Đề xuất không kỷ luật đảng viên sinh con thứ ba: Phù hợp với thực tiễn
Bên cạnh việc bỏ quy định không kỷ luật đảng viên sinh con thứ ba, cần thêm các chính sách khuyến sinh thiết thực khác để đảm bảo mức sinh thay thế.
Bộ Chính trị vừa giao Ủy ban Kiểm tra Trung ương chủ động sửa đổi Hướng dẫn 05/2022 của cơ quan này theo hướng không xử lý kỷ luật trường hợp đảng viên sinh con thứ ba trở lên.
Việc này được đưa ra trong bối cảnh Việt Nam đang đối mặt với nhiều thách thức về dân số. Cụ thể, việc duy trì mức sinh thay thế vững chắc trên phạm vi toàn quốc chưa thực sự bền vững, có sự khác biệt giữa các vùng miền, địa phương và các nhóm dân số khác nhau, xuất hiện xu hướng mức sinh thấp.

Bộ Chính trị đồng ý đề xuất không kỷ luật trường hợp sinh con thứ ba. Ảnh minh họa: TT
Tổng tỉ suất sinh thấp nhất trong lịch sử
Việt Nam chính thức đạt mức sinh thay thế từ năm 2006 khi tổng tỉ suất sinh (TFR) đạt 2,09 con/phụ nữ. Tuy nhiên mức sinh thay thế chưa thực sự bền vững, có xu hướng mức sinh thấp.
Tổng tỉ suất sinh trên toàn quốc đang có xu hướng giảm dưới mức sinh thay thế (2,1 con/phụ nữ), giảm từ 2,11 con/phụ nữ (năm 2021) xuống 2,01 con/phụ nữ (năm 2022) và năm 2023 là 1,96 con/phụ nữ. Đây là mức thấp nhất trong lịch sử và được dự báo sẽ tiếp tục giảm trong các năm tiếp theo.
Theo báo cáo của Bộ Y tế, xu hướng mức sinh thấp và xuống rất thấp tập trung ở một số đô thị, nơi có điều kiện kinh tế - xã hội phát triển, đô thị hóa cao.
Trong đó, từ năm 1999, mức sinh khu vực thành thị đã xuống dưới mức sinh thay thế, xoay quanh 1,7-1,8 con/phụ nữ trong hơn hai thập kỷ qua. Mức sinh khu vực nông thôn luôn cao hơn mức sinh thay thế, tuy nhiên, năm 2023, mức sinh khu vực này giảm còn 2,07 con, tiệm cận mức sinh thay thế, mức thấp nhất từ trước đến nay.
Có tới 21/63 tỉnh, thành phố có mức sinh thấp, chiếm khoảng 39,37% dân số cả nước; hầu hết là những tỉnh nằm ở vùng kinh tế trọng điểm khu vực phía Nam, đô thị hóa cao, tăng trưởng nhanh.
Đông Nam Bộ là vùng có thu nhập bình quân/người cao nhất cả nước nhưng lại có mức sinh thấp nhất cả nước, bình quân mỗi phụ nữ sinh 1,47 con.
Cùng với đó, mức sinh thay thế cũng có sự chênh lệch lớn xét theo mức sống và trình độ học vấn.
Theo kết quả dự báo, dân số Việt Nam năm 2069 là 116,9 triệu người theo phương án trung bình; 111,1 triệu người theo phương án thấp; 122 triệu người theo phương án cao, với tỉ lệ tăng tương ứng 19,4%, 14,4% và 23,7%.
Nhằm đưa ra những giải pháp ứng phó với mức sinh thấp, Bộ Y tế đã ban hành nhiều văn bản, quyết định, xây dựng kế hoạch hành động. Cùng với đó, Bộ Y tế đã xây dựng dự thảo Luật Dân số, báo cáo Chính phủ tháng 12-2024, dự kiến trình Quốc hội năm 2025.
Một trong những chính sách cơ bản của Luật Dân số là “duy trì mức sinh thay thế”, trong đó quy định quyền, nghĩa vụ của mỗi cặp vợ chồng, cá nhân trong việc sinh con; bảo đảm thực hiện quyền con người trong thực hiện chính sách dân số. Bộ Y tế cũng đề xuất bỏ quy định kỷ luật đảng viên sinh con thứ ba trở lên.

Bảng kết quả dự báo dân số và tỉ lệ tăng dân số bình quân năm theo 3 phương án, 2019-2069. (Nguồn: Bộ Y tế)
Cần thêm nhiều chính sách khuyến sinh
Trao đổi với PLO, PGS Nguyễn Đức Vinh, nguyên Viện trưởng Viện Xã hội học - Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam, cho rằng quy định “mỗi cặp vợ chồng sinh một đến hai con” theo khoản 2, Điều 10 trong Pháp lệnh dân số nên được bãi bỏ sớm hơn do không còn phù hợp trong bối cảnh hiện nay.
