Tuyển sinh 2021: Khuyến khích hình thức tổ chức thi theo nhóm trường
Nhiều cơ sở giáo dục đại học công bố phương án tuyển sinh năm 2021, trong đó có dự kiến tổ chức thi riêng, thi bổ sung, đánh giá năng lực để tuyển thí sinh phù hợp.
Tăng chỉ tiêu với kỳ thi đánh giá tư duy
Năm 2021, Trường ĐH Bách khoa Hà Nội dự kiến tuyển sinh 7.000 sinh viên với 3 phương thức xét tuyển: Xét tuyển tài năng; dựa trên kết quả Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2021 và kết quả kỳ thi đánh giá tư duy (xét tuyển riêng). Nhà trường áp dụng hình thức đăng ký online với phương thức xét tuyển tài năng và kỳ thi đánh giá tư duy. Với xét tuyển dựa trên kết quả Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2021, thí sinh đăng ký xét tuyển online theo quy định của Bộ GD&ĐT.
PGS.TS Nguyễn Phong Điền - Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Bách khoa Hà Nội chia sẻ: Tiếp nối thành công kỳ thi đánh giá tư duy năm 2020, nhà trường tiếp tục áp dụng phương thức này trong tuyển sinh và dự kiến tăng khoảng 10% chỉ tiêu so với năm ngoái, tương đương từ 30 - 40% tổng chỉ tiêu. Đây là hình thức cải tiến kỳ thi riêng của Trường ĐH Bách khoa Hà Nội.
“Ngoài đánh giá tư duy trên cơ sở đọc hiểu và môn Toán, kỳ thi đánh giá tư duy năm nay dự kiến có thêm tổ hợp môn Khoa học Tự nhiên để đa dạng lựa chọn cho thí sinh. Kết cấu đề thi không thay đổi, có sự phân hóa, kiến thức của 3 năm THPT; do đó không có chuyện “học tủ”. Vì thế, nếu thí sinh xác định tham gia kỳ thi này phải có hướng ôn tập ngay từ bây giờ” – PGS.TS Nguyễn Phong Điền bật mí.
Theo thông báo của Trường ĐH Bách khoa Hà Nội, kỳ thi được tổ chức sau Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021 khoảng 1 tuần và được tổ chức tại 3 địa điểm tại miền Bắc. Chỉ tiêu sơ tuyển dự kiến là 8.000 – 10.000 thí sinh. Thí sinh dự thi bài thi tổ hợp trong 180 phút, gồm 2 phần: Phần bắt buộc, gồm Toán (trắc nghiệm, tự luận) và Đọc hiểu (trắc nghiệm), thời lượng dự kiến 120 phút. Phần tự chọn (trắc nghiệm), thời lượng dự kiến 60 phút và chọn 1 trong 3 phần: Lý – Hóa, với thí sinh đăng ký xét tuyển vào các ngành, trừ ngành Ngôn ngữ Anh; Hóa – Sinh, đối với thí sinh đăng ký xét tuyển các ngành thuộc khối Hóa – Thực phẩm – Sinh học – Môi trường; Tiếng Anh, với thí sinh đăng ký xét tuyển các ngành Ngôn ngữ Anh, Kinh tế quản lý.
Nội dung bài thi đánh giá tư duy nằm trong chương trình phổ thông với yêu cầu ở các mức độ kiến thức khác nhau, từ thông hiểu đến vận dụng và vận dụng sáng tạo. Phần toán sẽ bao gồm cả trắc nghiệm khách quan và tự luận. Phần đọc hiểu với nội dung chủ yếu liên quan tới khoa học tự nhiên, kỹ thuật và công nghệ sẽ đánh giá kỹ năng đọc và năng lực phân tích, lý giải văn bản, khái quát, tổng hợp, biện luận về logic và suy luận từ văn bản. Trường ĐH Bách khoa Hà Nội sơ tuyển thí sinh đăng ký tham dự Kỳ thi đánh giá tư duy gồm: Xét theo điểm trung bình 6 học kỳ THPT của điểm 3 môn theo tổ hợp lựa chọn: Toán – Lý – Hóa; Toán – Hóa – Sinh; Toán – Văn – Anh. Điểm trung bình 6 học kỳ của mỗi môn học ở bậc THPT trong tổ hợp môn sơ tuyển đạt từ 7.0 trở lên.
