Tuyên phạt 570 triệu đồng vì phạm tội 'Trốn thuế'
TAND tỉnh Bắc Kạn vừa xét xử phiên sơ thẩm vụ án 'Trốn thuế' với hai bị cáo: Hà Thị Yến, sinh năm 1983, ở tổ 7, phường Phùng Chí Kiên, TP. Bắc Kạn; Phạm Thị Thoa, sinh năm 1983, ở tổ 7, phường Phùng Chí Kiên, TP. Bắc Kạn và xử phạt hai bị cáo 570 triệu đồng vì 'Trốn thuế'.
Theo cáo trạng và diễn biến phiên tòa, Công ty Cổ phần Khang Thịnh, có trụ sở tại tổ 7, phường Phùng Chí Kiên, TP. Bắc Kạn, được cấp Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh từ tháng 01/2011, với ngành nghề kinh doanh chính là “Xây dựng các công trình và Giám sát Công tác xây dựng, hoàn thiện công trình điện, cấp điện đến 35KV, khảo sát thiết kế các công trình điện...”. Công ty thực hiện kê khai, nộp thuế tại Cục Thuế tỉnh Bắc Kạn và do Hà Thị Yến làm Giám đốc đại diện theo pháp luật, Phạm Thị Thoa làm kế toán.
Trong các năm 2016, 2017, khi thi công các công trình mà Công ty Cổ phần Khang Thịnh trúng thầu, ngoài những người lao động thực tế làm việc cho Công ty thì Hà Thị Yến đã thu thập thêm thông tin cá nhân của những người khác trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn và chỉ đạo Phạm Thị Thoa lập khống các hợp đồng lao động giữa Công ty với những cá nhân này, rồi làm thủ tục đăng ký mã số thuế thu nhập cá nhân của những người lao động nêu trên với Cục Thuế tỉnh Bắc Kạn. Căn cứ vào chi phí nhân công trong dự toán công trình hoặc hợp đồng kinh tế mà Công ty Cổ phần Khang Thịnh đã ký với chủ đầu tư, Yến chỉ đạo Thoa lập bảng chấm công, bảng thanh toán tiền lương hằng tháng của từng công trình sao cho tổng chi phí tiền lương của công trình bằng hoặc gần bằng chi phí nhân công theo dự toán công trình, hợp đồng kinh tế đã ký, trong đó có đưa những cá nhân thực tế không làm việc tại Công ty vào bảng chấm công và bảng chứng từ thanh toán tiền lương để làm tăng chi phí thi công công trình.
Kết quả điều tra, Cơ quan Cảnh sát điều tra xác định các năm 2016 và 2017 Công ty Cổ phần Khang Thịnh đã sử dụng thông tin của 59 cá nhân không làm việc tại Công ty để lập khống hợp đồng lao động và chứng từ chi trả tiền lương. Tổng số tiền trên chứng từ chi trả tiền lương Công ty Cổ phần Khang Thịnh lập khống đối với 59 người lao động trên là hơn 1,5 tỷ đồng.
Với việc sử dụng thông tin của 59 người không làm việc tại Công ty để lập khống hợp đồng lao động, chứng từ chi trả tiền lương, sử dụng chứng từ chi trả tiền lương không đúng thực tế để hạch toán làm tăng chi phí sản xuất kinh doanh, giảm lợi nhuận của Công ty để trốn thuế thu nhập doanh nghiệp với tổng số tiền được xác định là hơn 267 triệu đồng.
Bào chữa cho các bị cáo, Luật sư có ý kiến: Nguồn tin tội phạm làm căn cứ khởi tố vụ án không rõ ràng. Xác định UBND tỉnh là Nguyên đơn dân sự là không chính xác. Phải xác định Cục Thuế là bị hại của vụ án. Xác định 59 người làm chứng là không chính xác, phải là bị hại. Vụ án không thực nghiệm hiện trường, không đối chất người làm chứng với các bị cáo. Một số biên bản lấy lời khai người làm chứng bút lục có tẩy xóa và còn nhiều nội dung mâu thuẫn chưa làm rõ. Số tiền tổng chi lương cho 59 cá nhân lao động tại công trình xác định không chính xác. Kết luận giám định kỹ thuật hình sự về các mẫu chữ ký đưa ra giám định chưa rõ ràng, không khách quan. Công ty Khang Thịnh khi tuyển lao động không có trách nhiệm xác định chính xác người lao động thực tế so với người có lý lịch như trong Chứng minh thư nhân dân mà người đó giao nộp. Sau khi ký hợp đồng, căn cứ bảng chấm công lao động và khối lượng công việc hoàn thành để trả lương và làm các thủ tục báo cáo đầy đủ với cơ quan Thuế, nên không vi phạm nghĩa vụ về thuế.
