Tuyên Quang xóa bỏ hoàn toàn tà đạo, đạo lạ trên địa bàn, bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng tôn giáo

Ngày 19/11, Văn phòng Thường trực về Nhân quyền Chính phủ phối hợp với Ban chỉ đạo Nhân quyền tỉnh Tuyên Quang tổ chức Hội nghị tập huấn công tác nhân quyền năm 2024.

Toàn cảnh Hội nghị tập huấn công tác nhân quyền năm 2024 tại tỉnh Tuyên Quang. (Nguồn: BTC)

Toàn cảnh Hội nghị tập huấn công tác nhân quyền năm 2024 tại tỉnh Tuyên Quang. (Nguồn: BTC)

Tham dự Hội nghị có hơn 200 đại biểu đại diện các sở, ngành thành viên Ban chỉ đạo Nhân quyền và đại biểu trong lực lượng công an trong tỉnh.

Phát biểu khai mạc Hội nghị, Đại tá Hà Phúc Thịnh, Phó Giám đốc Công an tỉnh, Phó Trưởng ban Thường trực Ban chỉ đạo Nhân quyền tỉnh cho biết, tình hình thế giới, khu vực có nhiều diễn biến phức tạp, tác động trực tiếp đến an ninh chính trị, đối ngoại của các quốc gia, các thế lực thù địch chưa từ bỏ âm mưu xóa bó vai trò lãnh đạo của Đảng và thể chế chính trị xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam, gia tăng sức ép về dân chủ, nhân quyền nhằm tạo ra các nhân tố, mầm mống gây mất ổn định từ trong nội bộ.

Một số quốc gia, các tổ chức quốc tế có những đánh giá sai lệch, phiến diện về tình hình dân chủ, nhân quyền, dân tộc, tôn giáo ở Việt Nam. Hầu hết những vấn đề nêu tại các báo cáo này là phiến diện, thiếu khách quan về các thông tin, tình hình nhân quyền, dân tộc, tôn giáo ở Việt Nam, trong đó có đề cập công tác đấu tranh, xóa bỏ hoạt động của “tổ chức bất hợp pháp Dương Văn Mình” của tỉnh Tuyên Quang.

Trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang, công tác bảo đảm, đấu tranh về nhân quyền đã được các cấp ủy, chính quyền cơ quan, ban, ngành và đặc biệt là Ban Chỉ đạo nhân quyền tỉnh Tuyên Quang quan tâm chỉ đạo, thống nhất thực hiện; qua đó góp phần xác định rõ hơn vị trí, vai trò, tầm quan trọng và nâng cao chất lượng công tác nhân quyền trên địa bàn.

Trong 9 tháng đầu năm 2024, tốc độ tăng trưởng GRDP của toàn tỉnh đạt 9,14% so với cùng kỳ năm 2023; 22.553 người được đào tạo việc làm, đạt 100% kế hoạch và cao hơn 8,7% so với cùng kỳ; công tác trợ giúp pháp lý, công tác an sinh xã hội được bảo đảm.

Trên địa bàn tỉnh không có vụ việc phức tạp về an ninh, trật tự và không để phát sinh tình huống gây tác động tiêu cực đến công tác đấu tranh, bảo vệ nhân quyền của đất nước và địa phương. Công tác đấu tranh xóa bỏ các loại hình tà đạo, đạo lạ được triển khai đồng bộ, quyết liệt, đặc biệt đến ngày 14/6/2024 đã xóa bỏ hoàn toàn 12/12 loại hình tà đạo, đạo lạ trên địa bàn tỉnh, hoàn thành xong trước 76 ngày so với kế hoạch đề ra, được cấp ủy, chính quyền địa phương và Bộ Công an ghi nhận, đánh giá cao.

Bên cạnh những mặt tích cực, công tác bảo đảm nhân quyền trên địa bàn tỉnh vẫn còn một số tồn tại, hạn chế nhất định như việc trao đổi, phối hợp thực hiện công tác còn hạn chế về số lượng, chưa đa dạng về hình thức; việc chấp hành chế độ thông tin báo cáo định kỳ ở một số đơn vị chưa được thực hiện nghiêm túc, dẫn đến khó khăn trong việc tổng hợp, tham mưu phục vụ công tác lãnh đạo, chỉ đạo...

Những tồn tại, hạn chế nêu trên xuất phát từ nhiều nguyên nhân cả khách quan và chủ quan. Một trong những nguyên nhân chính tác động, chi phối mạnh mẽ đến việc thực hiện hiệu quả công tác nhân quyền đó là sự hiểu biết của một bộ phận cấp ủy, lãnh đạo, cán bộ, đảng viên về tình hình công tác nhân quyền trong tình hình mới còn hạn chế, chưa theo kịp diễn biến nhanh, khó lường của tình hình thế giới, nên ảnh hưởng tới khả năng dự báo “đúng, trúng” tình hình trong thời gian tiếp theo, làm tiền đề, cơ sở để kịp thời triển khai các biện pháp trong đấu tranh, bảo vệ nhân quyền.

