Tuyên Quang xây dựng chủ nghĩa xã hội và kháng chiến chống Mỹ, cứu nước (1954-1975)

Hai năm (1967-1968), lượng thóc thuế và thu mua đạt 12.784 tấn, nhân dân bán cho Nhà nước 4.714 con trâu, 958,2 tấn lợn, 1.517 tấn ngô, sắn (quy thóc), hàng trăm tấn đỗ, lạc và nông sản khác.

Các cơ sở sản xuất công nghiệp, thủ công nghiệp sơ tán ra khỏi thị xã, ngụy trang, bảo vệ, đảm bảo tiếp tục sản xuất. Nhiều cơ sở chuyển sang sản xuất ban đêm. Cơ sở vật chất, kỹ thuật cho ngành công nghiệp được tăng cường với phương châm xây dựng các công trình có quy mô vừa và nhỏ, phát triển từng bước từ sản xuất nhỏ đến sản xuất lớn, từ thủ công lên nửa cơ khí, cơ khí hóa thông qua quá trình cải tạo quan hệ sản xuất và cách mạng kỹ thuật. Đầu tư xây dựng cơ bản cho công nghiệp chiếm 16,47% tổng vốn đầu tư xây dựng cơ bản của tỉnh. Trong 2 năm (1966 - 1967), đã đầu tư xây dựng mới và mở rộng 30 cơ sở sản xuất công nghiệp, như mỏ than Linh Đức (Chiêm Hóa), cơ khí Na Hang, cơ khí Sơn Dương, xí nghiệp nước chấm, lò gốm Chiêm Hóa, xí nghiệp gạch, cơ sở sản xuất giấy, xưởng sửa chữa ô tô; xưởng đóng thuyền, phà công suất 500 tấn/năm... góp phần quan trọng giải quyết hậu cần tại chỗ. Tới năm 1968, đã xây dựng hoàn chỉnh hơn 30 điểm cơ khí nhỏ ở nông thôn. Công nghiệp hướng vào phục vụ nông nghiệp, quốc phòng, công nghiệp Trung ương và đời sống nhân dân.

Ngành thương nghiệp thực hiện tốt việc thu mua, bán lẻ hàng hóa, giữ vững và nâng cao mức cung cấp hàng tiêu dùng thiết yếu như lương thực, thực phẩm, vải, nhiên liệu...

Các trường học tổ chức tốt việc sơ tán, thi đua dạy tốt, học tốt; tới năm 1967 - 1968, đã có 229 trường với 1.839 lớp học. Trong chiến tranh, nhiều trường vẫn đạt danh hiệu tiên tiến như các trường Đạo Viện, Trung Trực (Yên Sơn), Cấp Tiến (Sơn Dương)... Năm 1968, có 13.319 người tham gia học tập tại các lớp bổ túc văn hóa tập trung và ngoài giờ.

Công tác văn hóa, văn nghệ, thông tin, tuyên truyền hướng về cơ sở; giáo dục, động viên quần chúng thực hiện các nhiệm vụ chính trị của địa phương; nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần của nhân dân. Trong năm 1968, có 154.190 lượt người xem biểu diễn nghệ thuật và 909.323 lượt người xem phim.

Ngành y tế phát động phong trào vệ sinh phòng, chống bệnh; lập các tổ cấp cứu phòng không, vận động nhân dân thực hiện ba dứt điểm (đào giếng nước, xây dựng hố xí, nhà tắm). Cơ sở khám, chữa bệnh được mở rộng; tăng cường cán bộ và trang thiết bị, y cụ. Năm 1964, tỉnh mới có 2 bệnh viện, 5 bệnh xá, 132 trạm y tế xã, 67 bác sĩ, y sĩ, 567 y tá; tới năm 1968, toàn tỉnh có 8 bệnh viện, 170 trạm y tế xã, 310 giường bệnh, 143 bác sĩ, y sĩ và 1.134 y tá.

Cùng với việc tiếp tục triển khai cuộc vận động cải tiến toàn diện bộ máy cấp xã, từ tháng 5-1968, các huyện thực hiện cuộc vận động thi đua xây dựng chính quyền xã vững mạnh, kiện toàn cơ cấu tổ chức, sửa đổi phương thức lãnh đạo và lề lối làm việc. Ngày 28-4-1968, 95% cử tri toàn tỉnh đi bỏ phiếu bầu 73 đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh khóa VII.

Vũ Bé (Theo các tài liệu lịch sử)

Nguồn Tuyên Quang: http://www.baotuyenquang.com.vn/chuyen-de/tuyen-quang-xua-va-nay/tuyen-quang-xay-dung-chu-nghia-xa-hoi-va-khang-chien-chong-my-cuu-nuoc-1954-1975!-123807.html