Tuyên Quang: Phát triển thương hiệu chè Shan tuyết ở huyện Na Hang
Chè Shan tuyết đã và đang khẳng định được thương hiệu trên thị trường, trở thành một trong những cây trồng xóa đói, giảm nghèo chủ lực ở huyện vùng cao Na Hang.
Huyện Na Hang, tỉnh Tuyên Quang, hiện có trên 1.300ha chè Shan tuyết, được trồng chủ yếu ở các xã Sinh Long, Hồng Thái và Sơn Phú.
Do được trồng ở độ cao 800-1.000 mét so với mực nước biển, với tiểu vùng khí hậu quanh năm mát mẻ, bốn mùa mây phủ, nên cây chè Shan tuyết ở huyện Na Hang có mùi thơm rất đặc trưng, vị đậm, nước xanh.
Chè Shan tuyết đã và đang khẳng định được thương hiệu trên thị trường, trở thành một trong những cây trồng xóa đói, giảm nghèo chủ lực ở huyện vùng cao Na Hang.
Những cây chè Shan tuyết ở huyện Na Hang có từ rất lâu đời, những năm trước cách mạng, nhận thấy giá trị của những cây chè cổ thụ ở đây, người Pháp đã bắt dân phu lên núi hái chè.
Khi thu hoạch, dân phu trong vùng phải sao chè rồi dùng ngựa thồ chè đến đồn Pháp ở xã Hồng Thái (huyện Na Hang). Do nhiều nguyên nhân; trong đó, có nguyên nhân vào khoảng những năm 80 của thế kỷ trước, một trận hỏa hoạn đã thiêu rụi gần hết cây chè cổ thụ ở Na Hang.
Năm 2000, để phát huy tiềm năng, đồng thời thực hiện phủ xanh đất trống, đồi núi trọc, tỉnh Tuyên Quang đã thực hiện dự án trồng rừng bằng chè Shan tuyết. Đến nay, chè Shan tuyết huyện Na Hang được trồng tập trung ở 3 xã gồm xã Sinh Long, Hồng Thái và Sơn Phú.
Gia đình ông Hoàng Phin, thôn Phiêng Ngàm, xã Sinh Long, huyện Na Hang, hiện có gần 22ha chè Shan tuyết, ông Phin cho biết, điểm đặc biệt của chè Shan tuyết ở Na Hang trên búp có lớp lông mềm mịn như tuyết và do được trồng ở trên núi cao, khí hậu quanh năm mát mẻ nên chè có hương vị rất đặc trưng vị đậm, nước xanh, không gây cảm giác cồn cào khi đói bụng.
Không những vậy, toàn bộ các khâu từ trồng, chăm sóc, thu hoạch, chế biến… đều đảm bảo chất lượng chè sạch.
Ông Sùng Văn Kỷ, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã Sinh Long cho biết, xã Sinh Long hiện có 367 hộ trồng chè Shan tuyết, với diện tích gần 1.000ha. Hiện chè Shan tuyết đang là cây trồng chính của địa phương và đã giúp cho rất nhiều hộ dân nâng cao thu nhập ổn định đời sống.
Nhận thấy giá trị và tiềm năng của vùng chè Shan tuyết nơi đây, nhiều doanh nghiệp, hợp tác xã đã thực hiện liên kết, tiêu thụ sản phẩm, xây dựng thương hiệu chè Shan tuyết. Hợp tác xã Sơn Trà, xã Hồng Thái, huyện Na Hang là điển hình.
Năm 2019, Hợp tác xã Sơn Trà đã thu mua chè nguyên liệu của các thành viên trong Hợp hợp tác xã và người dân để chế biến, bán ra thị trường gần 10 tấn chè thành phẩm, doanh thu hơn 2 tỷ đồng.
Năm 2020, Hợp tác xã Sơn Trà phấn đấu bán ra thị trường 12 đến 15 tấn chè Shan tuyết thành phẩm, doanh thu đạt 4 đến 5 tỷ đồng.
Ông Đặng Ngọc Phố, Giám đốc Hợp tác xã Sơn Trà, cho biết điều đặc biệt về sản phẩm chè Shan tuyết của Hợp tác xã Sơn Trà là “ba không”, cây chè của địa phương được thiên nhiên ưu ái không có sâu bệnh, cây sinh trưởng tốt; không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật; không pha chế, ướp hương liệu.
Ông Tô Viết Hiệp, Quyền Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Na Hang, cho biết tất cả sản phẩm chè Shan tuyết ở Na Hang đều được trồng ở độ cao từ 800-1.000m so với mặt nước biển, nên chất lượng sản phẩm hội tụ đủ các yếu tố hương thơm, vị đậm.
Đặc biệt toàn bộ các khâu sản xuất từ trồng, chăm sóc, thu hoạch, chế biến… đều đảm bảo chất lượng chè sạch. Hương vị và chất lượng của chè Shan tuyết Tuyên Quang có tính khác biệt so với các sản phẩm chè cùng loại trên thị trường hiện có.
Cũng theo ông Hiệp, để phát triển bền vững vùng trồng chè Shan tuyết đặc sản, nâng cao thu nhập cho người dân, huyện Na Hang đã tiến hành quy hoạch vùng trồng chè Shan tuyết ở 3 xã Sinh Long, Sơn Phú và Hồng Thái.
Huyện cũng khuyến khích người dân đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học vào trong sản xuất, tăng cường quảng bá thương hiệu, tuyên truyền và quản lý việc trồng, chăm sóc, chế biến theo tiêu chuẩn chè sạch./.