Tuyên Quang: Động lực từ chương trình mục tiêu quốc gia
Các chương trình mục tiêu quốc gia được triển khai đồng bộ ở huyện Sơn Dương, Tuyên Quang nói riêng đã và đang tạo cơ hội, điều kiện và động lực tích cực để người nghèo tiếp cận với các dịch vụ xã hội cơ bản, nâng cao dân trí, tạo việc làm và phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH).
Với quyết tâm cao triển khai thực hiện hiệu quả các Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) phát triển KT-XH vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi (DTTS&MN) giai đoạn 2021-2025, Huyện ủy, HĐND, UBND huyện Sơn Dương đã lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt, linh hoạt, sáng tạo cùng sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị từ huyện đến các xã.
UBND huyện đã cùng Phòng Dân tộc rà soát kỹ nhiều nội dung cụ thể để từ đó xây dựng, ban hành các kế hoạch thực hiện từng chương trình cụ thể cho cả giai đoạn; nghiên cứu kỹ các văn bản hướng dẫn của Trung ương, UBND tỉnh để ban hành kịp thời các cơ chế, chính sách cho phù hợp với từng xã cụ thể. Vì vậy, Sơn Dương là huyện đã và đang được đánh giá là huyện dẫn đầu cả tỉnh về việc tổ chức thực hiện có hiệu quả cao nhất các chương trình mục tiêu quốc gia.
Được sự quan tâm và chỉ đạo sát sao của Huyện ủy, UBND huyện Sơn Dương, nhiều năm qua, Phòng Dân tộc huyện Sơn Dương đã luôn bám sát các nội dung chương trình MTQG, bám sát địa bàn từng thôn, từng xã để triển khai có hiệu quả toàn bộ các dự án, tiểu dự án như yêu cầu chương trình đã đề ra. Hiệu quả từ chương trình đạt được góp phần lớn để gần 20 xã đã về đích nông thôn mới, hàng nghìn hộ dân được hưởng lợi chính sách đã thoát nghèo và đang dần ổn định cuộc sống no đủ.
Trao đổi với PV Báo Đại Đoàn Kết về hiệu quả thực hiện các chương trình MTQG, bà Nguyễn Thị Tuyến – Trưởng phòng Dân tộc huyện Sơn Dương cho biết: “Ban đầu khi triển khai các chương trình MTQG gặp không ít khó khăn. Tuy nhiên với quyết tâm cao của các cấp chính quyền nhằm từng bước thu hẹp khoảng cách đời sống KT-XH của đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi so với vùng kinh tế phát triển, huyện đã có nhiều chính sách hỗ trợ triển khai đồng bộ, từng bước đáp ứng được về cơ sở vật chất, đời sống dân sinh, tạo điều kiện để nhân dân các xã còn nhiều khó khăn có động lực phấn đấu vươn lên.
Nguồn vốn từ các chương trình MTQG đã góp phần thay đổi đáng kể diện mạo nông thôn, đặc biệt về cách nghĩ, cách làm trong phát triển kinh tế và đời sống của đồng bào DTTS. Hàng nghìn hộ dân đã thoát nghèo nhờ chính sách thiết thực của chương trình. Mục tiêu phấn đấu hết năm 2025 có 100% (29 xã) đạt chuẩn nông thôn mới, là huyện đạt chuẩn nông thôn mới đầu tiên của tỉnh”.
Chị Vũ Thị Hòa (57 tuổi, thôn Thanh Bình, xã Hợp Hòa, huyện Sơn Dương) không dấu nổi xúc động cho biết: “Nhà tôi thuộc hộ nghèo, được Nhà nước hỗ trợ 50 triệu đồng làm nhà mới, 1 con lợn sinh sản, 1 bồn nước sạch. Nếu không có Đảng, chính quyền quan tâm, gia đình tôi chưa biết khi nào mới thoát cảnh nghèo khó”.
