Tuyên Quang nhớ Bác Hồ
Trong Cách mạng tháng Tám năm 1945 và kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ở, làm việc gần 6 năm tại Tuyên Quang. Những năm tháng Bác ở và làm việc tại núi rừng Tuyên Quang đã để lại những tình cảm in đậm trong tâm khảm mỗi người dân.
“Ông Ké” của bản
Vùng đất Kim Long có địa thế giống như một con rồng cuộn mình từ núi Khau Nhì về đến thôn Tân Lập, xã Tân Trào (Sơn Dương). Điểm đầu của mảnh đất hình rồng chính là khu vực núi Nà Nưa, hồ nước dưới chân núi được coi là giếng ngọc (mắt rồng). Khi Bác Hồ về đây, Người đã đặt tên mới cho thôn Cả là Tân Lập, xã Kim Long cũng được đổi tên thành Tân Trào với mong muốn người dân có một cuộc sống mới, phong trào mới.
Ngày 21/5/1945 Bác Hồ từ Cao Bằng về đến Tân Trào. Những ngày đầu, Bác ở làng Tân Lập, nhà ông Nguyễn Tiến Sự, Chủ nhiệm Việt Minh. Để bảo đảm bí mật và thuận tiện cho công việc, cuối tháng 5 năm 1945, Bác Hồ chuyển ra ở căn lán nhỏ trong khu rừng Nà Nưa, thuộc dãy núi Hồng. Lán Nà Nưa nằm kín đáo dưới các tán cây rậm rạp, bảo đảm bí mật và đáp ứng được yêu cầu của Bác đề ra.
Từ căn lán nhỏ đơn sơ trong khu rừng Nà Nưa, với những nhận định đúng đắn, những quyết sách kịp thời, táo bạo về thời cơ cách mạng, Bác Hồ đã vạch đường chỉ lối cho toàn dân tộc tạo ra bước ngoặt có ý nghĩa lịch sử vĩ đại: Dân tộc Việt Nam chấm dứt những ngày tháng nô lệ lầm than, bước sang kỷ nguyên độc lập, tự do và chủ nghĩa xã hội. Ngày 22-8-1945, Bác Hồ quyết định rời căn lán Nà Nưa về Hà Nội.
Ông Hoàng Ngọc, thôn Tân Lập năm nay đã 87 tuổi, nhưng ánh mắt vẫn tinh nhanh, giọng nói sang sảng cùng trí nhớ mẫn tiệp. Ông kể lại, ngày đó Bác Hồ về đây dân làng gọi Bác bằng cái tên thân mật là “Ông Ké”. Ông Hoàng Ngọc còn vinh dự được Bác Hồ chỉ định là một trong những đội viên nhi đồng cứu quốc đầu tiên ở Kim Long, khi đó ông được 9 tuổi. Hôm diễn ra Quốc dân Đại hội tại đình Tân Trào, thôn cử một đoàn gồm nam, phụ, lão, ấu, trong đó có cả ông Ngọc ra chúc mừng. Khi ấy, mọi người mới biết người trong ảnh là Bác Hồ cũng chính là Ông Ké mà bà con thường gọi.
Tuyên Quang đón Bác về lãnh đạo kháng chiến chống Pháp
Trước khi rời Tân Trào về Thủ đô Hà Nội, Bác Hồ đã cử cán bộ ở lại, tiếp tục củng cố khu căn cứ địa Tân Trào và dự báo “Biết đâu chúng ta còn trở lại đây nhờ cậy đồng bào một lần nữa”. Lời tiên đoán của Bác Hồ đã không sai. Tháng 9-1945, thực dân Pháp quay trở lại xâm lược nước ta. Tháng 12-1946, kháng chiến toàn quốc bùng nổ, một lần nữa Bác Hồ trở lại Tuyên Quang để lãnh đạo toàn dân kháng chiến.
