Tuyển sinh 2021: Có chứng chỉ quốc tế là lợi thế
Trong mùa tuyển sinh năm 2021, nhiều trường đại học (ĐH) công bố thêm phương thức xét tuyển với thí sinh có chứng chỉ quốc tế (chứng chỉ ngoại ngữ, bằng tú tài nước ngoài…). Tuy nhiên, mỗi trường lại đưa ra những quy định riêng mà thí sinh cần nắm rõ trước khi đăng ký.
Nhiều trường xét tuyển chứng chỉ quốc tế
Việc xét tuyển ĐH bằng chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế là xu thế tất yếu, phương thức này giúp học sinh Việt Nam có động lực để nâng cao trình độ ngoại ngữ. Trước đây, rất ít trường xét tuyển bằng tiêu chí này nhưng năm nay lại nở rộ.
Năm 2021, nhiều trường ĐH công bố phương thức xét tuyển kết hợp chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế. Nhiều thí sinh nghĩ rằng chỉ cần có chứng chỉ quốc tế là sẽ được tuyển thẳng ĐH. Tuy nhiên, thực tế không có trường nào xét tuyển kiểu vậy.
Các trường thành viên của ĐH Quốc gia TPHCM năm nay áp dụng xét tuyển bằng tiêu chí này. Nhưng, mỗi trường thành viên lại có quy định riêng. Trường ĐH Bách khoa có 6 phương thức xét tuyển, phương thức 5 là xét tuyển thí sinh có chứng chỉ tuyển sinh quốc tế hoặc thí sinh người nước ngoài (1%-5% chỉ tiêu). Thí sinh có thể tham gia xét tuyển bằng một hay nhiều phương thức khác nhau.
Quy định của trường là thí sinh có chứng chỉ IELTS ≥ 5.0/ TOEFL iBT ≥ 46/ TOEIC nghe - đọc ≥ 460 & nói - viết ≥ 200 sẽ được quy đổi sang điểm tương ứng của môn tiếng Anh trong tổ hợp môn xét tuyển A01, D01, D07 (chỉ áp dụng cho phương thức xét tuyển theo kết quả thi tốt nghiệp THPT năm 2021, ưu tiên xét tuyển theo kết quả THPT kết hợp phỏng vấn).
Trường ĐH Kinh tế - Luật ở phương thức 5 cũng xét tuyển dựa trên kết quả học THPT và chứng chỉ tiếng Anh quốc tế đối với học sinh Việt Nam và học sinh có quốc tịch nước ngoài (học chương trình THPT quốc tế bằng tiếng Anh hoặc chương trình THPT trong nước) vào các chương trình chất lượng cao (tối đa 20%), chất lượng cao tăng cường tiếng Pháp và chất lượng cao giảng dạy bằng tiếng Anh (tối đa 50%).
Điều kiện đăng ký xét tuyển: thí sinh có điểm trung bình học tập THPT từ 7,0 (thang điểm 10); hoặc 2,5 (thang điểm 4); hoặc từ 8 (thang điểm 12); và chứng chỉ tiếng Anh quốc tế từ tương đương IELTS 5.0 trở lên, hoặc có chứng chỉ quốc tế ACT từ 25 điểm hoặc SAT từ 1.100 điểm trở lên; hoặc có chứng chỉ tiếng Pháp từ tương đương DELF B1 trở lên hoặc tham gia thi học sinh giỏi quốc gia môn tiếng Pháp…
Kết hợp
Trường ĐH Ngoại thương năm nay cũng tuyển theo 6 phương thức, trong đó phương thức 2 - xét tuyển kết hợp giữa chứng chỉ quốc tế và kết quả học tập dành cho thí sinh hệ chuyên và hệ không chuyên và phương thức 3 - xét tuyển kết hợp giữa chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế và kết quả thi tốt nghiệp THPT năm 2021. Xét tuyển căn cứ trên nguyện vọng đăng ký, chỉ tiêu từng chương trình và điểm đánh giá hồ sơ xét tuyển theo quy định của nhà trường.
Trường ĐH Kinh tế TPHCM năm nay cũng có phương thức xét tuyển đối với thí sinh tốt nghiệp chương trình THPT nước ngoài và có chứng chỉ quốc tế, xét tuyển học sinh giỏi và quá trình học tập có tiêu chí xét thí sinh có chứng chỉ tiếng Anh quốc tế tương đương IELTS 6.0 trở lên.
Trường ĐH Y Dược TPHCM năm 2021 cũng xét tuyển dựa vào kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021. Riêng ngành Y khoa, Răng - hàm - mặt, Dược học và Điều dưỡng có thêm phương thức xét tuyển theo hình thức kết hợp với chứng chỉ tiếng Anh quốc tế.
Th.S Phạm Thái Sơn, Giám đốc Trung tâm Tuyển sinh và Truyền thông Trường ĐH Công nghiệp Thực phẩm TPHCM, cho biết: Trường không tuyển thẳng thí sinh có chứng chỉ quốc tế mà chỉ tuyển thẳng thí sinh là người nước ngoài đã tốt nghiệp THPT nước ngoài theo quy chế tuyển sinh hiện hành.
Với thí sinh có chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế như TOEFL 5.0, IELTS 5.0… trường không tuyển thẳng mà quy đổi thành điểm 10 cho môn tiếng Anh trong tổ hợp xét tuyển có ngoại ngữ. Những thí sinh có điểm TOEFL 6.0, IELTS 6.0 được 10 điểm môn tiếng Anh nếu xét tuyển vào ngành Ngôn ngữ Trung Quốc và Ngôn ngữ Anh.
Trước thực tế này, nhiều ý kiến cho rằng việc có nhiều trường ĐH sử dụng phương thức xét chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế ít nhiều sẽ ảnh hưởng đến thí sinh ở vùng nông thôn. Th.S Phạm Thái Sơn cho rằng: “Sẽ có ảnh hưởng đến thí sinh vùng nông thôn, vùng có điều kiện kinh tế khó khăn, tuy nhiên, quy chế tuyển sinh cũng có những chính sách ưu tiên cho đối tượng thí sinh ở vùng khó khăn.
Đồng thời, chỉ tiêu xét tuyển có điều kiện tiếng Anh cũng chiếm tỷ lệ khá thấp so với các phương thức còn lại. Dù gì thì việc nâng cao trình độ tiếng Anh được xem là điều kiện bắt buộc với thí sinh”.
Trong khi đó, nhiều trường cho rằng có chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế mới chỉ là điều kiện xét tuyển. Các trường coi chứng chỉ quốc tế là căn cứ để xem xét sử dụng kết hợp với các phương thức xét tuyển khác.
Do đó, việc có chứng chỉ quốc tế ngoại ngữ là một lợi thế, chứ không phải có chứng chỉ nộp vào là trúng tuyển. Phương thức xét tuyển bằng chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế là một xu hướng tuyển sinh tất yếu, giúp thí sinh có nhiều cơ hội xét tuyển hơn.
Thực tế cho thấy các trường hiện đang dành chỉ tiêu tuyển sinh bằng chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế cho một số ngành yêu cầu cao về năng lực tiếng Anh. Với các chương trình học hoàn toàn bằng tiếng Anh, chương trình chất lượng cao, sinh viên phải đạt trình độ tiếng Anh nhất định để có thể theo học.
Nguồn SGGP: http://sggp.org.vn/tuyen-sinh-2021-co-chung-chi-quoc-te-la-loi-the-730113.html