Tuyển nữ và nam Việt Nam tại SEA Games 32: Sàn diễn chính thức!
Cả đội tuyển nam (U22) và nữ Việt Nam dự SEA Games 32 đều trong tư thế đương kim vô địch và cùng một mục tiêu bảo vệ huy chương vàng. Không những thế, cả 2 còn có trọng trách tận dụng dịp này để tạo đà phóng cho những mục tiêu xa hơn, cao hơn ở đấu trường khu vực và thế giới. Nhưng cùng lúc không thể 'ôm đồm'mọi thứ, hãy xem SEA Games 32 là nơi để 'ra mắt' người hâm mộ, đặc biệt là U22 Việt Nam trong cơ hội xua tan bóng mây hoài nghi.Cả đội tuyển nam (U22) và nữ Việt Nam dự SEA Games 32 đều trong tư thế đương kim vô địch và cùng một mục tiêu bảo vệ huy chương vàng. Không những thế, cả 2 còn có trọng trách tận dụng dịp này để tạo đà phóng cho những mục tiêu xa hơn, cao hơn ở đấu trường khu vực và thế giới. Nhưng cùng lúc không thể 'ôm đồm'mọi thứ, hãy xem SEA Games 32 là nơi để 'ra mắt' người hâm mộ, đặc biệt là U22 Việt Nam trong cơ hội xua tan bóng mây hoài nghi.
Một đội tuyển, đa mục tiêu
Trước khi lên đường về Việt Nam để sang Campuchia cùng đội tuyển nữ, Huỳnh Như chia sẻ lý do CLB chủ quản cho cô về dự SEA Games 32 ngay từ vòng bảng, mặc dù đây không phải là giải đấu nằm trong hệ thống của FIFA: "Sau khi trao đổi về tầm quan trọng của kỳ SEA Games này đối với World Cup sắp tới, ban lãnh đạo Lank, đặc biệt là HLV trưởng Daniel Pacheco đã đồng ý để Như trở về thi đấu cho tuyển nữ Việt Nam ngay từ vòng bảng".
Tiết lộ từ "trò cưng" của HLV Mai Đức Chung và động thái tập trung nhiều nhân tố mới vừa qua phần nào làm sáng tỏ lộ trình, mục tiêu cần chinh phục của bóng đá nữ, và SEA Games 32 chỉ là một phần trong kế hoạch đó.
Tương tự, với U22 Việt Nam, HLV Philippe Troussier hơn một lần tuyên bố danh sách cầu thủ U22 và U20 được tập trung ở các đợt vừa qua không chỉ "dùng" ở đấu trường SEA Games 32 mà còn phục vụ cho ASIAD 2023, vòng loại World Cup 2026… Lứa Văn Khang, Quốc Việt, Văn Trường… phải thay thế các đàn anh Quang Hải, Công Phượng, Văn Hậu… trong tương lai không xa, một khi thế thệ vàng này đã "già".
Như vậy, có thể nói tuyển nữ và U22 Việt Nam hiện nay được xây dựng như là nòng cốt của "một đội tuyển, đa mục tiêu". Nhiệm vụ tại Campuchia sắp tới là điểm khởi đầu cho hành trình đầy ắp công việc của năm 2023 và những năm tiếp theo. Với U22/U23 Việt Nam là ASIAD, vòng loại U23 châu Á, VCK U23 Đông Nam Á, Asian Cup, vòng loại World Cup 2026. Với tuyển nữ là VCK World Cup, vòng loại Olympic Pari 2024.
Ai bảo SEA Games là… "chuyện nhỏ"?
So với mục tiêu Asian Cup, Olympic hay World Cup, SEA Games quá nhỏ bé. Nhưng thực tế cho thấy, chưa có đội bóng nào ở Đông Nam Á chịu "thả con săn sắt bắt con cá rô" cả. Ở sân chơi dành cho nữ, cuộc đua vô địch giải đấu này liên tục là cuộc cạnh tranh quyết liệt của tuyển Việt Nam, Thái Lan, Myanmar, nay lại thêm Philippines. Tuyển nữ Việt Nam lập "hat-trick" vô địch trong 3 kỳ liên tiếp gần nhất, đặc biệt đã lọt vào VCK World Cup, nhưng chưa hề tỏ ý "chê" huy chương vàng SEA Games. Khiêm tốn hơn, U23 Việt Nam lên ngôi cao nhất ở SEA Gamess 30 và 31, vẫn đang nỗ lực để bảo vệ "ngai vàng". Phần còn lại, Thái Lan, Malaysia, Indonesia, Campuchia (nam), Thái Lan, Myanmar, đặc biệt là Philippines (nữ), đang làm mọi cách để truất ngôi hai đội tuyển Việt Nam ở SEA Games này.
