Tuyển sinh đại học 2025: tiếp tục cập nhật nhiều điểm mới

Phương án tuyển sinh 2025 tiếp tục có nhiều điểm mới và điều chỉnh từ phía Bộ GD&ĐT cũng như các cơ sở đào tạo. Thời điểm này, ngoài học tập và củng cố kiến thức, thí sinh cần tìm hiểu kỹ thông tin để chuẩn bị tốt cả tinh thần và phương án cho bản thân.

Bỏ xét tuyển sớm, bổ sung căn cứ ngưỡng đầu vào

Theo Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học (Bộ GD&ĐT) Nguyễn Thu Thủy, dự thảo Quy chế tuyển sinh năm 2025 đã được công bố và lấy ý kiến rộng rãi trên phạm vi toàn quốc. Trên cơ sở những ý kiến đóng góp đa chiều, ban soạn thảo quy chế dự kiến sẽ đề xuất lãnh đạo Bộ GD&ĐT một số điều chỉnh so với dự thảo đã công bố.

Công tác tuyển sinh đại học 2025 sẽ có nhiều điểm mới.

Công tác tuyển sinh đại học 2025 sẽ có nhiều điểm mới.

Cụ thể, ngưỡng đầu vào đối với ngành đào tạo giáo viên và ngành thuộc lĩnh vực sức khỏe có cấp chứng chỉ hành nghề được bổ sung theo căn cứ từ "điểm Kỳ thi tốt nghiệp THPT". Trước đó, dự thảo quy định ngưỡng đầu vào với 2 khối ngành này căn cứ vào kết quả học tập 3 năm THPT. