TUYỂN SINH 2025: Chuyên gia đánh giá ĐIỂM SÀN và xu hướng ĐIỂM CHUẨN

Việc nhiều trường đại học đồng loạt giảm điểm sàn, điểm chuẩn năm 2025 là phản ánh trực tiếp từ phổ điểm tốt nghiệp THPT – một kỳ thi có tính phân hóa cao nhất trong nhiều năm trở lại đây.

GS.TSKH Nguyễn Đình Đức nhận định, kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay là kỳ thi có mức độ phân hóa rõ nét nhất trong nhiều năm gần đây.

GS.TSKH Nguyễn Đình Đức nhận định, kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay là kỳ thi có mức độ phân hóa rõ nét nhất trong nhiều năm gần đây.

Trao đổi với Báo điện tử Chính phủ, GS.TSKH Nguyễn Đình Đức, nguyên Chủ tịch Hội đồng Trường Đại học Công nghệ (ĐHQGHN) cho rằng, việc nhiều trường đại học đồng loạt giảm điểm sàn, điểm chuẩn năm 2025 là phản ánh trực tiếp từ phổ điểm tốt nghiệp THPT – một kỳ thi có tính phân hóa cao nhất trong nhiều năm trở lại đây.

Đến nay, đã có hơn 200 trường đại học công bố điểm sàn. Theo GS.TSKH Nguyễn Đình Đức, điểm sàn để đăng ký xét tuyển khác với điểm chuẩn trúng tuyển. Năm nay tổng thể cả 2 ngưỡng điểm này sẽ đều giảm so với năm ngoái..

Nguyên nhân điểm sàn giảm

Thưa Giáo sư, mùa tuyển sinh đại học năm 2025, việc nhiều trường đại học đồng loạt giảm điểm sàn năm nay phản ánh điều gì về xu hướng tuyển sinh cũng như chất lượng nguồn tuyển hiện nay?

GS.TSKH Nguyễn Đình Đức: Việc nhiều trường đại học năm nay đồng loạt giảm điểm sàn xét tuyển vào đại học không nằm ngoài dự đoán của tôi và nhiều chuyên gia.

Nguyên nhân cơ bản của điểm sàn năm nay giảm chủ yếu phụ thuộc vào phổ điểm thi THPT năm nay.

Mặc dù số thi sinh dự thi THPT năm nay cao ở mức kỷ lục. Môn có thí sinh dự thi cao nhất là Văn với 1.126.726 thí sinh, và 1.126.172 thí sinh với môn Toán. Số lượng thí sinh thi THPT năm nay như vậy là cao nhất, đông nhất từ trước tới nay.

Nhưng nhìn vào phổ điểm kết quả thi tốt nghiệp THPT năm 2025 mà Bộ GD&ĐT công bố chiều 15/07/2025 mới đây, cho thấy kỳ thì THPT năm nay có sự đột phá trong phân hóa về điểm và độ khó của đề thi, khác hẳn so với mấy năm trước.

Trước hết nói về môn Toán: Mặc dù có 513 em đạt điểm 10 (năm ngoái không có điểm 10 nào), phản ánh đề thi không đánh đố quá khó, bám sát chương trình phổ thông, nhưng chỉ 3,58% số bài thi đạt từ 8 điểm trở lên, thấp hơn nhiều so với mức 18,97% năm 2024 hay 21,8% năm 2022.

Môn tiếng Anh năm nay, mặc dù là môn tự chọn, nhưng chuẩn đầu ra đã là B1 theo chương trình THPT mới, do đó đương nhiên đề khó hơn những năm trước và có 38,2% điểm dưới trung bình.

Những môn khác, tỷ lệ điểm giỏi so với mọi năm cũng có sự giảm. Năm nay cũng là năm đầu tiên thi môn tin học và công nghệ - nông nghiệp.

Số thí sinh chọn thi môn hóa năm nay chỉ bằng 70% so với năm trước, môn sinh chỉ còn khoảng 20% so với năm trước.

Là người đồng hành với Ban chỉ đạo các kỳ thi THPT của Bộ liên tục từ 2012 nhiều năm, đối sánh dữ liệu các năm, tôi nhận thấy năm nay đề môn Toán có sự phân hóa tốt nhất kể từ khi Luật Giáo dục đại học sửa đổi cuối 2018 có hiệu lực. Không còn "mưa điểm giỏi" môn Toán nữa. Tỷ lệ phân hóa điểm giỏi môn toán 3,58% là ở mức phân hóa rất cao, như kỳ thi đại học 3 chung trước đây.

Đó là những nguyên nhân chủ yếu dẫn đến điểm chuẩn năm nay nhiều trường giảm. Đặc biệt các tổ hợp có toán và tiếng Anh.

