Tuyên Quang tiếp tục đẩy mạnh công cuộc đổi mới

Thực hiện Nghị quyết của Quốc hội khóa VIII, cuối tháng 9-1991, việc chia tách tỉnh Hà Tuyên thành hai tỉnh Tuyên Quang và Hà Giang đã cơ bản hoàn thành. Từ ngày 1-10-1991, hai tỉnh chính thức đi vào hoạt động theo đơn vị hành chính mới.

Lễ mít tinh kỷ niệm 60 năm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2-9 tại Tân Trào - Tuyên Quang (16 - 8 - 2005).

Lễ mít tinh kỷ niệm 60 năm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2-9 tại Tân Trào - Tuyên Quang (16 - 8 - 2005).

Tỉnh Tuyên Quang sau khi tái lập có 6 đơn vị hành chính, gồm 5 huyện (Nà Hang, Chiêm Hóa, Hàm Yên, Yên Sơn, Sơn Dương) và 1 thị xã (Tuyên Quang). Đơn vị hành chính cấp cơ sở có 3 phường; 7 thị trấn, 135 xã (trong đó có 36 xã vùng cao). Tỉnh lỵ đặt tại thị xã Tuyên Quang.

Trải qua 5 năm 1991 - 1995, thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng toàn quốc lần thứ VII, Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XI và Hội nghị đại biểu giữa nhiệm kỳ Đảng bộ tỉnh Tuyên Quang khóa XI, Tỉnh ủy, các cấp ủy đảng đã tập trung lãnh đạo nhân dân các dân tộc trong tỉnh phát huy truyền thống cách mạng, ý chí tự lực tự cường, khắc phục mọi khó khăn, tiến hành công cuộc đổi mới toàn diện trên các lĩnh vực kinh tế - xã hội.

Nền kinh tế của tỉnh có bước tăng trưởng khá, tập trung phát triển theo hướng nông - lâm - công nghiệp chế biến và dịch vụ. Sản xuất nông nghiệp có chuyển dịch theo hướng đổi mới mạnh mẽ cơ cấu cây trồng vật nuôi phù hợp với từng vùng sinh thái nhằm phát huy có hiệu quả tiềm năng thế mạnh của tỉnh, với kết quả nổi bật là đã giải quyết vững chắc nhu cầu lương thực trên địa bàn, khắc phục được nạn thiếu đói giáp hạt và cơ bản chấm dứt tình trạng phá rừng làm nương rẫy; từng bước phủ xanh đất trống, đồi trọc.

Các vấn đề văn hóa - xã hội được quan tâm giải quyết có hiệu quả hơn. Tỉnh được Bộ Giáo dục công nhận hoàn thành phổ cập giáo dục tiểu học và chống mù chữ. Tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được củng cố và giữ vững. Đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân các dân tộc được ổn định và cải thiện.

Từ năm 1996 đến 2005, tiến hành đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện tỉnh miền núi, nhiều dân tộc, nền kinh tế chậm phát triển và sản xuất nông - lâm nghiệp là chủ yếu, Đảng bộ và nhân dân các dân tộc tỉnh Tuyên Quang đã phát huy tiềm năng, lợi thế về vị trí địa lý, đất đai, tài nguyên, lao động và truyền thống lịch sử - văn hóa, tranh thủ sự hỗ trợ của Chính phủ và các bộ, ngành Trung ương, thu hút vốn đầu tư từ nhiều nguồn, kết hợp chặt chẽ nội lực với ngoại lực để đẩy nhanh tốc độ phát triển và chuyển dịch cơ cấu kinh tế.

Thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XII và XIII, kinh tế liên tục tăng trưởng với nhịp độ khá. Cơ cấu kinh tế có sự chuyển dịch tích cực theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Từ Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XI (1- 1992) xác định cơ cấu kinh tế là nông, lâm nghiệp - công nghiệp, chế biến - dịch vụ; đến Đại hội lần thứ XIV (tháng 12 - 2005) đã quyết định chuyển dịch mạnh để có cơ cấu kinh tế công nghiệp - dịch vụ - nông, lâm nghiệp.

Quan hệ sản xuất tiếp tục được củng cố, đổi mới; các thành phần kinh tế tiếp tục phát triển; Cụm các khu công nghiệp - dịch vụ - đô thị Long Bình An và một số cơ sở công nghiệp, dịch vụ khác được triển khai. Hệ thống kết cấu hạ tầng về điện, đường, trường, trạm, bưu chính viễn thông… được đầu tư xây dựng và nâng cấp; tỉnh tập trung thực hiện một số chương trình kinh tế - xã hội lớn và một số dự án, công trình trọng điểm, bước đầu phát huy hiệu quả, góp phần nâng cao năng lực sản xuất và cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội.

Giáo dục - đào tạo phát triển; sức khỏe của nhân dân được chăm sóc, bảo vệ với chất lượng ngày càng cao hơn. Bộ mặt thôn, bản được đổi mới, đời sống của nhân dân các dân tộc được cải thiện một bước. Đến năm 2005, trên 40% số hộ đạt tiêu chuẩn khá và giàu, tỷ lệ hộ nghèo giảm, toàn tỉnh không còn hộ chính sách thuộc diện đói nghèo. An ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội được giữ vững. Hệ thống chính trị ngày càng được củng cố vững mạnh, chất lượng được nâng lên, đáp ứng kịp thời yêu cầu của sự nghiệp đổi mới.

Quang Dương(Theo các tài liệu lịch sử)

Nguồn Tuyên Quang: http://www.baotuyenquang.com.vn/dat-amp-nguoi-tuyen-quang/tuyen-quang-tiep-tuc-day-manh-cong-cuoc-doi-moi-74180.html