Ngôi vị ở SEA Games vẫn là sức hút lớn đối với các nền bóng đá ASEAN, bởi nó "khả thi" hơn, ngay cả với "2 niềm tự hào Đông Nam Á" là nữ Việt Nam và nữ Philippines, các đội đã lọt tới VCK giải đấu lớn nhất hành tinh. Làn sóng nhập tịch cầu thủ hay động thái gọi "viện binh" khắp nơi về phục vụ cho SEA Games nói lên tất cả.
Hãy chọn… SEA Games 32
Như đã nêu, cả tuyển nữ và nam Việt Nam dự SEA Games 32 đều chung mục tiêu bảo vệ ngôi vô địch lẫn chuẩn bị cho hành trình tương lai. Mục tiêu có nhiều, nhưng không cùng một thời điểm. Vì vậy, không nhất thiết phải tốn tâm hao trí để chọn "cái nhỏ" hay "cái lớn", thay vào đó "biến hai thành một", coi SEA Games 32 là điểm xuất.
Trên đất Campuchia sắp tới, cả tuyển nữ lẫn tuyển nam Việt Nam đều gặp thách thức. Với tuyển nữ, đó là sự trỗi dậy của Phlippines cũng với các đối trọng Thái Lan, Myanmar. Với U22 Việt Nam, những chuyển động từ U22 Thái Lan, Malaysia lẫn Indonesia, Campuchia cho thấy hành trình gian nan hơn nhiều. Trong khi sự góp mặt của Huỳnh Như (có thể cả Chương Thị Kiều) và hành trình tập huấn mang lại tín hiệu tích cực ở tuyển nữ, thì U22 Việt Nam khiến người ta bất an trong quá trình chuẩn bị. Tuy nhiên, giữa "thử" và "thật" luôn có khác biệt, nhất là xét về yếu tố động lực, tinh thần lẫn chiến thuật. Hơn nữa, đã là khởi đầu, ai cũng muốn mọi sự hanh thông. HLV Mai Đức Chung, HLV Troussier và các tuyển thủ hẳn là những người muốn và tập trung tối đa trong các trận đấu để đạt được điều này.
Hy vọng, "từ vô vàn áp lực có khi kích hoạt cầu thủ bung ra như "lò xo nén" để họ thăng hoa, mang lại nhiều thú vị" như chuyên gia Đoàn Minh Xương nhận định. Và nếu được, hãy tạm gác qua mọi chỉ trích để tinh thần, đôi chân thanh thoát hơn trong mỗi pha bóng, "công thức" từng làm nên thành công cho bóng đá Việt Nam nhiều năm qua...
T.S
* 16 giờ 00 chiều 26-4, U22 Việt Nam có buổi tập đầu tiên trên sân cỏ tự nhiên tại tổ hợp thể thao của Viện Giáo dục thể chất và thể thao (NIPES), cách thủ đô Phnom Penh 12km. Theo thông báo mới nhất từ ban tổ chức môn bóng đá nam SEA Games 32, 3 buổi tập đầu tiên của U22 Việt Nam diễn ra trên sân này.
* Chủ nhà Campuchia đã "chỉ định" Campuchia, Lào, Brunei, Timor Leste và Myanmar tham gia nội dung đồng đội hỗn hợp ở môn cầu lông. Điều này nghĩa là cầu lông sẽ có thêm một bộ huy chương cho 5 nước kể trên tranh tài mà không vấp phải sự cạnh tranh lớn từ 6 quốc gia còn lại là Malaysia, Indonesia, Singapore, Philippines và Việt Nam.
* Trang facebook chính thức của SEA Games 32 bất ngờ đưa ra văn bản thông báo cấm chụp ảnh và quay phim ở các hoạt động diễn tập cho lễ khai mạc và bế mạc SEA Games 32. Theo thông báo này, quy định trên được áp dụng với tất cả người hâm mộ và các thành viên tham gia diễn tập. Như vậy, người hâm mộ chỉ được chiêm ngưỡng 2 sự kiện quan trọng này khi nó chính thức diễn ra.