Tuyển sinh cao đẳng nghề: Tín hiệu khả quan
Nếu như việc tuyển sinh hệ trung cấp nghề tương đối thuận lợi, thậm chí các trường phải loại bớt thí sinh vì hồ sơ quá nhiều so với chỉ tiêu thì việc tuyển sinh hệ cao đẳng nghề lại không được thuận lợi.
Tuy nhiên, quan niệm về chọn ngành, chọn nghề hiện đang có chuyển biến. Theo đó, nhiều bạn trẻ đã chủ động lựa chọn học cao đẳng ngay từ đầu. Vì vậy, công tác tuyển sinh bậc cao đẳng ở nhiều trường trên địa bàn tỉnh cũng thuận lợi hơn.
Trường đầu tiên “về đích” trong tuyển sinh cao đẳng
Toàn tỉnh hiện có 11 trường cao đẳng tham gia đào tạo nghề song chỉ có 10 trường thực hiện công tác tuyển sinh (Trường cao đẳng Lê Quý Đôn không tuyển sinh) với tổng số hơn 4,1 ngàn chỉ tiêu hệ cao đẳng. Thông thường, việc tuyển sinh hệ cao đẳng ở các trường gặp nhiều khó khăn hơn so với hệ trung cấp. Bởi tâm lý học sinh sau khi tốt nghiệp THPT vẫn thích lựa chọn học đại học hơn là cao đẳng. Do vậy, các trường cao đẳng thường phải đợi sau khi các trường đại học công bố điểm chuẩn và tuyển sinh cơ bản xong thì mới có đông thí sinh đến nộp hồ sơ xét tuyển.
Nếu phải đóng học phí, các học sinh, sinh viên trường nghề sẽ có cơ hội được giảm khoảng 70% học phí theo quy định tại Điểm b, Khoản 1 Điều 16 của Nghị định 81. Theo đó, những đối tượng trong nhóm được giảm học phí gồm: Học sinh, sinh viên học các chuyên ngành nhã nhạc cung đình, chèo, tuồng, cải lương, múa, xiếc; một số nghề học nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm đối với giáo dục nghề nghiệp theo danh mục các nghề học nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm do Bộ LĐ-TBXH quy định.
Tuy nhiên, mùa tuyển sinh cao đẳng năm nay ghi nhận một số trường đã nhận được nhiều hồ sơ xét tuyển sớm, thậm chí là gần đủ chỉ tiêu dù chưa vào giai đoạn cao điểm. Đáng kể nhất là Trường cao đẳng Cơ giới và thủy lợi. Đây là đơn vị đầu tiên về đích trong mùa tuyển sinh năm nay. Theo đó, trường này có 470 chỉ tiêu hệ cao đẳng nhưng đến ngày 10-7 đã nhận được 520 hồ sơ, vượt chỉ tiêu đề ra. Trường đã thông báo kết quả trúng tuyển cho thí sinh và “khóa sổ”, kết thúc công tác tuyển sinh, chỉ còn đợi sinh viên vào nhập học.
Trường cao đẳng Công nghệ quốc tế Lilama 2 cũng là đơn vị đã nhận được nhiều hồ sơ tuyển sinh. Năm nay, trường có hơn 600 chỉ tiêu và đã nhận được khoảng hơn 400 hồ sơ. Trường cao đẳng Thống kê II đã nhận được khoảng 100/135 hồ sơ xét tuyển hệ cao đẳng. Trường cao đẳng Y tế Đồng Nai cũng đã nhận được 50% hồ sơ so với chỉ tiêu tuyển sinh…
Các trường cao đẳng nghề khác trên địa bàn tỉnh hiện mới chỉ nhận được dưới 100 hồ sơ tuyển sinh. Tuy nhiên, đây không phải là điều đáng lo ngại bởi theo kinh nghiệm của những năm trước, thí sinh sẽ tìm đến các trường nghề đông hơn sau khi đợt tuyển sinh đại học “hạ nhiệt”.
Ngưng hỗ trợ kinh phí liên kết đào tạo
Hiện nay, có nhiều trường cao đẳng của các bộ, ngành trung ương đóng trên địa bàn tỉnh. Những năm qua, UBND tỉnh đã có cơ chế đặt hàng đào tạo đối với một số ngành nghề tại các trường: cao đẳng Cơ giới và thủy lợi, cao đẳng Công nghệ quốc tế Lilama 2, trung cấp Kinh tế - kỹ thuật số 2. Theo đó, hàng năm tỉnh sẽ hỗ trợ kinh phí liên kết đào tạo bậc trung cấp, cao đẳng đối theo chỉ tiêu đặt hàng.
Tuy nhiên, năm học này tỉnh sẽ tạm ngưng chính sách này. Mới đây, Sở LĐ-TBXH đã có cuộc họp thảo luận lấy ý kiến liên quan đến phương án ngừng giao chỉ tiêu đào tạo nghề bằng ngân sách tỉnh. Cuộc họp có sự tham gia của lãnh đạo sở và lãnh đạo các trường trung cấp, cao đẳng trên địa bàn tỉnh.
Theo đó, cuộc họp thống nhất về việc ngưng hỗ trợ kinh phí liên kết đào tạo bậc trung cấp, cao đẳng từ năm học 2023-2024 cho đến khi có quyết định mới được ban hành đối với các trường: cao đẳng Cơ giới và thủy lợi, cao đẳng Công nghệ quốc tế Lilama 2 và trung cấp Kinh tế - kỹ thuật số 2. Đồng thời đề nghị các trường khẩn trương hoàn thành dự thảo định mức chi phí đào tạo dựa trên định mức kinh tế kỹ thuật của 38 ngành nghề trong tháng 7-2023 để Sở LĐ-TBXH có cơ sở, phối hợp với Sở Tài chính trình UBND tỉnh và HĐND tỉnh.
Từ năm học này, việc thu học phí sẽ được áp dụng theo Nghị định số 81/2021/NĐ-CP ngày 27-8-2021 của Chính phủ quy định về cơ chế thu, quản lý học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân và chính sách miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập; giá dịch vụ trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo. Theo nghị định này, mức trần học phí đối với các chương trình đào tạo trình độ cao đẳng, trung cấp tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp (GDNN) công lập chưa tự bảo đảm chi thường xuyên và chi đầu tư có mức từ hơn 1,3 đến hơn 2,3 triệu đồng/tháng.
Đối với các cơ sở GDNN tự bảo đảm chi thường xuyên sẽ có mức trần học phí không quá 2 lần so với mức thu học phí của các trường công chưa tự bảo đảm chi thường xuyên và chi đầu tư. Đối với các trường đã tự chủ cả chi thường xuyên và chi đầu tư thì được chủ động xây dựng và quyết định mức học phí theo quy định của Luật GDNN và các văn bản khác có liên quan.