Lí do là mức sinh đang có xu hướng giảm xuống dưới mức thay thế và quy định này cũng không thực sự hiệu quả.
“Qua khảo sát, chúng tôi nhận thấy rằng một số người muốn sinh con thứ ba thì họ vẫn sinh dù có bị xử phạt và tất nhiên, đối với nhiều người không muốn sinh con thứ ba thì quy định này rõ ràng không có ý nghĩa” - ông Vinh nói.
Cũng theo ông Vinh, căn cứ khoản 2, Điều 10 trong Pháp lệnh dân số hiện hành, Điều 52 trong Quy định 69 năm 2022 của Ban Chấp hành Trung ương yêu cầu kỷ luật đảng viên “vi phạm chính sách dân số” (chủ yếu là sinh con thứ ba). Có lẽ chỉ một số rất ít đảng viên thực sự muốn sinh con thứ ba mà không dám do e ngại quy định này.
Tuy nhiên, theo ông Vinh, việc bỏ quy định kỷ luật đảng viên sinh con thứ ba vẫn có ý nghĩa nhất định.
“Khi bỏ quy định kỷ luật đảng viên sinh con thứ ba sẽ có tác động, ý nghĩa trực tiếp với một bộ phận nhỏ, nhưng đối với toàn xã hội thì người dân sẽ hiểu rằng việc sinh đẻ hiện không bị cấm đoán, hạn chế nữa. Điều này rất quan trọng để thực hiện mục tiêu duy trì mức sinh thay thế trong bối cảnh mức sinh có xu hướng giảm” - ông Vinh giải thích.
Theo PGS Nguyễn Đức Vinh, với mục tiêu duy trì vững chắc mức sinh thay thế, ngoài việc bỏ quy định kỷ luật đảng viên sinh con thứ ba cũng như khoản 2, Điều 10 trong Pháp lệnh Dân số thì vẫn cần thêm nhiều chính sách khác.
Trước hết, cần có sự rõ ràng, nhất quán về chính sách cũng như đẩy mạnh thông điệp truyền thông dân số “mỗi cặp vợ chồng nên sinh hai con”. Tuy nhiên, cần nhấn mạnh rằng nhà nước khuyến khích sinh đủ hai con, nhưng không áp đặt việc sinh đẻ. Các cặp vợ chồng có quyền tự quyết về số con muốn sinh, phù hợp với điều kiện, đảm bảo nuôi dạy con tốt, không ảnh hưởng tiêu cực đến cuộc sống, sức khỏe, công việc, học tập của gia đình.
“Đây là vấn đề truyền thông mà chúng ta có thể làm ngay, rất cần thiết và khả thi” - ông Vinh nhấn mạnh.
Tiếp đó, để mức sinh không giảm quá nhanh, cần đi vào các giải pháp khác, cần nhiều nguồn lực hơn.
Một trong những nguyên nhân chính khiến tỉ suất sinh thấp, đặc biệt tại khu vực Đông Nam Bộ, là do tỉ lệ kết hôn trong phụ nữ độ tuổi sinh đẻ hiện nay giảm thấp so với trước đây. Do đó, cần có những nghiên cứu kỹ hơn, nhằm đưa ra giải pháp phù hợp để khuyến khích và tạo điều kiện cho người trẻ trong độ tuổi sinh đẻ kết hôn.
Đối với những người đã kết hôn, theo PGS Nguyễn Đức Vinh, các nghiên cứu, khảo sát cho thấy phần lớn trong số họ đều mong muốn có hai con. Tuy nhiên, không ít gia đình phải trì hoãn hoặc không thực hiện được mong muốn này vì những trở ngại khác nhau như điều kiện về sức khỏe, chỗ ở, thu nhập thấp, công việc chưa ổn định… trong khi chi phí sinh đẻ, nuôi dạy con cái ngày càng tăng.
“Có nhiều cặp vợ chồng thì sinh một con trước, sau đó đợi ổn định mới sinh con thứ hai, nhưng đến khi nhiều tuổi thì lại thôi…” - ông Vinh nói.
Do đó, khi mà người dân vẫn còn mong muốn có hai con nhưng chưa thực hiện được vì những trở ngại khác nhau, nhà nước nên có chính sách khuyến khích và tạo điều kiện để sinh con và cần phải làm ngay.
“Các chính sách khuyến khích này có thể chỉ nhỏ thôi nhưng sẽ có tác động tốt. Người dân muốn sinh hai con nhưng khó khăn, nếu được hỗ trợ một chút thì họ sẽ nỗ lực. Không thể có một chính sách nào bù đắp được toàn bộ những chi phí, công sức mà cha mẹ phải bỏ ra để sinh đẻ, nuôi dạy con” - ông Vinh nói thêm.