Ông Nguyễn Văn Lợi, Chủ tịch UBND xã Hợp Hòa cho biết: "Toàn xã có 1.950 hộ dân, 11 thôn với hơn 8.000 nhân khẩu thuộc 13 dân tộc cùng sinh sống. Mấy năm trước, cả xã có hơn 700 hộ thuộc diện nghèo, nhờ các chương trình MTQG đến nay, xã chỉ còn hơn 200 hộ khó khăn, phấn đấu đến hết năm 2025, xã sẽ không còn hộ thuộc diện khó khăn. Cũng nhờ chương trình MTQG, xã đã sớm về đích đạt chuẩn Nông thôn mới từ tháng 7/2024.
Nhận bồn nước sạch từ chương trình MTQG, ông Nguyễn Trung Nghĩa (70 tuổi, thôn Lẹm, xã Kháng Nhật, huyện Sơn Dương) chia sẻ: “Nhờ ơn Đảng, chính quyền quan tâm đến những hộ nghèo, cung cấp những téc nước để cho dân được sử dụng nước sạch. Tôi rất tự hào và xin cảm ơn sự quan tâm của chương trình MTQG đã mang cuộc sống ấm no, hạnh phúc đến cho nhân dân”.
Ông Nguyễn Thanh Ba, Phó Chủ tịch UBND xã Đông Thọ, Sơn Dương cho biết: “Xã có 15 thôn, 2.333 hộ, 10.173 nhân khẩu. Nhờ chương trình MTQG, xã đã được hưởng nhiều chính sách: chuyển đổi nghề; dự án nước phân tán; nhà ở cho 37 hộ nghèo; hỗ trợ kinh phí bảo vệ rừng; tuyên truyền bình đẳng giới; riêng năm 2023 đã có 185 hộ dân được nhận téc nước sạch của chương trình. Nhờ chương trình MTQG, xã đã có đường bê tông liên thôn, nước sinh hoạt hợp vệ sinh, nhiều hộ đã thoát nghèo vươn lên có cuộc sống no đủ. Nhân dân vô cùng phấn khởi, biết ơn và tin tưởng vào Đảng, chính quyền”.
Chương trình MTQG đã mang lại sức sống mới cho người dân, tạo lòng tin tuyệt đối, lòng biết ơn đối với chủ trương của Đảng, Nhà nước và chính quyền; sẵn sàng cùng đoàn kết chung tay xây dựng quê hương ngày càng khang trang, giàu mạnh.
Anh Hoàng Văn Nam, 37 tuổi phấn khởi cho biết: “Nhà thuộc diện nghèo, căn nhà do bố mẹ để lại đã xuống cấp từ lâu, cứ mưa là ướt hết. Được Nhà nước hỗ trợ 50 triệu đồng để xây nhà mới, vợ chồng vay mượn thêm anh em hàng xóm để xây căn nhà kiên cố ước tính khoảng 500 triệu đồng. Nhà đang xây, Tết này gia đình tôi có nhà mới rồi, vui lắm. Cảm ơn Đảng, chính quyền đã quan tâm hỗ trợ hộ nghèo”.
Cũng theo anh Nam, người dân toàn thôn không uống rượu bia, chỉ sử dụng nước ngọt trong các tiệc lễ hội, hiếu, hỉ. Không có người mắc phải các tệ nạn xã hội, mọi người đều chí thú làm ăn.
Trao đổi với PV Báo Đại Đoàn Kết, ông Lý Văn Phùng (53 tuổi)- Trưởng Ban công tác Mặt trận, Mục sư, người uy tín thôn Tân An phấn khởi cho biết: "Được sự giúp đỡ của Đảng, Nhà nước, chính quyền, người dân địa phương đã hiểu và làm theo Đảng. Các Chương trình MTQG phát triển KT-XH vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi đã giúp người dân từng bước vượt qua khó khăn, nhiều hộ thoát nghèo đang có cuộc sống khấm khá. Thôn hiện nay có gần 100 người đang đi làm công nhân tại các khu công nghiệp: Phúc Ứng (Sơn Dương), Thái Nguyên, Vĩnh Phúc,… với mức lương từ 7-10 triệu đồng/người/tháng. Nguồn thu chủ lực này đang giúp nhiều hộ gia đình của thôn có cuộc sống no đủ".
