Tuyển Pháp tan hoang đội hình, đối mặt 'lời nguyền' World Cup
Liên tiếp gặp tổn thất về lực lượng, đội tuyển Pháp khiến người hâm mộ lo ngại về 'lời nguyền' đối với các nhà đương kim vô địch World Cup.
Bảng đấu của Pháp tại World Cup 2022 có thể khiến nhiều cổ động viên giật mình. "Gà trống Gaulois" tái ngộ Australia, Đan Mạch ở vòng bảng, và nếu đổi chỗ Tunisia thành Peru, ta sẽ có bảng đấu của Pháp giống hệt World Cup 2018. Pháp đã thắng Australia ở trận ra quân World Cup 2018. Năm nay, họ lại gặp Australia ở trận đầu tiên.
Định mệnh luôn tạo ra những cái duyên, nhưng cũng có duyên lành, cũng có nghiệt duyên. Ở World Cup, đội tuyển Pháp thường gặp điềm xấu nhiều hơn vận may, một trong số đó là ám ảnh chung kết. "Gà trống Gaulois" thường rơi xuống vực sâu ngay khi chạm tới đỉnh cao.
Lời nguyền World Cup
2 lần gần nhất vào chung kết World Cup (1998, 2006), Pháp đều gục ngã ở kỳ World Cup ngay sau đó dù được đánh giá cao. World Cup 2002, đội tuyển Pháp bị loại ở vòng bảng dù đầy đủ hảo thủ. Thierry Henry cùng đồng đội nằm ở bảng đấu dễ thở với Uruguay, Senegal và Đan Mạch, nhưng chỉ giành 1 điểm, không ghi được bàn thắng nào.
World Cup 2010, 4 năm sau khi về nhì ở giải đấu trên đất Đức, Pháp lại dừng chân ở vòng bảng. Đội bóng của HLV Raymond Domenech hòa Uruguay, thua Mexico rồi khép lại World Cup bằng trận thua nhục nhã trước Nam Phi. Hình ảnh HLV Domenech bị học trò "bẻ ghế" ở Nam Phi là vết nhơ khó rửa trong lịch sử bóng đá Pháp.
Tại World Cup 2022, lời nguyền đang quay về với Pháp. Khó khăn càng tăng lên gấp bội bởi trong 5 nhà vô địch World Cup gần nhất (từ 1998 đến 2014), có tới 4 đội bị loại ở vòng bảng tại kỳ World Cup kế tiếp, trong đó có đầy đủ các đội tuyển mạnh như Pháp, Đức, Tây Ban Nha hay Italy.
Điều đó cho thấy, bóng đá đỉnh cao luôn rất khắc nghiệt. Các đội tuyển no nê trên vinh quang rất dễ rơi xuống vực thẳm bởi sức ép của kỳ vọng.
Sự bão hòa về chiến thuật cũng khiến khoảng cách giữa các đội tuyển ngày càng hẹp lại. "Các đội bóng ngày nay có thể gây bất ngờ dù không có ngôi sao trong đội hình, chỉ cần được tổ chức tốt", Lionel Messi khẳng định.
Costa Rica vào tới tứ kết World Cup 2014, Hàn Quốc quật ngã Đức, Iran cầm chân Bồ Đào Nha ở World Cup 2018 hay kỳ tích Đan Mạch ở EURO 2020 là những câu chuyện đầy cảm hứng với các đội nhỏ và đe dọa với các đội lớn.
Đội tuyển Pháp cũng nếm trải dư vị đắng ngắt của sự chủ quan. Sau khi lên ngôi vô địch World Cup 2018 nhờ sự chặt chẽ và thực dụng, Pháp bị Thụy Sĩ hất cẳng ở vòng 1/8 EURO 2020 chỉ với 10 phút cuối tự mãn. Dẫn đối thủ 3-1, Paul Pogba cùng đồng đội thi đấu lỏng chân.
Pha đi bóng phiêu lưu khiến đội nhà bị trừng phạt của Pogba đại diện cho sự tự mãn của "Gà trống Gaulois", mà nếu không thể thay đổi ở học trò, HLV Didier Deschamps có thể khép lại World Cup 2022 bằng bi kịch như những nhà vô địch trước đây.
Tan hoang đội hình
Một trong những nguyên nhân lớn nhất khiến các cổ động viên đội tuyển Pháp lo ngại "lời nguyền" nhà vô địch là cơn khủng hoảng lực lượng của đội nhà.
