Tuyển sinh đại học 2024: thí sinh xét tuyển bổ sung cần lưu ý gì?

Tại kỳ tuyển sinh đại học 2024, cả cơ sở đào đạo và thí sinh đều được trao nhiều quyền lựa chọn. Các trường có nhiều phương thức xét tuyển để chọn thí sinh và ngược lại, thí sinh cũng được đưa ra những quyết định chọn lựa của mình.

Nhiều ngành loại thí sinh dưới 29 điểm

Xét tuyển bằng điểm thi tốt nghiệp THPT chỉ là một trong hơn 20 phương thức được các cơ sở đào tạo áp dụng trong mùa tuyển sinh đại học năm 2024. Do được giao quyền tự chủ nên các nhà trường tự phân chia chỉ tiêu đối với từng phương thức để phù hợp với tiêu chí đào tạo và ổn định nguồn tuyển.

Càng ngày, chỉ tiêu dành cho phương thức xét tuyển sớm càng tăng, còn chỉ tiêu xét điểm thi tốt nghiệp THPT càng giảm, trong khi đó số nguyện vọng đăng ký xét điểm thi tốt nghiệp THPT rất đông đảo, dẫn đến điểm chuẩn của phương thức này cao chót vót.

Các trường đại học được trao quyền tự chủ tuyển sinh. Ảnh: USSH

Các trường đại học được trao quyền tự chủ tuyển sinh. Ảnh: USSH

Nhiều trường đại học năm nay ghi nhận điểm chuẩn trên 29 và đều ở tổ hợp C00 (văn, sử, địa); có thể kể: ngành sư phạm ngữ văn, sư phạm lịch sử (Trường Đại học Sư phạm Hà Nội) với mức điểm 29,3; sư phạm địa lý có điểm chuẩn 29,05. Ngành Trung Quốc học của Học viện Ngoại giao lấy điểm chuẩn 29,2; truyền thông quốc tế lấy 29,05 điểm.

Tại Trường Đại học Khoa học xã hội & nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội), ngành quan hệ công chúng lấy điểm chuẩn 29,1; ngành báo chí lấy điểm chuẩn 29,03. Tại Trường Đại học Y Hà Nội, ngay trong năm đầu tuyển sinh, ngành tâm lý học vươn lên dẫn đầu điểm chuẩn, vượt các ngành còn lại với 28,83 điểm, tổ hợp C00. Với mức điểm chuẩn trên, thí sinh đạt trên 9 điểm/môn, thậm chí gần 10 điểm/môn vẫn bị trượt nguyện vọng.

Chia sẻ về vấn đề này, PGS.TS Nguyễn Đức Sơn - Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm cho rằng, đây là điều bình thường vì nếu so sánh điểm chuẩn năm nay với năm trước thì có vẻ cao quá nhưng nếu đánh giá việc xét tuyển đại học theo hướng lựa chọn từ trên xuống dưới sẽ thấy hợp lý. Bởi một khi có nhiều người tốp trên, chắc chắn những thí sinh tốp dưới sẽ không còn cơ hội, đó là câu chuyện về nguyên tắc lựa chọn… "Các em được đăng ký không giới hạn nguyện vọng nên nếu không may trượt ngành yêu thích vẫn còn nhiều cơ hội khác” - PGS.TS Nguyễn Đức Sơn nói.

Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Hà Nội cũng tiết lộ, năm nào trường cũng có số lượng thí sinh đăng ký xét tuyển thẳng khá cao. Năm 2024, trường có khoảng 300 học sinh giỏi quốc gia đăng ký vào các ngành. Điều này làm cho việc cạnh tranh thêm gay gắt.

Theo Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Hoàng Minh Sơn, các thông tin về ngành, trường ngày càng minh bạch, rõ ràng. Do đó, các trường có chất lượng đào tạo tốt, nhu cầu nhân lực cao sẽ được nhiều thí sinh quan tâm. Một số ngành chỉ tiêu không nhiều nhưng có nhiều thí sinh tập trung đăng ký cũng có thể đẩy điểm chuẩn lên cao.