Ngày 2/4/1947, Chủ tịch Hồ Chí Minh và các cơ quan đầu não kháng chiến đã về tới Làng Sảo, xã Hợp Thành (Sơn Dương). Một lần nữa, lịch sử lại chọn Tuyên Quang là Thủ đô Kháng chiến, căn cứ vững chắc của Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ, Mặt trận và các bộ, ban, ngành, cơ quan Trung ương (với 14/15 bộ và cơ quan ngang bộ, 65 cơ quan Trung ương đặt trụ sở làm việc tại Tuyên Quang), nơi đây đã ghi dấu những năm tháng cam go về cuộc chiến trường kỳ của dân tộc và cũng chính nơi đây Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng Trung ương Đảng đã lãnh đạo cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp của nhân dân Việt Nam đi đến thắng lợi.
Trong 9 năm trường kỳ kháng chiến, Bác Hồ đã ở, làm việc tại Tuyên Quang gần 6 năm với nhiều địa điểm khác nhau thuộc các huyện Sơn Dương, Yên Sơn, Chiêm Hóa. Trong thời gian này, Người đã cùng Trung ương Đảng tổ chức thành công nhiều đại hội, hội nghị, phiên họp quan trọng của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, Mặt trận… quyết định những quyết sách lớn để kiến quốc và đưa kháng chiến thắng lợi hoàn toàn. Nhiều nơi trên đất Tuyên Quang đã trở thành di tích nổi tiếng gắn liền với cuộc đời hoạt động của Chủ tịch Hồ Chí Minh như: Làng Sảo, Tân Trào, Lũng Tẩu, Vực Hồ, Kiên Đài, Kim Bình, Kim Quan, Hùng Lợi, Minh Thanh, Bình Yên, Mỹ Bằng, Hang Bòng...
Thật khó nói hết được những tình cảm mà Bác Hồ đã dành cho đồng bào các dân tộc tỉnh Tuyên Quang cũng như của đồng bào dành cho Bác. Bài thơ “Việt Bắc” Nhà thơ Tố Hữu đã thể hiện được tình cảm, sự gắn bó sâu nặng giữa những người dân Tuyên Quang với Bác và những người cán bộ trong những năm tháng Bác Hồ và các đồng chí cán bộ Trung ương đã ở và làm việc tại Tuyên Quang. Hình ảnh của Bác hiện lên trong những câu thơ vô cùng giản dị, xúc động, đong đầy tình cảm lòng người Tuyên Quang với Bác.
“Mình về với Bác đường xuôi
Thưa giùm Việt Bắc không nguôi nhớ Người”...
“Nhớ chân Người bước lên đèo
Người đi, rừng núi trông theo bóng Người”…
Ngày 19 và 20-3-1961, một niềm hạnh phúc lớn lao đối với cán bộ, nhân dân các dân tộc tỉnh Tuyên Quang đó là vinh dự được đón Bác Hồ về thăm lại tỉnh sau 7 năm Bác rời Tuyên Quang về Hà Nội. Trong buổi nói chuyện với đồng bào các dân tộc của tỉnh, Bác căn dặn: “Trước kia, đồng bào tỉnh ta đã góp phần xứng đáng trong Cách mạng Tháng Tám và cuộc kháng chiến cứu nước. Ngày nay, tôi chắc rằng đồng bào ta sẽ phát huy truyền thống anh dũng sẵn có và góp phần nhiều hơn nữa trong công cuộc kiến thiết chủ nghĩa xã hội và đấu tranh thống nhất nước nhà...”.
Thể hiện tình cảm với Bác, ngày nay tất cả những di tích của Người đều được Đảng bộ và nhân dân các dân tộc tỉnh Tuyên Quang giữ gìn. Trong lòng nhân dân cả nước, Tuyên Quang đã trở thành địa chỉ đỏ, nơi ghi dấu những trang sử hào hùng của Đảng, của dân tộc. Tại thành phố Tuyên Quang đã xây dựng Quảng trường Nguyễn Tất Thành với những công trình tiêu biểu: Tượng đài Bác Hồ với nhân dân các dân tộc tỉnh Tuyên Quang, Đền thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh. Sự quan tâm sâu sắc của Người đã động viên mạnh mẽ tinh thần cách mạng của toàn thể nhân dân các dân tộc Tuyên Quang, trở thành quyết tâm của toàn Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc trong tỉnh trong suốt quá trình xây dựng và phát triển cho đến ngày hôm nay.