Từ những phân tích về phổ điểm THPT năm nay như trên, cho thấy việc điểm chuẩn năm nay giảm so với năm trước.

Kỳ thì THPT năm nay có sự đột phá trong phân hóa về điểm và độ khó của đề thi - Ảnh: VGP/Thu Trang

Kỳ thì THPT năm nay có sự đột phá trong phân hóa về điểm và độ khó của đề thi - Ảnh: VGP/Thu Trang

So với mùa tuyển sinh năm trước, mức điểm sàn năm nay thay đổi ra sao? Theo Giáo sư, việc giảm sâu như vậy là xu hướng tất yếu trong bối cảnh hiện nay hay chỉ là phản ứng tình thế?

GS.TSKH Nguyễn Đình Đức: Điểm sàn để đăng ký xét tuyển khác với điểm chuẩn trúng tuyển. Năm nay tổng thể cả 2 ngưỡng điểm này sẽ đều giảm so với năm ngoái.

Bên cạnh phổ điểm thi THPT năm nay, một yếu tố không thể nhắc đến ảnh hưởng đến việc xét tuyển là quy đổi các đầu điểm từ các phương thức khác như SAT, HSA hay điểm tiếng Anh, hay các tổ hợp khác nhau theo bách phân vị, quy về một đầu điểm và không phân chỉ tiêu cho từng phương thức xét tuyển.

Và có thể thấy với công thức quy đổi của một số trường đại học từ các phương thức, các tổ hợp cho thấy nếu đăng ký xét tuyển với các kết quả SAT, HSA hay tiếng Anh sẽ không còn quy đổi cực cao như mấy năm trước so với điểm thi THPT. Đây cũng là một nguyên nhân quan trọng dẫn đến điểm sàn cũng như điểm chuẩn thấp năm nay thấp hơn mấy năm trước.

Tôi cho rằng với các trường top trên như ĐH Công nghệ, ĐH Bách Khoa, Y dược, Ngoại thương, ĐH Kinh tế quốc dân, Trường Luật, Trường Đại học Kinh tế (ĐHQGHN)… là những trường có nhiều ngành hot, đào tạo có uy tín chất lượng và sinh viên ra trường có cơ hội việc làm tốt, thì điểm có chuẩn so với mọi năm có giảm nhưng không quá sâu.

Thậm chí năm nay, riêng trường Đại học Công nghệ (ĐHQGHN) điểm sàn đăng ký xét tuyển còn cao hơn năm trước

Với những phân tích như trên cho thấy điểm chuẩn trúng tuyển năm nay tổng thể sẽ thấp hơn năm trước.

Với các trường top trên, và với những ngành hot. Điểm trúng tuyển dự kiến thấp hơn năm ngoái từ 1-2 điểm. Còn với đại đa số nhiều trường, hoặc với những ngành năm ngoái trúng tuyển ở mức 24-26 điểm, nhiều ngành sẽ giảm mạnh, từ 2-4 điểm.

Tôi cho rằng việc điều chỉnh đề thi đánh giá tốt nghiệp THPT môn toán phân loại như năm nay không còn mưa điểm giỏi là sự điều chỉnh tích cực, theo nghĩa vừa đáp ứng được mục tiêu tốt nghiệp THPT (năm nay tỷ lệ tốt nghiệp THPT là 99,19%; năm ngoái 99,24%), đồng thời có sự phân hóa để lựa chọn được học sinh giỏi.

Từ môn toán khởi đầu, tôi hy vọng năm sau sẽ tiếp tục với các môn học khác, từ đó hướng tới việc đánh giá thực chất, học tập thực tài, từng bước ngành giáo dục sẽ củng cố được niềm tin của xã hội.

Các trường đại học cũng yên tâm khi sử dụng kết quả thi THPT để xét tuyển vào đại học, đỡ tốn kém cho các trường đại học và cũng đỡ vất vả cho thí sinh khi phải thi quá nhiều các kỳ thi chuyên biệt để xét tuyển đầu vào của các trường đại học.

Và nếu chúng ta điều chỉnh với mục tiêu phân hóa như vậy, sẽ không còn có chuyện nhiều môn có điểm giỏi lên đến 20%, 30%, thậm chí trên 50% như mấy năm gần đây, sẽ không tiếp tục có những cơn mưa điểm giỏi nhiều môn ở kỳ thi tốt nghiệp THPT nữa, thì khi đó, mức điểm sàn, điểm chuẩn xét tuyển vào đại học giảm đương nhiên sẽ là xu thế.