Có thể sử dụng các phương thức xét tuyển
GS.TS Nguyễn Đình Đức - Trưởng ban Đào tạo (ĐH Quốc gia Hà Nội) cho biết: ĐH Quốc gia Hà Nội tiếp tục áp dụng các phương thức gồm: Xét tuyển thẳng theo quy định của Bộ GD&ĐT và quy định đặc thù của ĐH Quốc gia Hà Nội; xét tuyển các kết quả thi chuẩn hóa quốc tế SAT, ACT, A-Level, chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế IELTS và tương đương); xét tuyển kết quả bài thi đánh giá năng lực học sinh THPT (do ĐH Quốc gia Hà Nội tổ chức).
Riêng về bài thi đánh giá năng lực, dự kiến được tổ chức tại Trung tâm Khảo thí ĐH Quốc gia Hà Nội với quy mô khoảng 10.000 thí sinh, thi 4 - 5 đợt từ tháng 5 đến tháng 10; mỗi đợt khoảng 1.000 - 2.000 thí sinh. ĐH Quốc gia Hà Nội có thể mở rộng quy mô thông qua khai thác nguồn lực, cơ sở vật chất của các đơn vị thành viên, trực thuộc hoặc đối tác.
Tại Hội nghị Tổng kết công tác tuyển sinh đại học, sau đại học năm 2020 và phương thức tuyển sinh năm 2021 của ĐH Quốc gia Hà Nội, Giám đốc Nguyễn Kim Sơn nhấn mạnh: Năm 2021, về cơ bản vẫn giữ vững tổng quy mô đào tạo và chỉ tiêu tuyển sinh cũng như phương thức tuyển sinh như năm 2020. Đồng thời, tiếp tục nghiên cứu, vận dụng linh hoạt kinh nghiệm tổ chức thi đánh giá năng lực và phát triển các điều kiện cơ sở vật chất để tổ chức kỳ thi này trong những năm tiếp theo. Trước mắt, năm 2021, tổ chức kỳ thi đánh giá năng lực cho học sinh THPT. Đây là kỳ thi đa mục tiêu, trong đó các cơ sở đào tạo của ĐH Quốc gia Hà Nội có thể sử dụng kết quả kỳ thi này như một phương thức để xét tuyển đại học. Tuy nhiên, các đơn vị cần cân nhắc, xác định rõ tỷ lệ chỉ tiêu xét tuyển đại học đối với các thí sinh sử dụng kết quả bài thi đánh giá năng lực.
Khẳng định, Bộ GD&ĐT tôn trọng và ủng hộ quyền tự chủ tuyển sinh của các cơ sở giáo dục đại học theo quy định, Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn nhấn mạnh: Cơ sở giáo dục đại học có thể sử dụng các phương thức xét tuyển khác nhau. Bộ khuyến khích các trường tham gia xét tuyển và lọc ảo chung nhằm giảm tỉ lệ ảo cho các trường khi sử dụng nhiều phương thức xét tuyển khác nhau. Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, năm nay cổng đăng ký thi và xét tuyển được tích hợp vào Cổng dịch vụ công quốc gia để tăng cường tiếp cận và tương tác với thí sinh trong cả nước.
Với các trường đủ điều kiện tổ chức thi riêng, bổ sung, đánh giá năng lực, Bộ GD&ĐT đề nghị tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, tổ chức kỳ thi gọn nhẹ và nên thi từ 1 - 2 môn, theo hình thức thi đánh giá năng lực hoặc thi năng khiếu kết hợp kết quả thi tốt nghiệp THPT. Bộ cũng khuyến khích thi theo nhóm trường, gọn nhẹ và thi trong 1 buổi… nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho thí sinh; Tiến tới hình thành các tổ chức/trung tâm khảo thí độc lập với ngân hàng đề thi chuẩn hóa, thi trên máy tính, bảo đảm minh bạch, công bằng giữa các lần thi…
Công tác tuyển sinh giai đoạn 2021 - 2025 cơ bản giữ ổn định như năm 2020, với một số cải tiến về mặt kỹ thuật; đồng thời nâng cao vai trò tự chủ, trách nhiệm của các cơ sở giáo dục đại học. Với các trường có yêu cầu bài thi riêng để đánh giá năng lực chuyên biệt của thí sinh, Bộ GD&ĐT khuyến khích hình thức liên kết tổ chức thi theo nhóm trường hoặc tổ chức các trung tâm khảo thí độc lập.