Đối đáp với Luật sư, đại diện Viện Kiểm sát có quan điểm: Căn cứ khởi tố vụ án là nguồn tin của Phòng cảnh sát Điều tra tội phạm về Kinh tế - Tham nhũng - Chức vụ gửi cho cơ quan CSĐT Công an tỉnh được thể hiện tại thông báo về việc tiếp nhận tin báo tội phạm số 226 ngày 11/7/2019 của cơ quan CSĐT Công an tỉnh.
Trong vụ án này, Cục Thuế là cơ quan giám định, vì vậy các cơ quan tiến hành tố tụng không xác định Cục Thuế là bị hại. Đối với UBND tỉnh Bắc Kạn là cơ quan quản lý nhà nước cao nhất tại địa phương có đơn yêu cầu bồi thường thiệt hại về Thuế, để sung ngân sách nhà nước, vì vậy xác định UBND tỉnh theo Điều 63 Bộ luật Tố tụng Hình sự tư cách Nguyên đơn dân sự là đúng quy định pháp luật.
Quá trình điều tra xác định được 59 cá nhân có hồ sơ lao động tại Công ty Khang Thịnh, nhưng thực chất không được tham gia lao động tại các công trình, nên họ không có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án; do vậy xác định tư cách người làm chứng là phù hợp.
Việc đối chất giữa các bị cáo và người làm chứng được thực hiện tại phiên tòa cũng bảo đảm làm rõ nội dung vụ án theo quy định định pháp luật. Đối với vụ án kinh tế việc thực nghiệm hiện trường là không khả thi và đặc biệt trong vụ án này không cần thiết.
Một số bút lục có trong hồ sơ vụ án như bút lục 416, 418, 368, 370, 378, 392 có tẩy xóa ở một số từ, tuy nhiên việc tẩy xóa trên không làm thay đổi nội dung lời khai và bản chất vụ án.
Xác nhận có việc nhầm lẫn về mặt số học trong việc cộng tổng tiền lương của 59 cá nhân lao động. Thực tế số tiền là 1.335.564.891 đồng. Tuy nhiên số tiền cơ quan Thuế xác định tiền trốn thuế là chính xác. Các mẫu chữ ký đã được cơ quan thu thập đúng trình tự Bộ luật tố tụng Hình sự, việc trưng cầu và kết luận giám định của cơ quan chuyên môn là hợp pháp và đúng quy định.
Khi Công ty Khang Thịnh tuyển dụng lao động và báo cáo quyết toán thuế đối với 6 công trình, trong đó sử dụng 59 người lao động, nhưng thực tế 59 người này không lao động tại các công trình đã được cơ quan điều tra xác minh làm rõ và được kiểm chứng qua lời khai người làm chứng tại phiên tòa. Các tài liệu về hợp đồng lao động, bảng chấm công và bảng thanh toán tiền lương của 59 người lao động là không hợp pháp, không phản ánh khách quan, không đầy đủ và không đúng thực tế mà nghiệp vụ kinh tế tài chính phát sinh, vi phạm khoản 3 Điều 6 Luật Kế toán 2015. Trên thực tế công ty đã sử dụng chi phí nhân công của 59 người lao động để hạch toán vào chi phí và báo cáo quyết toán thuế năm 2016, 2017. Vì vậy hành vi của các bị cáo được xác định là trốn thuế.
Tại phiên tòa, mặc dù bị cáo Hà Thị Yến và Phạm Thị Thoa không thừa nhận hành vi phạm tội của mình. Tuy nhiên căn cứ vào các tài liệu, chứng cứ có trong hồ sơ, các biên bản lấy lời khai của những người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan đủ căn cứ xác định các bị cáo Hà Thị Yến và Phạm Thị Thoa biết rõ 59 cá nhân không làm việc cho Công ty, nhưng vẫn cố ý lập khống các hợp đồng lao động và chứng từ chi trả tiền lương cho những người này nhằm mục đích trốn thuế.
Căn cứ nội dung tranh tụng công khai tại phiên tòa và hồ sơ vụ án, HĐXX tuyên bố các bị cáo Hà Thị Yến; Phạm Thị Thoa phạm tội "Trốn thuế". Xử phạt bị cáo Hà Thị Yến 300.000.000 đồng sung quỹ nhà nước; xử phạt bị cáo Phạm Thị Thoa 270.000.000 đồng sung quỹ nhà nước.
Buộc bị cáo Hà Thị Yến- Giám đốc Công ty Cổ phần Khang Thịnh nộp lại số tiền mà Công ty Cổ phần Khang Thịnh đã trốn thuế trong các năm 2016, 2017 vào ngân sách nhà nước qua Cục Thuế tỉnh Bắc Kạn với số tiền trốn thuế là 267.113.103 đồng./.