Bước vào World Cup 2022, đội tuyển Pháp vắng cả Paul Pogba và N'Golo Kante. Rạng sáng 20/11, HLV Didier Deschamps đón thêm tin xấu khi Karim Benzema không kịp bình phục chấn thương đùi trái, buộc phải chia tay giải đấu khiến nhà đương kim vô địch chỉ có thể đăng ký 25 cầu thủ.
Đội tuyển Pháp thiếu người, và vị trí bị khuyết lại là Benzema - đương kim Quả Bóng Vàng và đóng vai trò quan trọng trong đội hình từ khi trở lại màu áo lam vào năm 2021. Tiền đạo của Real Madrid đã ghi 3 bàn tại EURO 2020 và tỏa sáng tại Nations League giúp Pháp lên ngôi vô địch. Ở đội tuyển Pháp, không tiền đạo nào đa năng và sắc bén như Benzema.
Không có Benzema, HLV Deschamps chỉ còn Olivier Giroud là trung phong thực thụ, nhưng chân sút của AC Milan đã 37 tuổi, còn Antoine Griezmann, Ousmane Dembele chơi thất thường. Một tuần trước khi Benzema rút lui, một trong những phương án thay thế anh là Christopher Nkunku cũng bị gạch tên vì chấn thương.
Trong hoàn cảnh này, trách nhiệm đặt lên vai Kylian Mbappe tăng lên rất nhiều và điều đó khiến các cổ động viên Pháp lo lắng. Bản lĩnh và sự trưởng thành về cá tính của cầu thủ này vẫn là dấu hỏi, sau khi anh gây thất vọng ở EURO 2020.
Ám ảnh chấn thương vẫn chưa buông tha đội tuyển Pháp. Trong buổi tập gần nhất, đến lượt Eduardo Camavinga - nhân tố thay thế Paul Pogba - phải ngồi ngoài.
Đội tuyển Pháp đang ở thời kỳ dư thừa lực lượng với rất nhiều cầu thủ tài năng. Tuy nhiên, thay thế những ngôi sao đẳng cấp hàng đầu như Pogba hay Benzema không phải chuyện đơn giản. Bài toán đặt ra cho HLV Didier Deschamps không chỉ đơn giản là tìm người khác lấp vào chỗ trống mà có thể phải điều chỉnh cả hệ thống. Đây là lúc nhà cầm quân này cần trổ tài xoay sở, để chứng tỏ ông không chỉ là kẻ may mắn gặp đúng đội hình mạnh.
Chờ dấu ấn Deschamps
Khi sự chủ quan bủa vây, đội tuyển Pháp thất bại ở EURO 2020 theo cách "phản Deschamps" nhất, đó là tràn lên ghi bàn rồi để đối thủ ngược dòng. Đội tuyển Pháp ở EURO 2020 mang hình ảnh một nhà vô địch kiêu ngạo.
Bài học nhớ đời cách đây hơn một năm cùng với cơn khủng hoảng lực lượng hiện tại là lời nhắc nhở để đội tuyển Pháp quay trở lại với những đặc trưng của Deschamps.
Ngày còn thi đấu, Deschamps là một trong những tiền vệ phòng ngự giỏi nhất. Năm tháng chơi ở vị trí "công nhân" giúp Deschamps có tư duy thực dụng và toan tính.
Đội tuyển Pháp sở hữu những ngôi sao tấn công hàng đầu, nhưng lại chơi theo phong cách thực dụng, với nền tảng chính ở sự khiêm nhường và nhẫn nại. Ở World Cup 2018, đội tuyển Pháp chỉ thủng lưới 1 lần trong 3 trận tứ kết, bán kết và chung kết. Đó mới là con đường đưa "Gà trống Gaulois" lên đỉnh cao.
Để bảo vệ ngai vàng World Cup 2022, đội tuyển Pháp cần nhiều những cầu thủ biến nhún nhường vì tập thể, hiểu giá trị của sự đoàn kết và đồng lòng như ở World Cup cách đây 4 năm. Khi chơi khiêm nhường, lạnh lùng và toan tính, đội tuyển Pháp có thể ngược gió để tiến xa.
Nguồn VTC: https://vtc.vn/tuyen-phap-tan-hoang-doi-hinh-doi-mat-loi-nguyen-world-cup-ar714941.html