Năm 2022, MTTQ tỉnh Tuyên Quang đã hỗ trợ thôn Tân An 50 con bò sinh sản, người dân phấn khởi vì đây là tài sản lớn trong mơ. Vốn cần cù chịu khó, người dân đã tập trung dày công chăm sóc, tới nay đàn bò đang phát triển sinh sản tốt, số lượng đàn đã tăng thêm hơn 30 con. Hứa hẹn mang lại nguồn thu lớn cho nhiều hộ gia đình đang thuộc diện hộ nghèo.
Mới đây ngày 24/8, Chương trình MTQG (Dự án 1) đã tiếp tục cấp cho xã Đông Thọ 60 bồn nước inox để phân phát cho các hộ khó khăn có nước sạch sinh hoạt, đảm bảo vệ sinh ATTP. Nhiều hộ dân thôn Tân An cũng đã nhận được bồn nước theo chương trình Hỗ trợ nước sinh hoạt phân tán của dự án.
Bà Nguyễn Thị Tuyến - Trưởng phòng Dân tộc huyện Sơn Dương cho biết thêm, huyện đã xây dựng, triển khai thực hiện Đề án phát triển KT-XH, xây dựng hệ thống chính trị đồng bào dân tộc Mông. Từ năm 2022 đến nay, huyện đã hỗ trợ kinh phí để người dân thực hiện các mô hình nhằm nâng cao sinh kế, nhận thức, trình độ dân trí, bình đẳng giới; lồng ghép ưu tiên cao nhất các nguồn vốn chương trình MTQG cho Tân An vì dây là thôn có 100% đồng bào Mông sinh sống, nhân khẩu đông, kinh tế khó khăn với mong muốn đồng bào người Mông nói riêng sớm xua đi đói nghèo, lạc hậu, từng bước vươn lên có nhà ở kiên cố, cuộc sống no đủ, hạnh phúc.
Ngoài ra, huyện Sơn Dương cũng đặc biệt chú trọng tới công tác đào tạo dạy nghề, giới thiệu việc làm, chuyển đổi nghề phù hợp cho lực lượng lao động tại địa phương để tạo công ăn việc làm, nâng cao thu nhập, góp phần ổn định và phát triển KT-XH theo hướng bền vững.
Theo số liệu báo cáo của Phòng Dân tộc, huyện đã triển khai thực hiện Tiểu dự án 3 (Dự án 5) Chương trình MTQG: Dự án phát triển giáo dục nghề nghiệp và giải quyết việc làm cho người lao động vùng DTTS&MN từ năm 2022-2024 là: 77 lớp, với 2.695 học viên; cụ thể, tổ chức các lớp đào tạo nghề phi nông nghiệp, nhóm I: Thực hiện tuyển sinh, đào tạo 27 lớp, với 945 học viên (lớp 1 tháng); Nhóm II: Thực hiện tuyển sinh, đào tạo 6 lớp, với 210 học viên (lớp 2 tháng); Nhóm III: Thực hiện tuyển sinh, đào tạo 14 lớp với 1.540 học viên (lớp 3 tháng)…
Tuy còn nhiều khó khăn phía trước trên con đường hoàn thành các mục tiêu để 100% các xã trong huyện đạt chuẩn nông thôn mới; huyện đầu tiên của tỉnh đạt huyện nông thôn mới trong năm 2025, nhưng diện mạo huyện Sơn Dương hôm nay đã và đang đang tích cực chuyển biến toàn diện.
Người dân luôn vững tin vào Đảng, chính quyền; những chương trình MTQG với chính sách hỗ trợ của Nhà nước tuy chưa nhiều nhưng đã và đang tạo động lực lớn để người dân nơi đây, nhất là đồng bào DTTS&MN thắp sáng khát vọng vươn lên, tự lực, tự cường phát triển kinh tế; từng bước giảm dần hỗ trợ của Nhà nước, thoát khỏi diện nghèo; tự hào xứng đáng là người dân của vùng quê cách mạng gắn liền với các di tích lịch sử hào hùng của dân tộc như: Thủ đô kháng chiến, mái đình Hồng Thái, cây đa Tân Trào. Người dân địa phương cùng quyết tâm chung tay xây dựng huyện Sơn Dương ngày càng văn minh, cường thịnh.