Năm nay, chất lượng thí sinh không hề thấp hơn so với những năm như từ 2020 đến nay - Ảnh: VGP/Thu Trang

Năm nay, chất lượng thí sinh không hề thấp hơn so với những năm như từ 2020 đến nay - Ảnh: VGP/Thu Trang

Từ diễn biến này, theo Giáo sư, các trường đại học đang phát đi thông điệp gì về chiến lược tuyển sinh và điều đó có đặt ra yêu cầu mới nào về đảm bảo chất lượng đào tạo đại học trong giai đoạn tới?

GS.TSKH Nguyễn Đình Đức: Một kỳ thi THPT thành công, yên tâm có thể sử dụng kết quả xét tuyển vào đại học nếu đảm bảo an toàn và thành công trong cả 4 khâu: đề thi; công tác coi thi; chấm thi và phục vụ tốt phương án xét tuyển vào đại học.

Các trường đại học với phương án quy đổi bách phân vị, sẽ vất vả hơn so với năm trước. Thi sinh cũng có chút bỡ ngỡ. Nhưng những sự thay đổi là tích cực với mục tiêu là ngày càng nâng cao chất lượng và công bằng.

Với 4 khâu này, tôi cho là kỳ thi THPT năm nay thành công, thực chất, và mặc dù điểm sàn và điểm chuẩn trúng tuyển có thấp hơn, nhưng chất lượng thí sinh không hề thấp hơn so với những năm như từ 2020 đến nay.

Cùng với chất lượng đội ngũ, thì chất lượng đầu vào là yếu tố cực kỳ quan trọng để các trường đại học có thể thực hiện được sứ mệnh đào tạo nhân tài và sáng tạo trí thức, thực hiện đổi mới sáng tạo.

Cách mạng công nghiệp 4.0 với sự phát triển như vũ bão của KHCN, chuyển đổi số và AI đã làm cho thế giới thay đổi từng ngày. Chuyển đổi số và trí tuệ nhân tạo vừa trở thành một trong những phương thức sản xuất mới, lại vừa trở thành tư liệu và lực lượng sản xuất nếu ai sở hữu và làm chủ.

Tôi cho rằng để Việt Nam không tụt hậu và thực hiện thành công Nghị quyết 57-NQ/TW để KHCN thực sự là chiếc đũa thần đưa dân tộc ta vươn mình và cất cánh, thì nguồn nhân lực chất lượng cao, trình độ cao có vai trò then chốt. Do đó giáo dục đại học cũng phải đổi mới và cất cánh.

Chúng ta đang hướng tới có những cơ sở giáo dục đại học top 100 thế giới. Do đó chất lượng đội ngũ phải ngày càng cao, chương trình đào tạo và chuẩn đầu ra ở bậc đại học phải ngày càng hội nhập với các đại học hàng đầu của thế giới. Nếu chất lượng đầu vào thấp, giáo dục đại học Việt Nam không thể cất cánh được.

Vì vậy, một trong những nội dung phải đổi mới trong thời gian tới, đương nhiên có nhiệm vụ phải đổi mới tuyển sinh đại học theo hướng tiếp cận chuẩn mực và hội nhập quốc tế.

Hiện nay, theo Luật Giáo dục đại học sửa đổi 2018, việc tuyển sinh là việc của các trường đại học.

Nhưng nếu khi chúng ta chưa có những đơn vị khảo thí độc lập, uy tín và mạnh như tổ chức thi tương tự như các bài thi chuẩn hóa SAT, ACT, muốn sử dụng điểm kỳ thi THPT để xét tuyển đại học nhằm giảm tốn kém và áp lực cho thí sinh và các trường đại học, thì phải sửa Luật Giáo dục đại học, đề thi THPT phải tiếp tục được phân hóa để tuyển chọn được nhân tài và phải tổ chức thật tốt, an toàn và chất lượng ở cả 4 khâu: đề thi, tổ chức thi, chấm thi và xét tuyển.

Và dù có chọn cách thức nào đi chăng nữa, theo tôi về lâu dài và cũng không thể chậm trễ, phải đẩy mạnh giáo dục STEM, xem xét hạn chế bớt quá nhiều các tổ hợp xét tuyển như hiện nay, và chắc chắn (trừ các ngành và lĩnh vực quá đặc thù) thì các môn như toán, ngữ văn, tin học và ngoại ngữ là những môn không thể thiếu trong việc đánh giá xét tuyển vào đại học với tất cả các ngành và lĩnh vực.

Trân trọng cảm ơn Giáo sư!

Thu Trang

Nguồn Chính Phủ: https://xaydungchinhsach.chinhphu.vn/tuyen-sinh-2025-chuyen-gia-danh-gia-diem-san-va-xu-huong-diem-chuan-119250725105509372.htm