Ngoài ra, điều này còn phụ thuộc vào việc bảo đảm công bằng giữa các phương thức tuyển sinh. Nếu các phương thức tuyển sinh bảo đảm công bằng, đề thi phân hóa rõ, việc điểm chuẩn cao không có gì bất thường. Nhưng nếu không công bằng, thí sinh vào đại học bằng phương thức nào đó dễ dàng hơn, về điều này Bộ GD&ĐT cần phải có sự phân tích kỹ.

Thí sinh đỗ nhưng không nhập học

Trong khi các trường có nguyên tắc lựa chọn là xét điểm từ cao xuống thấp cho đến hết chỉ tiêu và có đến hơn 20 phương thức xét tuyển thì các thí sinh cũng được trao rất nhiều cơ hội. Đó là việc, các em có thể nộp hồ sơ xét tuyển theo bất cứ phương thức nào; được đăng ký tham gia vào rất nhiều kỳ thi riêng. Với phương thức xét tuyển bằng điểm thi, thí sinh đăng ký nguyện vọng khi đã biết điểm; được đăng ký không giới hạn nguyện vọng và thay đổi không giới hạn số lần.

Nhiều thí sinh đỗ đại học đợt 1 nhưng không nhập học.

Nhiều thí sinh đỗ đại học đợt 1 nhưng không nhập học.

Không những vậy, sau khi có điểm chuẩn, trường hợp thí sinh trượt tất cả nguyện vọng hoặc đã trúng tuyển nhưng không đỗ vào ngành yêu thích, không xác nhận nhập học thì các em vẫn được quyền đăng ký xét tuyển các đợt bổ sung.

Thí sinh Nguyễn Hà Sơn, trú tại huyện Chương Mỹ vốn yêu công nghệ thông tin nhưng chỉ đỗ nguyện vọng 4 vào ngành ngôn ngữ Anh tại một trường đại học nằm ở ngoại thành. Sau khi suy nghĩ, Sơn quyết định không nhập học đại học mà theo học trường cao đẳng nghề.

Còn thí sinh Nguyễn Ngọc Anh, huyện Thạch Thất chia sẻ, em đăng ký ngành kế toán của 6 trường, trong đó 4 trường trên là trường đại học công lập còn hai trường dưới là trường dân lập. Do thiếu may mắn, em trượt cả 4 trường công lập và đỗ nguyện vọng 5; vì vậy em cũng không xác nhận nhập học để chờ cơ hội tuyển bổ sung vào trường khác.

Bộ GD&ĐT lưu ý, với trường hợp tuyển bổ sung, thí sinh cần theo dõi thông tin xét tuyển bổ sung được đăng trên website của các nhà trường. Nguyên tắc tuyển là điểm tuyển bổ sung của trường không thấp hơn điểm trúng tuyển đợt trước nên thí sinh cần tham khảo kỹ lưỡng.

Có thể thấy, các nguyên tắc xét tuyển đại học hiện nay mở ra cho cơ sở đào tạo và thí sinh nhiều cơ hội lựa chọn. Tuy thế, trước bất cập còn tồn tại ở một số phương thức, tới đây Bộ GD&ĐT sẽ xem xét, điều tiết để bảo đảm phù hợp và công bằng.

Theo quy định của Bộ GD&ĐT, tất cả thí sinh trúng tuyển đợt 1 đều phải xác nhận nhập học trực tuyến trên hệ thống, chậm nhất là 17 giờ ngày 27/8/2024. Thí sinh không xác nhận nhập học trong thời gian quy định, nếu không có lý do chính đáng, coi như từ chối nhập học và cơ sở đào tạo có quyền không tiếp nhận.

Nam Du

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/tuyen-sinh-dai-hoc-2024-thi-sinh-xet-tuyen-bo-sung-can-luu-y-gi.html