TUYỂN SINH ĐẠI HỌC 2025: Sẽ bỏ xét tuyển sớm
PGS-TS Nguyễn Thu Thủy, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học - Bộ GD-ĐT, cho biết về những thay đổi quan trọng dự kiến áp dụng trong mùa tuyển sinh ĐH 2025
* Phóng viên: Dự thảo Thông tư Sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy chế tuyển sinh trình độ đại học đang được hoàn thiện để ban hành. Bà có thể cho biết những nội dung quan trọng nhất trong quy chế này?
- PGS-TS NGUYỄN THU THỦY: Một trong những điểm cần lưu ý trong quy chế sửa đổi năm nay liên quan đến công tác xét tuyển sớm.
Chỉ tiêu cho xét tuyển sớm dành cho những học sinh có thành tích vượt trội, xuất sắc, có các giải thưởng quan trọng trong nước và quốc tế. Ban đầu, trong dự thảo chúng tôi quy định việc xét tuyển sớm sẽ giới hạn chỉ tiêu khoảng 20%. Tuy nhiên, khi tiếp thu ý kiến của các chuyên gia, chúng tôi dự kiến có thể không cần xét tuyển sớm nữa.
Hầu hết chuyên gia đều cho rằng không nên tổ chức xét tuyển sớm, bởi tất cả nguyện vọng của thí sinh cuối cùng vẫn phải nhập lên hệ thống hỗ trợ xét tuyển chung của Bộ GD-ĐT, thí sinh chỉ trúng tuyển vào một nguyện vọng duy nhất, cao nhất có thể trong năng lực của mình, dù tham gia xét tuyển sớm hay không.
* Vậy nếu bỏ xét tuyển sớm, việc đăng ký xét tuyển đại học của thí sinh năm nay sẽ thay đổi như thế nào, thưa bà?
- Xét tuyển sớm hay xét tuyển theo kế hoạch chung (tức là sau khi thí sinh tốt nghiệp THPT) chỉ có một điểm khác biệt.
Đó là nếu xét tuyển sớm, thí sinh không sử dụng được điểm thi tốt nghiệp, còn khi xét tuyển theo kế hoạch chung thì tất cả phương thức xét tuyển, dữ liệu mà các em đã có từ học bạ, điểm thi tốt nghiệp THPT, điểm thi từ các kỳ thi năng khiếu, kỳ thi độc lập của các trường, các chứng chỉ quốc tế... đều được áp dụng. Thực tế ở kỳ xét tuyển sớm, thí sinh được sử dụng ít phương thức xét tuyển hơn. Nếu không có xét tuyển sớm thì về mặt thời gian, thí sinh cũng vẫn phải đăng ký trong đợt xét tuyển chung.
Vì thế, việc đăng ký xét tuyển đại học năm 2025 vẫn được thực hiện như mọi năm, thí sinh sẽ đăng ký nguyện vọng muốn dự tuyển lên hệ thống hỗ trợ xét tuyển chung sau khi thi tốt nghiệp THPT. Lúc này, trên hệ thống cơ sở dữ liệu của Bộ GD-ĐT đã có đầy đủ thông tin của thí sinh để có thể xét tuyển ở tất cả phương thức. Những trường hợp đặc biệt, có giải quốc tế, quốc gia, trường hợp được xét tuyển thẳng theo quy chế của Bộ GD-ĐT có thể ứng tuyển trước vào các trường. Tuy nhiên, tỉ lệ này sẽ rất nhỏ, dành cho những thí sinh tài năng.
* Một thay đổi đáng chú ý khác trong mùa tuyển sinh năm nay là nếu các trường đại học xét tuyển bằng học bạ thì phải dùng kết quả học tập của cả năm lớp 12 của thí sinh, thay vì dùng điểm 3 đến 5 kỳ học như trước đây. Theo bà, vì sao có quy định này?
- Lý do quan trọng là để thí sinh không lơ là học tập ở năm lớp 12, nhất là học kỳ hai. Các em vẫn phải hoàn thành thật tốt việc học để có điểm tổng kết tốt trước khi bước vào kỳ thi tốt nghiệp THPT.
Thay đổi này sẽ góp phần tích cực, ảnh hưởng trở lại tới việc học tập ở bậc THPT của học sinh.
* Năm 2025 là năm đầu tiên thí sinh thi tốt nghiệp THPT theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Việc xét tuyển bằng điểm thi tốt nghiệp THPT của thí sinh năm nay có bị ảnh hưởng không khi các em có ít tổ hợp hơn để xét tuyển?
- Năm nay, thí sinh sẽ thi 2 môn bắt buộc là toán, ngữ văn và 2 môn tự chọn trong kỳ thi tốt nghiệp THPT. Việc sử dụng các môn thi này trong tổ hợp xét tuyển như thế nào phụ thuộc vào các trường đại học. Tuy nhiên, chúng tôi tin rằng các trường đều mong muốn tuyển được những thí sinh tốt nhất, phù hợp nhất với ngành nghề đào tạo của mình nên sẽ sử dụng những môn học phù hợp nhất.
Năm nay, để các trường không thể đưa ra quá nhiều tổ hợp tuyển sinh cho một ngành, một nhóm ngành đào tạo, chúng tôi quy định tổ hợp tuyển sinh ít nhất phải có một môn quan trọng là ngữ văn hoặc toán - một trong hai môn bắt buộc khi các em thi tốt nghiệp THPT. Trong số điểm của môn học này cũng phải chiếm tỉ trọng nhất định và quan trọng trong các tổ hợp.
Thay vì quá lo lắng vấn đề tổ hợp, các em học tập thật tốt để có kết quả thi cao nhất.
Vẫn quy định ngưỡng đầu vào ngành sư phạm, sức khỏe
Một điểm nữa cần lưu ý trong dự thảo quy chế tuyển sinh là năm nay sẽ điều chỉnh quy định về ngưỡng bảo đảm chất lượng đầu vào đối với ngành đào tạo giáo viên và ngành thuộc lĩnh vực sức khỏe có cấp chứng chỉ hành nghề. Sau khi công bố dự thảo, Bộ GD-ĐT đã nhận được rất nhiều ý kiến, đặc biệt là của thí sinh tự do.
Liên quan đến quy định này, PGS-TS Nguyễn Thu Thủy cho biết Bộ GD-ĐT vẫn phải đưa một ngưỡng bảo đảm chất lượng đầu vào bằng điểm thi tốt nghiệp THPT, thay vì chỉ sử dụng điểm học bạ. Nhóm thí sinh tự do không còn cơ hội quay trở lại cấp 3 để tích lũy lại điểm, do đó cần những phương án bảo đảm các em vẫn thi được vào ngành đào tạo về sư phạm và sức khỏe.
Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/tuyen-sinh-dai-hoc-2025-se-bo-xet-tuyen-som-196250115220542816.htm