Tuyển sinh 2021: Khuyến khích tổ chức thi riêng theo nhóm trường
'Với các trường có yêu cầu bài thi riêng để đánh giá năng lực thí sinh, Bộ khuyến khích tổ chức thi theo nhóm trường hoặc tổ chức các trung tâm khảo thí độc lập'.
Ý kiến trên được Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Hoàng Minh Sơn đưa ra tại Hội nghị trực tuyến giáo dục đại học do Bộ GD&ĐT tổ chức sáng 12/12.
Theo thứ trưởng Sơn, trên cơ sở phát huy những ưu điểm trong công tác tuyển sinh trong năm 2020, từ năm 2021 đến năm 2025 cơ bản giữ ổn định kỳ thi, với một số cải tiến về mặt kỹ thuật, đồng thời nâng cao vai trò tự chủ, trách nhiệm của các cơ sở giáo dục đại học.
Đối với các trường có yêu cầu bài thi riêng để đánh giá năng lực chuyên biệt của thí sinh, Bộ GD&ĐT khuyến khích hình thức liên kết tổ chức thi theo nhóm trường hoặc tổ chức các trung tâm khảo thí độc lập.
Thứ trưởng cho biết, Bộ GD&ĐT khuyến khích các trường tham gia xét tuyển và lọc ảo chung với các phương thức tuyển sinh khác nhau, tạo điều kiện cho thí sinh đăng ký nguyện vọng theo nhiều phương thức tuyển sinh, đồng thời giảm tỉ lệ ảo cho các trường khi sử dụng nhiều phương thức xét tuyển khác nhau.
Cùng với đó, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Bộ GD&ĐT sẽ tích hợp Cổng thông tin đăng ký thi và xét tuyển với Cổng dịch vụ công quốc gia để tăng cường tiếp cận và tương tác với thí sinh trong cả nước.
Thứ trưởng Sơn cũng cho biết, trong 5 năm qua, công tác tuyển sinh đại học, cao đẳng sư phạm được đổi mới thành công theo một lộ trình ổn định, giảm áp lực và chi phí cho toàn xã hội, mang lại nhiều lợi ích cho thí sinh và các trường.
Thí sinh không phải thi nhiều lần, được đăng ký nhiều nguyện vọng và được điều chỉnh nguyện vọng sau khi thi, gia tăng đáng kể cơ hội trúng tuyển. Các trường phối hợp thực hiện công tác xét tuyển nhẹ nhàng dựa vào phần mềm xét tuyển chung và lọc ảo do Bộ GD&ĐT hỗ trợ; đồng thời thực hiện quyền tự chủ tuyển sinh với những phương thức khác, phù hợp với yêu cầu riêng.
Đặc biệt, trong năm 2020, mặc dù có nhiều khó khăn vất vả do đại dịch COVID-19 với 2 lần thi THPT và bão lũ ở khu vực miền Trung, công tác tổ chức thi và tuyển sinh đạt được kết quả rất tốt, được xã hội ghi nhận và đánh giá cao, đặc biệt khi xét tuyển đợt 1 đã sử dụng kết quả gộp chung của cả 2 lần thi THPT.
Các cơ sở giáo dục đại học tự chủ xác định chỉ tiêu tuyển sinh và quyết định phương thức tuyển sinh, trong đó chủ yếu dựa trên kết quả thi tốt nghiệp THPT. Bộ GD&ĐT đánh giá cao sự phối hợp của các cơ sở giáo dục đại học và các địa phương để cùng nhau thực hiện tốt nhiệm vụ chung của ngành, chia sẻ khó khăn với thí sinh và toàn xã hội.
Bà Nguyễn Thu Thủy, Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học, Bộ GD&ĐT cho biết, hầu hết các cơ sở đào tạo sử dụng kết quả thi tốt nghiệp trung học phổ thông 2020. Phần mềm tuyển sinh giúp thí sinh trúng tuyển vào nguyện vọng cao nhất, các cơ sở đào tạo thống kê, dự tính được thí sinh ảo để chủ động trong tuyển sinh.
Để chuẩn bị các điều kiện để tiến tới thi trên máy tính trong vài năm tới, bà Thủy cho biết, cần tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin để tuyển sinh, Bộ sẽ nghiên cứu hình thành Trung tâm khảo thí độc lập để tuyển sinh, trong đó, xây dựng ngân hàng câu hỏi, đề thi chuẩn hóa, thi trên máy tính và thi nhiều lần trong năm.
Đối với các trường tổ chức thi riêng, bà Thủy cho rằng, cần gọn nhẹ, 1-2 môn, theo hình thức thi đánh giá năng lực hoặc thi năng khiếu kết hợp kết quả thi tốt nghiệp trung học phổ thông. Hoặc tổ chức thi theo nhóm trường trong một buổi thi, tạo thuận lợi, tiết kiệm cho thí sinh.
Vụ trưởng cũng đề nghị, trong đợt tuyển sinh 2021 tới đây, các trường nếu có thay đổi phương thức tuyển sinh cần phải thông báo sớm cho thí sinh để học sinh và các nhà trường có sự chuẩn bị trong dạy và học. Với các trường có tính cạnh tranh cao có thể tổ chức kỳ thi riêng để chọn lọc thí sinh. Các trường nên tổ chức thành các nhóm, tổ chức kỳ thi với kết quả dùng chung để giảm thiểu chi phí và thời gian cho thí sinh.