Tuyên Quang: Nâng cao chất lượng khám chữa bệnh cho người dân

Những năm qua, Tuyên Quang đã tập trung đầu tư xây dựng hạ tầng, trang thiết bị y tế,... nhằm nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh trên địa bàn.

Nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh

Thời gian qua, Tuyên Quang đã quan tâm thực hiện kiện toàn tổ chức bộ máy nâng cao hiệu quả điều hành hoạt động trong toàn hệ thống: Sáp nhập Trung tâm chăm sóc sức khỏe sinh sản - kế hoạch hóa gia đình; Trung tâm Phòng chống HIV/AIDS; Trung tâm Truyền thông - Giáo dục sức khỏe vào Trung tâm Kiểm soát bệnh tật theo đúng lộ trình.

Do nhu cầu khám chữa bệnh của người dân tăng cao, với cơ sở vật chất hiện có nhiều bệnh viện trên địa bàn bị quá tải. Ảnh: Đức Lâm

Do nhu cầu khám chữa bệnh của người dân tăng cao, với cơ sở vật chất hiện có nhiều bệnh viện trên địa bàn bị quá tải. Ảnh: Đức Lâm

Đồng thời, khẩn trương hoàn thiện phương án, đề án chuyển 7 trung tâm y tế huyện, thành phố về Ủy ban nhân huyện, thành phố quản lý, đồng thời thực hiện tổ chức lại BVĐK khu vực theo Nghị quyết số 99/2023/QH15 ngày 24/6/2023 của Quốc hội.

Hiện nay, ngành y tế Tuyên Quang đang giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh trên địa bàn, chủ động phát hiện sớm các trường hợp nghi ngờ mắc bệnh ngay khi trở về địa phươn từ các tỉnh thành khác, trong cộng đồng và tại các cơ sở y tế; phối hợp chặt chẽ với các Viện Vệ sinh Dịch tễ Pasteur chủ động phân tích tình hình và đánh giá nguy cơ để đề xuất, triển khai các biện pháp phòng, chống dịch phù hợp, kịp thời.

Các cơ sở y tế trên địa bàn hiện đã thực hiện được khoảng 70% danh mục kỹ thuật theo phân hạng. Công tác phát triển kỹ thuật mới, kỹ thuật cao luôn được các cơ sở khám chữa bệnh quan tâm. Tại tuyến huyện đã triển khai phẫu thuật nội soi dạ dày, chạy thận nhân tạo, phẫu thuật kết hợp xương, chụp cắt lớp vi tính... Tuyến xã thực hiện được các kỹ thuật cơ bản trong cấp cứu ban đầu và khám, chữa các bệnh thông thường...

Ngành y tế tỉnh Tuyên Quang cũng đảm bảo đủ thuốc phục vụ phòng chống dịch bệnh, thiên tai, lũ lụt; không để xảy ra tình trạng thiếu thuốc; Nỗ lực thúc đẩy chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin trong lĩnh vực y tế; Năm 2024 tỉ lệ người dân tham gia BHYT đạt trên 95,9%, ước tính năm 2025 đạt 96,2%; quyền lợi của người tham gia BHYT được bảo đảm...

Đồng thời, triển khai tư vấn, khám chữa bệnh trực tuyến, từ xa, ký thỏa thuận hợp tác hỗ trợ với các Bệnh viện tuyến Trung ương, đề xuất ký kết thỏa thuận hợp tác toàn diện với các bệnh viện Trung ương, gồm: Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, Bệnh viện Tai Mũi Họng Trung ương, Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương.

Công tác xây dựng cơ sở y tế xanh - sạch - đẹp được quan tâm. Công tác quản lý nhà nước, chỉ đạo, điều hành, thanh tra, kiểm tra được tăng cường. Công tác chuyển đổi số tiếp tục được quan tâm…

Bên cạnh những kết quả đạt được, ngành y tế Tuyên Quang vẫn phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức như thiếu nhân lực y tế cơ sở, cơ sở vật chất nhiều trạm y tế xã đã xuống cấp, việc ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý y tế ở các đơn vị chưa đều, đồng bộ; mua sắm, đấu thầu thuốc, vật tư, trang thiết bị y tế, hóa chất khó khăn...

Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong khám chữa bệnh

Nhằm nâng cao công tác khám chữa bệnh, nâng cao sức khỏe cho người dân trên địa bàn trong năm 2025 và những năm tiếp theo. Nhân chuyến thăm và làm việc tại Tuyên Quang, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan cho biết: Bộ Y tế sẽ chủ trì và phối hợp với các bộ, ngành liên quan tham mưu xây dựng, bổ sung, điều chỉnh một số chính sách, văn bản hướng dẫn để tháo gỡ khó khăn về nguồn nhân lực cho các Trạm Y tế, đặc biệt là nguồn bác sĩ cho các Trạm Y tế; tháo gỡ khó khăn về BHYT…

Dự án xây dựng Bệnh viện Đa khoa tỉnh Tuyên Quang đang được xây dựng tổng diện tích khoảng 13,8ha; tổng mức đầu tư gần 1.800 tỷ đồng, có quy mô 1.000 giường bệnh, gồm đầy đủ các hạng mục theo tiêu chuẩn của bệnh viện đa khoa hạng I cấp tỉnh với các công trình phụ trợ và hạ tầng kỹ thuật hoàn chỉnh, đồng bộ.

Dự án xây dựng Bệnh viện Đa khoa tỉnh Tuyên Quang đang được xây dựng tổng diện tích khoảng 13,8ha; tổng mức đầu tư gần 1.800 tỷ đồng, có quy mô 1.000 giường bệnh, gồm đầy đủ các hạng mục theo tiêu chuẩn của bệnh viện đa khoa hạng I cấp tỉnh với các công trình phụ trợ và hạ tầng kỹ thuật hoàn chỉnh, đồng bộ.

Bộ trưởng đề nghị Tuyên Quang phát huy lợi thế về cơ sở vật chất, đặt biệt là Bệnh viện Đa khoa tỉnh đang được đầu tư xây dựng quy mô bài bản với quy mô 1.000 giường bệnh phải có kế hoạch để nhanh chóng tiếp cận và được sử dụng ngay để phục vụ công tác khám chữa bệnh cho Nhân dân và phục vụ ngay cho phát triển kinh tế xã hội của địa phương.

Về công nghệ thông tin, chuyển đổi số, Bộ trưởng Bộ Y tế giao Cục Khoa học Công nghệ và Đào tạo Bộ Y tế phối hợp với Cục Quản lý Khám chữa bệnh triển khai cụ thể một chương trình ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số cho Tuyên Quang. Đây là thứ tự ưu tiên, phải phối hợp với địa phướng bàn thảo, triển khai sớm.

"Khi chúng ta làm tốt ứng dụng công nghệ thông tin trong khám chữa bệnh, góp phần rút ngắn khoảng cách y tế giữa tuyến trên với tuyến dưới, từ đó giúp người dân được thụ hưởng chăm sóc sức khỏe tốt hơn"- Bộ trưởng Đào Hồng Lan nhấn mạnh.

Những bài học từ nhiệm kỳ qua cùng với chính sách mới của địa phương và sự nỗ lực quyết tâm lớn, ngành y tế Tuyên Quang sẽ từng bước nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, tạo những bước tiến mới trong công tác chăm sóc và bảo vệ sức khỏe Nhân dân trong thời kỳ tới.

Ngành y tế Tuyên Quang hiện có 21 đơn vị bao gồm: Sở Y tế và 20 đơn vị trực thuộc; 7 Trung tâm y tế huyện, thành phố quản lý 9 Phòng khám đa khoa khu vực; 128 trạm y tế xã, phường, thị trấn; các trạm y tế xã, phường, thị trấn quản lý 2.096 nhân viên y tế thôn bản tại 2.096 thôn bản, tổ dân phố) và 3 BVĐK khu vực. Toàn tỉnh hiện có 208 cơ sở y tế tư nhân, trong đó có 3 bệnh viện ngoài công lập.

Đức Lâm

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/tuyen-quang-nang-cao-chat-luong-kham-chua-benh-cho-nguoi-dan-374514.html