Tuyển sinh 2021: Ngành mới, ngành 'lai' đón đầu xu thế 4.0

Năm 2021, nhiều trường ĐH công bố mở thêm một số ngành học mới. Trong đó, đặc biệt có những ngành được cho là 'lai' giữa hai ngành truyền thống.

Nữ sinh viên học ngành Điện tại Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật TPHCM thực hành trên hệ thống. Ảnh: C.Chương

Nữ sinh viên học ngành Điện tại Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật TPHCM thực hành trên hệ thống. Ảnh: C.Chương

Ngành “lai”

Năm 2021, Trường ĐH Công nghiệp Thực phẩm TPHCM (HUFI) tuyển sinh dự kiến 34 ngành với tổng chỉ tiêu khoảng 4.000. Theo ThS Phạm Thái Sơn - Giám đốc Trung tâm Tuyển sinh và Truyền thông HUFI, nhà trường dự kiến tuyển sinh thêm 6 ngành mới: Kinh doanh thời trang và dệt may; Marketing; Công nghệ kỹ thuật nhiệt; Quản lý năng lượng; Kỹ thuật hóa phân tích; Quản trị kinh doanh thực phẩm...

“Một điểm đáng chú ý, trong số những ngành mới, Quản trị kinh doanh thực phẩm là “ngành lai” giữa ngành Quản trị kinh doanh và ngành Công nghệ thực phẩm. Sinh viên học ngành này sẽ làm trong lĩnh vực quản lí, điều hành kinh doanh thực phẩm. Những bạn trẻ có năng lực, đam mê trong lĩnh vực kinh doanh, công nghệ thì vào lĩnh vực này rất phù hợp” - Giám đốc Trung tâm Tuyển sinh và Truyền thông HUFI lưu ý.

Với những ngành như Kinh doanh thời trang và dệt may; Marketing; Công nghệ kỹ thuật nhiệt; Quản lý năng lượng; Kỹ thuật hóa phân tích… ThS Phạm Thái Sơn cho biết đã có trước đây nhưng do nhu cầu cần nhiều người làm trong lĩnh vực này nên nhà trường quyết định tách ra thành ngành riêng để tuyển sinh.

Trường ĐH Công nghiệp TPHCM (IUH) cũng công bố thông tin tuyển sinh năm 2021 với 35 ngành/nhóm ngành trình độ ĐH do trường cấp bằng và 8 ngành liên kết đào tạo quốc tế. Tổng chỉ tiêu tuyển sinh dự kiến của IUH trong năm 2021 trên 8.000 sinh viên. Theo TS Nguyễn Trung Nhân - Trưởng phòng Đào tạo, IUH, năm 2021, trường dự kiến mở thêm 6 ngành học mới: Robot và hệ thống điều khiển thông minh; Kinh tế tài nguyên thiên nhiên; Kỹ thuật hóa phân tích; Quản trị nguồn nhân lực; Logistics và Quản lý chuỗi cung ứng; Quản lý đô thị thông minh và bền vững.

Trong số các ngành mới thuộc khối kinh tế mà IUH dự định tuyển sinh trong năm 2021, TS Nguyễn Trung Nhân cho hay: Logistics và Quản lý chuỗi cung ứng cũng là một dạng ngành “lai”. “Ngành học này có sự kết hợp giữa quản trị kinh doanh và kỹ thuật, đây cũng là một trong những ngành chủ lực có nhu cầu nhân sự cao trong thời gian tới” - Trưởng phòng Đào tạo IUH chia sẻ.

“Hiện có 2 xu hướng mở ngành mới: Ngành đón đầu xu thế 4.0 như các ngành Robot và trí tuệ nhân tạo; Hệ thống nhúng và IoT; Logistics và Quản lý chuỗi cung ứng. Trong khi đó, các ngành như: Robot và hệ thống điều khiển thông minh, Quản lý đô thị thông minh và bền vững, chủ yếu đáp ứng xu hướng trong tương lai theo chủ trương xây dựng phát triển TPHCM thành một đô thị thông minh và bền vững” - TS Nguyễn Trung Nhân phân tích.