Nhiều nước phát triển trên thế giới từng có những trợ cấp rất lớn cho nuôi dạy con cái, khuyến khích sinh, nhưng thực tế chưa hiệu quả lắm đối với việc nâng cao mức sinh. Điều kiện Việt Nam hiện nay rất khó để có những khoản đầu tư lớn như vậy.
Có thể nói xã hội Việt Nam đang biến đổi nhanh, nhiều người vẫn mong muốn sinh đủ 2 con, nên cần có chính sách hỗ trợ khuyến sinh ngay mới hiệu quả. Nếu để đến khi chỉ sinh một con, thậm chí không có con, trở thành phổ biến và chuẩn mực chung thì dù có hỗ trợ đáng kể, người dân vẫn không muốn sinh thêm.
PGS NGUYỄN ĐỨC VINH
Nguyên Viện trưởng Viện Xã hội học - Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam
Cuối cùng, theo ông Vinh, chúng ta cần nghiên cứu những vấn đề liên quan đến vô sinh (thứ phát và nguyên phát), hiếm muộn.
Hiện nay, chi phí cho điều trị vô sinh khá cao và thường không được BHYT chi trả. Do đó, cần có chính sách, giải pháp tăng cường phòng ngừa, chữa trị để giảm thiểu tình trạng vô sinh, hiếm muộn, vốn có thể đang góp phần dẫn đến tỉ lệ sinh thấp ở một số tỉnh, thành.
Nhiều nước phát triển trên thế giới đang bị ảnh hưởng tiêu cực bởi già hóa dân số. Tuy nhiên, điểm khác biệt là các nước này già hóa dân số khi đã trở thành nước thu nhập cao trong khi Việt Nam vẫn là nước đang phát triển, nhưng đang già hóa dân số nhanh. Do đó, nếu mức sinh giảm quá nhanh dẫn đến dân số già quá sớm, hậu quả sẽ nặng nề hơn.
“Cần khẳng định rằng mục tiêu duy trì mãi mãi mức sinh thay thế là rất khó. Việt Nam có thể không giữ mãi được mức sinh thay thế, nhưng cần cố gắng để mức sinh giảm càng chậm càng tốt” - ông Vinh nhấn mạnh.

PGS.TS Nguyễn Đức Vinh, nguyên Viện trưởng Viện Xã hội học - Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam. Ảnh: TT
Tại một báo cáo về vấn đề dân số và phát triển mới đây, GS Nguyễn Thiện Nhân, đại biểu Quốc hội khóa XV, nhận định Việt Nam đang trong quá trình chuyển từ nước thu nhập trung bình lên nước thu nhập cao vào năm 2045.
Tuy nhiên, với tổng tỉ suất sinh năm 2023 là 1,96, Việt Nam có thể đối diện nguy cơ thiếu hụt trầm trọng dân số vào năm 2210 khi dân số giảm từ 107 triệu (dự báo năm 2050) còn 43 triệu (giảm 60%).
Như vậy, theo GS Nguyễn Thiện Nhân, nước ta đang đối diện nguy cơ trước khi trở thành nước thu nhập cao đã mất khả năng tái tạo đầy đủ con người cho đất nước và mất 60% dân số vào khoảng năm 2210 nếu không ban hành kịp thời, đồng bộ các chính sách phát triển kinh tế, xã hội và dân số có tính đột phá trong giai đoạn 2025-2045.
Trả lời PLO ngày 20-2, ông Lê Thanh Dũng, Cục trưởng Cục Dân số (Bộ Y tế) cho biết Bộ Y tế đang trình Chính phủ hồ sơ xây dựng Luật Dân số, dự kiến trình Quốc hội vào kỳ họp tháng 5-2025.
Cũng theo ông Dũng, Pháp lệnh Dân số được ban hành nhiều năm, hiện có một số nội dung không còn phù hợp, bởi Việt Nam đã chuyển trọng tâm của kế hoạch dân số từ kế hoạch hóa gia đình sang dân số phát triển.
Chính vì thế, Bộ Chính trị đã chỉ đạo rà soát các quy định, chính sách để phù hợp, phục vụ mục tiêu tạo điều kiện tốt nhất cho dân số phát triển và phục vụ mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội.
"Chúng tôi đang nghiên cứu, đề xuất chỉnh sửa Điều 10 của Pháp lệnh Dân số, có thể là ngưng thực hiện các quy định tại điều này" - ông Dũng cho hay.
