Tuyển sinh đại học 2025: Thêm nhiều trường bỏ xét tuyển học bạ

Năm 2025, nhiều trường đại học thông tin sẽ bỏ phương thức xét tuyển học bạ hoặc giảm chỉ tiêu xét tuyển của phương thức này trong tuyển sinh.

Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội vừa thông báo dự kiến những điểm mới trong tuyển sinh đại học năm 2025. Trong đó, nhà trường sẽ bỏ phương thức xét tuyển bằng học bạ độc lập. Năm ngoái nhà trường dành 15% chỉ tiêu cho phương thức này.

Dự kiến từ năm 2025, thí sinh xét học bạ vào Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội phải kết hợp điểm thi đánh giá năng lực hoặc đánh giá tư duy, chứng chỉ quốc tế, giải học sinh giỏi.

Thí sinh tìm hiểu thông tin tuyển sinh của các trường đại học.

Thí sinh tìm hiểu thông tin tuyển sinh của các trường đại học.

Theo dự kiến đề án tuyển sinh năm 2025, Trường Đại học Sư phạm TPHCM sẽ không còn sử dụng điểm học bạ trong xét tuyển. Thay vào đó, trường định hướng kỳ thi đánh giá năng lực chuyên biệt trở thành phương thức xét tuyển chủ đạo, chiếm 40-50% chỉ tiêu. Kết quả của kỳ thi sẽ sử dụng xét tuyển độc lập cho các ngành của trường.

Theo Trường Đại học Sư phạm TPHCM, trường bỏ xét tuyển học bạ nhằm đáp ứng đối với học sinh học theo chương trình mới trên quan điểm chung đảm bảo công bằng, minh bạch, tạo điều kiện thuận lợi cho thí sinh và đảm bảo nâng cao chất lượng đầu vào, đáp ứng yêu cầu của thị trường lao động hiện đại.

Tương tự, một số trường đại học top đầu cũng thông báo dự kiến không dùng phương thức xét tuyển học bạ hoặc giảm chỉ tiêu xét tuyển của phương thức này trong tuyển sinh.

Nhiều năm nay, Đại học Bách khoa Hà Nội không xét tuyển riêng bằng kết quả học bạ. Năm 2025, trường giữ ổn định 3 phương thức tuyển sinh gồm: xét tuyển tài năng, xét kết quả kỳ thi đánh giá tư duy và xét kết quả thi tốt nghiệp THPT.

Năm 2025, Đại học Kinh tế quốc dân tiếp tục bỏ phương thức xét tuyển học bạ. Trước đó, năm 2024, nhà trường đã không còn xét tuyển bằng học bạ.

Trong khi đó, năm 2025, Trường Đại học Công thương TPHCM sẽ giảm chỉ tiêu tuyển sinh ở phương thức xét điểm học bạ lớp 10, 11 và học kỳ 1 của lớp 12 xuống chỉ còn 15-20% tổng chỉ tiêu tuyển sinh.

Theo ông Phạm Thái Sơn - Giám đốc Trung tâm Tuyển sinh và Truyền thông nhà trường, điểm học bạ của các trường cấp 3 công lập và tư thục thường không đều nhau, khoảng cách chênh lệch lớn. Điều này dẫn đến việc thiếu công bằng trong xét tuyển đầu vào.

Có nên bỏ xét tuyển sớm?

Trong khi các trường có xu hướng bỏ hoặc giảm chỉ tiêu xét tuyển bằng điểm học bạ trong mùa tuyển sinh 2025 thì Bộ GDĐT đang lấy ý kiến đóng góp cho dự thảo sửa đổi quy chế tuyển sinh đại học. Dự thảo này có một số điểm mới, trong đó Bộ dự kiến siết phương thức xét tuyển này.

Theo dự thảo, với phương thức xét tuyển đại học bằng học bạ cấp THPT, các trường phải dùng kết quả học tập cả năm lớp 12 của thí sinh. Trong khi hiện nay, nhiều trường sử dụng phương thức này chỉ quy định dùng kết quả học tập của 5 kỳ học, tức là kết quả học tập năm lớp 10, lớp 11 và học kỳ I của lớp 12.

Ngoài ra, Bộ GDĐT dự kiến, các trường chỉ được dành chỉ tiêu cho phương thức xét tuyển sớm không vượt quá 20% trong tổng chỉ tiêu của từng ngành, nhóm ngành. Nếu được thông qua, quy định này sẽ được áp dụng từ kỳ tuyển sinh đại học năm 2025.

Những dự kiến nêu trên đang thu hút nhiều ý kiến đóng góp. Nhiều chuyên gia, đại diện các trường đại học cho rằng nên bỏ xét tuyển sớm. Tuy nhiên, ở chiều ngược lại, nhiều ý kiến cho rằng, không thể cực đoan thực hiện bỏ xét tuyển sớm, bởi xét tuyển sớm vẫn phổ biến ở nhiều quốc gia, các trường đại học được tự chủ cao trong việc tuyển sinh.

Xét tuyển sớm giúp các trường lựa chọn được thí sinh phù hợp với đặc điểm ngành nghề đào tạo của mình. Thí sinh cũng có thêm lựa chọn để phù hợp với năng lực, sở trường của từng em.

Tuy nhiên, vấn đề được đặt ra là làm thế nào để bảo đảm sự công bằng giữa các phương thức xét tuyển?

Hiệp hội các trường đại học, cao đẳng Việt Nam kiến nghị, Bộ GDĐT không nên can thiệp quá sâu và khống chế tỷ lệ chỉ tiêu của các phương thức, vì tuyển sinh được sinh viên giỏi, có chất lượng đầu vào tốt là trách nhiệm của người đứng đầu các trường.

Bộ chỉ nên hạn chế hoặc loại bỏ các phương thức tuyển sinh dễ dãi, không đánh giá đúng chất lượng đầu vào, bằng mọi giá để “vơ vét” người học.

PGS.TS Nguyễn Đào Tùng - Giám đốc Học viện Tài chính ủng hộ việc xét tuyển bằng học bạ phải dùng kết quả học tập cả năm lớp 12 vì lý do một số trường cạnh tranh trong xét tuyển bằng việc chỉ xét kết quả học tập của học sinh ở 5 học kỳ (cả năm lớp 10, 11 và học kỳ 1 của lớp 12) nên có những học sinh ăn Tết xong vào học kỳ 2 không tập trung học tập.

Qua quá trình tư vấn tuyển sinh tại các địa phương, các trường, ông Tùng cho biết, đã nhận thấy những bất cập này và cho rằng không nên vì cạnh tranh ở đại học mà ở dưới bậc THPT xáo trộn.

Nguyễn Hoài

Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/tuyen-sinh-dai-hoc-2025-them-nhieu-truong-bo-xet-tuyen-hoc-ba-10296754.html