Tuyển Olympic Việt Nam trông chờ gì ở ASIAD?
Tuyển Olympic Việt Nam rơi vào bảng đấu có Ả Rập Xê Út và Iran, hai đội bóng hàng đầu châu Á. Vì vậy, mục tiêu đi tiếp không hề đơn giản, ngay cả khi nhắm tới tấm vé vớt cho một trong bốn đội xếp thứ ba có thành tích tốt nhất.
Hai ngọn núi cản đường
Đội tuyển Olympic Việt Nam sẵn sàng cho các trận đấu tại ASIAD 19. Ảnh: VFF.
Vào lúc 15h ngày 19/9, đội tuyển Olympic Việt Nam dưới sự dẫn dắt của HLV Hoàng Anh Tuấn sẽ đá trận ra quân gặp đội tuyển Olympic Mông Cổ. Đây là đối thủ yếu nhất bảng B và đương nhiên đội bóng áo đỏ sẽ đặt mục tiêu giành trọn 3 điểm.
Giới chuyên môn cho rằng, nhiệm vụ trên trong tầm tay Khuất Văn Khang và đồng đội. Tuy nhiên, ngay cả khi giành chiến thắng, Olympic Việt Nam vẫn còn cả chặng đường dài. Ngoại trừ Mông Cổ, hai đối thủ còn lại là Olympic Iran và Olympic Ả Rập Xê Út đều rất mạnh.
Ngoài việc đứng top đầu châu Á, hai nền bóng đá này còn thường xuyên đại diện cho châu Á tham dự World Cup. Tính riêng tại ASIAD, Iran có tới 4 lần vô địch vào các năm 1974, 1990, 1998 và 2002. Bên cạnh đó là 2 lần về nhì năm 1951, 1966; 1 lần về thứ 3 năm 2006 và 1 lần xếp thứ 4 năm 2010.
Ả Rập Xê Út không có bề dày thành tích tại ASIAD giống như Iran (1 lần về thứ 3, một lần xếp thứ 4) nhưng bóng đá ở quốc gia này cũng là một thế lực lớn. Theo thống kê, "đại bàng xanh" có tổng cộng 6 lần tranh tài tại World Cup và góp mặt trong hai kỳ gần nhất. Iran đương nhiên cũng chẳng kém cạnh khi cùng có 6 lần có mặt tại sân chơi lớn nhất thế giới, góp mặt 3 kỳ liên tiếp gần nhất.
Chỉ riêng những thống kê như vậy đã cho thấy sức mạnh của hai đội bóng Tây Á. Chưa hết, cả Iran lẫn Ả Rập Xê Út cùng thể hiện quyết tâm cao khi đến Á vận hội năm nay khi mang theo nhiều tuyển thủ quốc gia.
Xét thực lực, Olympic Việt Nam đương nhiên thua kém hai ông lớn Tây Á. Đặc biệt, dưới trướng HLV Hoàng Anh Tuấn chủ yếu là các cầu thủ lứa U20, theo định hướng của VFF. Chính bởi vậy, để cạnh tranh một trong hai vị trí đầu bảng, lấy vé trực tiếp vào vòng loại trực tiếp cực khó khăn.
Trong khi đó, nếu nhắm tới top 4 đội thứ 3 có thành tích tốt nhất cũng nhiều rủi ro. Bởi lẽ, Mông Cổ khả năng cao sẽ đứng cuối bảng, giải lại có bảng 3 đội nên thành tích với đội đứng cuối sẽ không được tính. Đồng nghĩa thày trò ông Tuấn phải trông vào hai trận với Iran, Ả Rập Xê Út.
Tiềm ẩn sự bùng nổ
Theo bình luận viên Ngô Quang Tùng, tuyển Olympic Việt Nam chắc chắn phải đối mặt nhiều khó khăn nhưng cơ hội lấy vé đi tiếp không hẳn không có: "Bóng đá trẻ vẫn luôn tồn tại sai số và trong những thời điểm nhất định sẽ xuất hiện cơ hội cho chúng ta. Bỏ qua trận gặp Mông Cổ vì không được tính thành tích, Olympic Việt Nam cần có ít nhất 1 điểm trong hai trận cuối và hạn chế tối đa bàn thua. Trong quá khứ, Olympic Việt Nam từng đánh bại Iran (ASIAD 2014) nên chúng ta có quyền hy vọng".
Lịch thi đấu của Olympic Việt Nam ở bảng B ASIAD 19
- 15h00 ngày 19/9: Việt Nam - Mông Cổ.
- 18h30 ngày 21/9: Việt Nam - Iran.
- 18h30 ngày 24/9: Việt Nam - Ả Rập Xê Út.
Cũng theo ông Tùng, mục tiêu vượt qua vòng bảng có thể hoàn thành nhưng Olympic Việt Nam khó tiến sâu bởi các đối thủ đều rất mạnh. Tuy nhiên, vị bình luận viên kỳ cựu cũng lưu ý, ASIAD 19 không phải là giải đấu bóng đá Việt Nam đặt trọng tâm.
"Chúng ta coi đây là bước đệm, chuẩn bị nhân sự cho đội tuyển quốc gia nên thành tích không cần quan tâm. Cốt lõi là cầu thủ được học hỏi, cọ xát và tích lũy cho tương lai", ông Tùng phân tích.
Nhưng chính bởi việc không bị áp lực thành tích, theo ông Tùng có thể giúp Olympic Việt Nam tạo ra được điều thú vị: "Lứa cầu thủ này gồm nhiều cái tên mới 19, 20 tuổi nhưng bù lại có nhiều cầu thủ đã chinh chiến ở V-League, giải U23 châu Á, chơi cùng nhau nhiều năm các cấp độ đội tuyển.
Họ lại được dẫn dắt bởi một HLV biết thúc đẩy cầu thủ trẻ nên tôi tin Olympic Việt Nam sẽ thể hiện được sự gắn kết. Cộng thêm tinh thần thoải mái và sức trẻ, biết đâu họ lại làm nên sự khác biệt".
Đồng quan điểm, chuyên gia Hoàng Văn Phúc cho rằng, nếu đã coi ASIAD 19 là bước đệm để các cầu thủ hướng tới tương lai thì không cần coi trọng thành tích. Điều cần quân tâm là thày trò HLV Hoàng Anh Tuấn sẽ thể hiện lối đá ra sao.
"Điểm thú vị là ông Tuấn đang xây dựng cách chơi cho lứa này giống triết lý HLV Troussier áp dụng ở đội tuyển Việt Nam, đó là kiểm soát bóng, tấn công chủ động. Thế nên, các trận đấu sắp tới sẽ là trải nghiệm cần thiết cho cầu thủ trong chặng đường phấn đấu lên tuyển quốc gia.
Và thực tế cũng có những cái tên sang Trung Quốc ít nhiều được trao cơ hội ở đội tuyển. Số này đương nhiên sẽ tích lũy được kinh nghiệm thực chiến cho các nhiệm vụ tiếp theo", ông Phúc đánh giá.
Nhưng vị cựu HLV Quảng Nam cũng nhận định, không vì thế mà đánh giá thấp Olympic Việt Nam: "Đội có những cái tên đã vô địch Đông Nam Á 2023, cộng thêm một số cầu thủ chơi tốt tại vòng loại U23 châu Á 2024. Đặc biệt, những Văn Khang, Tuấn Tài, Thái Sơn… đều đã hít thở bầu không khí V-League. Bởi vậy, nếu chắt chiu và chơi tập trung, tôi tin Olympic Việt Nam ít nhất vượt qua vòng bảng".