giai đoạn 2021-2025 sau khi được thông qua là 42 dự án với tổng mức đầu tư lên tới 353.192 tỷ đồng. 34 dự án sử dụng vốn ngân sách, 6 dự án đầu tư theo hình thức xã hội hóa, 1 dự án đầu tư theo hình thức PPP.

Đến cuối tháng 10/2023, có 2 công trình được hoàn thành và đưa vào khai thác gồm cầu Vĩnh Tuy giai đoạn 2 và tuyến đường bộ trên cao dọc đường Vành đai 2 đoạn từ cầu Vĩnh Tuy đến Ngã Tư Sở. Trong khi đó, một số dự án theo hình thức xã hội hóa còn chậm.

 Thủ tướng Phạm Minh Chính cùng các đại biểu cắt băng khánh thành cầu Vĩnh Tuy 2.

Thủ tướng Phạm Minh Chính cùng các đại biểu cắt băng khánh thành cầu Vĩnh Tuy 2.

Theo kế hoạch số 272/KH-UBND, Hà Nội phấn đối ưu tiên bố trí vốn cho các công trình trọng điểm, trong đó tập trung vốn cho các dự án công trình trọng điểm chuyển tiếp. dự án Xây dựng Vành đai 4 - Vùng Thủ đô và các dự án trọng điểm dự kiến hoàn thành trong giai đoạn 2021-2025.

Phấn đấu 16 dự án đầu tư hoàn thành và đưa vào sử dụng giai đoạn 2021-2025. Hoàn thiện các thủ tục đầu tư, đẩy nhanh việc thực hiện 26 dự án hoàn thành sau năm 2025.

Chủ tịch UBND TP Hà Nội yêu cầu các sở, ngành, đơn vị liên quan tập trung vào 4 nhiệm vụ, giải pháp để thực hiện kế hoạch trên. Đẩy nhanh thủ tục hành chính, vướng mắc các dự án trọng điểm, thủ tục hành chính. Tập trung huy động nguồn lực cho đầu tư công. Tập trung chỉ đạo quyết liệt để giải phóng mặt bằng và nâng cao trách nhiệm, tính chủ động và quyết liệt của các chủ đầu tư, nhà quản lý.

Nhật Hạ

Nguồn Kinh tế Môi trường: https://kinhtemoitruong.vn/tuyen-metro-nhon-ga-ha-noi-du-kien-van-hanh-vao-3042024-82730.html