Ngoài ra, để duy trì mức sinh thay thế, Cục trưởng Cục Dân số khẳng định cần thêm nhiều giải pháp khác, Bộ Y tế sẽ tiếp tục nghiên cứu, lấy ý kiến, trình cấp thẩm quyền phê duyệt.
Điều 10 Pháp lệnh Dân số quy định quyền và nghĩa vụ của mỗi cặp vợ chồng, cá nhân trong việc thực hiện cuộc vận động dân số và kế hoạch hóa gia đình, chăm sóc sức khỏe sinh sản, trong đó có quy định: "Sinh một hoặc hai con, trừ trường hợp đặc biệt do Chính phủ quy định".
Trước đó, bên lề một hội thảo góp ý hoàn thiện dự án Luật Dân số tháng 8-2024, ông Lê Thanh Dũng nêu quan điểm việc xử phạt đối với đảng viên sinh con thứ ba là không còn phù hợp.
“Đây là quy định mà đã được áp dụng trong nhiều năm. Hiện chúng ta vẫn đang có những chính sách, quy định chế tài đối với người vi phạm chính sách dân số - kế hoạch hóa gia đình. Theo tôi, điều đó không còn phù hợp nữa” - ông Dũng nói.
Lãnh đạo Cục Dân số cũng cho biết Việt Nam có xu hướng mức sinh giảm, dù chưa ở mức báo động nhưng điều này chắc chắn sẽ trở thành vấn đề lớn nếu không có giải pháp can thiệp từ bây giờ.
“Nếu đề xuất bỏ quy định mỗi cặp vợ chồng sinh từ một đến hai con được phê duyệt, để người dân có mong muốn sinh con thứ ba được sinh con và để họ có thể chủ động về thời gian sinh, số lượng con, khoảng cách giữa các lần sinh… thì tình trạng mức sinh giảm có thể được khắc phục phần nào” - Cục trưởng Cục Dân số khẳng định.
Đầu tháng 2-2025, Bộ Y tế công bố chỉ đạo của Thứ trưởng Nguyễn Thị Liên Hương tại Hội nghị Tổng kết công tác dân số năm 2024, triển khai nhiệm vụ năm 2025.
Để từng bước tìm ra giải pháp quyết liệt cho năm 2025 và những năm tiếp theo nhằm đạt các chỉ tiêu kế hoạch, nhiệm vụ được giao, đặc biệt là về những vấn đề mới, mang tính bước ngoặt của công tác dân số Việt Nam, Thứ trưởng Bộ Y tế đề nghị các bộ, ngành khẩn trương xây dựng, hoàn thiện và trình cấp thẩm quyền ban hành các đề án về dân số được Chính phủ giao.
Cục Dân số (Bộ Y tế) cần tập trung hoàn thiện thể chế, cụ thể là dự thảo Luật Dân số để trình Quốc hội vào năm 2025. Chủ động xây dựng 3 đề án được giao tại Nghị quyết 68 của Chính phủ trình cấp có thẩm quyền.
Cạnh đó, Cục Dân số cần sớm hoàn thiện dự thảo hướng dẫn thực hiện công tác dân số năm 2025 gửi các địa phương; xây dựng và hoàn thiện danh mục định mức kinh tế - kỹ thuật các dịch vụ trong công tác dân số; tổng hợp, chia sẻ các sáng kiến, mô hình mẫu, điểm của địa phương để nhân rộng và lan tỏa cùng triển khai.
Ths PHẠM CHÁNH TRUNG, Chi Cục trưởng Chi cục Dân số TP.HCM:
Trong hai năm gần đây, tỉ lệ sinh bắt đầu có xu hướng giảm mạnh. Cụ thể, vào năm 2023, tổng tỉ suất sinh của Việt Nam là 1,96 con/phụ nữ, giảm xuống còn 1,91 con/phụ nữ vào năm 2024. Với kinh nghiệm của nhiều quốc gia, khi mức sinh giảm thấp sẽ khó có thể hồi phục.
Trong những đề xuất của ngành y tế về giải pháp khuyến sinh, việc các cặp vợ chồng, cá nhân có quyền quyết định, tự nguyện, bình đẳng và có trách nhiệm trong việc sinh con, thời gian sinh con, số con... đóng vai trò quan trọng để có sự tham gia đồng thuận từ phía người dân.
Chủ trương không kỷ luật đảng viên sinh con thứ ba trở lên là cần thiết trong bối cảnh nhiều cặp vợ chồng ngại sinh đẻ. Theo đó, những cặp vợ chồng đã chuẩn bị đầy đủ điều kiện cho việc sinh con thứ ba trở lên có thể thực hiện mong muốn chính đáng của họ, cũng góp phần giải quyết vấn đề mức sinh thấp của TP.HCM và cả nước.