Học sinh và phụ huynh tìm hiểu ngành đào tạo tại Trường ĐH Văn Lang. Ảnh: TG

Đáp ứng nhu cầu thị trường

Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TPHCM (HCMUTE) vừa công bố thông tin tuyển sinh năm 2021 với 41 ngành đào tạo. PGS.TS Đỗ Văn Dũng - Hiệu trưởng HCMUTE cho biết: Nhà trường dự kiến mở thêm một số ngành mới: Truyền thông, Luật (đại trà), Thương mại điện tử, Công nghệ kỹ thuật hóa học (chất lượng cao). Đồng thời, trường sẽ điều chỉnh tăng chỉ tiêu cho các ngành Công nghệ tự động hóa; Robot và trí tuệ nhân tạo; Hệ thống nhúng và IoT… Nói về lý do mở thêm ngành mới, Hiệu trưởng HCMUTE cho rằng do nhu cầu thị trường và kế hoạch chiến lược của trường nhằm xây dựng một ĐH đa ngành đa lĩnh vực.

Trong khi đó, Trường ĐH Công nghệ TPHCM (HUTECH) dự kiến tuyển sinh 6.600 chỉ tiêu trình độ đại học chính quy cho 50 ngành đào tạo. Theo ThS Nguyễn Thị Xuân Dung - Phó Trưởng phòng Tư vấn tuyển sinh và Truyền thông HUTECH, năm 2021, nhà trường tuyển sinh, đào tạo 5 ngành mới gồm: Robot & trí tuệ nhân tạo, Khoa học dữ liệu, Quản trị nhân sự, Quan hệ công chúng, Quan hệ quốc tế. Đồng thời, trường dự kiến tuyển sinh thêm 2 ngành thuộc lĩnh vực khoa học sức khỏe là Kỹ thuật xét nghiệm y học và Điều dưỡng. Đây là những ngành có nhu cầu nhân lực khá lớn trong nền kinh tế hội nhập, nhưng hiện nay chưa có nhiều trường đào tạo.

“Ngành Robot và trí tuệ nhân tạo; Khoa học dữ liệu được coi như những mũi nhọn trong thời đại 4.0, trong khi đó, các ngành Kỹ thuật - công nghệ hiện có chỉ tích hợp một số học phần liên quan đến các lĩnh vực này để người học có thể ứng dụng vào chuyên ngành của mình, chứ chưa tập trung nghiên cứu - đào tạo chuyên sâu để khai thác một cách hiệu quả những thành tựu của robot, trí tuệ nhân tạo, khoa học dữ liệu... vào thực tiễn đời sống và sản xuất” - ThS Nguyễn Thị Xuân Dung chia sẻ.

Bên cạnh khối ngành kinh tế, kỹ thuật, khối ngành sức khỏe cũng được nhiều trường chú ý. Đề án tuyển sinh cho năm 2021, Trường ĐH Văn Lang (VLU) có khoảng 7.000 chỉ tiêu trình độ đại học chính quy cho 50 ngành đào tạo. Trong đó, trường dự kiến mở thêm hai ngành thuộc khối Sức khỏe là Y Đa khoa, Y học cổ truyền, nâng tổng số ngành thuộc khối này là 6. Hiện các ngành sức khỏe đang được đào tạo tại VLU gồm Răng Hàm Mặt, Điều dưỡng, Dược học, Kỹ thuật Xét nghiệm Y học.

“Năm 2021, trường tiếp tục mở rộng một số ngành đào tạo mới đáp ứng nhu cầu xã hội, trong đó chú trọng các ngành đào tạo thuộc lĩnh vực sức khỏe như Y đa khoa, Y học cổ truyền. Với các ngành học này, thí sinh lưu ý ngưỡng bảo đảm chất lượng đầu vào theo quy định của Bộ GD&ĐT. Khoa Y của Trường cũng vừa hoàn thành thỏa thuận với Bệnh viện Từ Dũ - TPHCM để sinh viên ngành Y đa khoa thực tập trong quá trình học…” - ThS Nguyễn Thị Mến (Trưởng phòng Tuyển sinh và Truyền thông VLU) chia sẻ.

Liên quan việc xác định mã ngành cho ngành “lai” này, ThS Phạm Thái Sơn cho biết: Quản trị kinh doanh thực phẩm là ngành thuộc kinh doanh nhưng có thực phẩm, trong đó thực phẩm chỉ học những năm đầu tiên nên mã của ngành này thuộc nhóm ngành kinh doanh. Hiện trường đã xác định mã cho ngành này là 7340129.

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/giao-duc/tuyen-sinh-2021-nganh-moi-nganh-lai-don-dau-xu-the-40-ndzyJbaMg.html