Đại tá Hà Phúc Thịnh, Phó Giám đốc Công an tỉnh, Phó Trưởng ban Thường trực Ban chỉ đạo Nhân quyền tỉnh Tuyên Quang phát biểu tại Hội nghị. (Nguồn: BTC)

Đại tá Hà Phúc Thịnh, Phó Giám đốc Công an tỉnh, Phó Trưởng ban Thường trực Ban chỉ đạo Nhân quyền tỉnh Tuyên Quang phát biểu tại Hội nghị. (Nguồn: BTC)

Tại Hội nghị, Đại tá Nguyễn Thị Thanh Hương, Trưởng phòng Chuyên đề Nhân quyền, Văn phòng Thường trực về Nhân quyền Chính phủ cho biết thời gian tới, tình hình thế giới, khu vực tiếp tục diễn biến phức tạp, khó dự báo. Dân chủ, nhân quyền, dân tộc, tôn giáo vẫn là hướng chủ đạo mà các thế lực phản động, thù địch khai thác để gây sức ép, kích động số đối tượng chống đối.

Chính vì vậy, công tác bảo đảm quyền con người và đấu tranh vô hiệu hóa hoạt động chống phá của các thế lực thù địch, phản động là nhiệm vụ thường xuyên, liên tục, lâu dài và cần sự chung tay của cả hệ thống chính trị các cấp.

Công tác nhân quyền phải kết hợp chặt chẽ giữa “xây” và “chống”, trên cơ sở bảo đảm tốt nhất quyền của người dân, đặc biệt trong giai đoạn giữa nhiệm kỳ 2023 - 2025 thành viên Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc (HĐNQ LHQ), Việt Nam sẽ tiếp tục tham gia sâu hơn trong công tác thúc đẩy đối thoại, hợp tác về nhân quyền, thúc đẩy các cam kết để tái ứng cử thành viên HĐNQ LHQ nhiệm kỳ 2026 - 2028.

Đại tá Nguyễn Thị Thanh Hương, Trưởng phòng Chuyên đề Nhân quyền, Văn phòng Thường trực về Nhân quyền Chính phủ, báo cáo tại Hội nghị. (Nguồn: BTC)

Đại tá Nguyễn Thị Thanh Hương, Trưởng phòng Chuyên đề Nhân quyền, Văn phòng Thường trực về Nhân quyền Chính phủ, báo cáo tại Hội nghị. (Nguồn: BTC)

Tại Hội nghị tập huấn các đại biểu đã nghe các báo cáo viên trình bày hai chuyên đề gồm: Công tác nhân quyền trong tình hình mới; và Bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng tôn giáo, nhận diện các hoạt động lợi dụng vấn đề tự do tín ngưỡng, tôn giáo để chống phá Việt Nam.

Phát biểu bế mạc Hội nghị, Đại tá Hà Phúc Thịnh, Phó Giám đốc Công an tỉnh, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo Nhân quyền tỉnh khẳng định Hội nghị đã cung cấp những thông tin thiết thực, cập nhật tình hình mới nhất về công tác nhân quyền, đồng thời định hướng giúp đội ngũ cán bộ trực tiếp làm công tác bảo đảm quyền con người, đặc biệt trong công tác tham mưu cụ thể hóa các chủ trương, giải pháp chỉ đạo thực hiện hiệu quả công tác bảo đảm và đấu tranh, bảo vệ nhân quyền.

Đại tá Hà Phúc Thịnh đề nghị trong thời gian tới cần phải tập trung thực hiện các nhiệm vụ.

Một là, rà soát hệ thống văn bản quy phạm pháp luật để đề xuất việc xây dựng mới, bổ sung, sửa đổi các văn bản về bảo đảm quyền con người, phát huy quyền làm chủ của nhân dân; thực hiện tốt công tác trợ giúp pháp lý; đẩy mạnh cải cách hành chính, cải cách tư pháp, thực hiện nghiêm túc quy chế dân chủ ở cơ sở.

Hai là, triển khai thực hiện hiệu quả các chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, nhất là các chính sách về lao động, việc làm, chính sách đối với các đối tượng yếu thế trong xã hội; không ngừng cải thiện đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân.

Ba là, đẩy mạnh và nâng cao hơn nữa công tác tuyên truyền về những thành tựu bảo đảm quyền con người của đất nước và địa phương; đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái thù địch.

Bốn là, chủ động phát hiện, ngăn chặn kịp thời âm mưu, ý đồ lợi dụng vấn đề dân chủ, nhân quyền để tiến hành các hoạt động chống phá Đảng, Nhà nước.

Trên cơ sở đó, các đồng chí thành viên Ban chỉ đạo Nhân quyền cấp tỉnh, cấp huyện, thành phố trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ, chủ động phát huy tối đa năng lực trong thực hiện nhiệm vụ được giao trong công tác bảo đảm và đấu tranh nhân quyền trên địa bàn tỉnh.

Tham dự Hội nghị có hơn 200 đại biểu đại diện các sở, ngành thành viên Ban chỉ đạo Nhân quyền tỉnh và đại biểu trong lực lượng công an trong tỉnh.

Tham dự Hội nghị có hơn 200 đại biểu đại diện các sở, ngành thành viên Ban chỉ đạo Nhân quyền tỉnh và đại biểu trong lực lượng công an trong tỉnh.

Quang Huy

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/tuyen-quang-xoa-bo-hoan-toan-ta-dao-dao-la-tren-dia-ban-bao-dam-quyen-tu-do-tin-nguong-ton-giao-294325.html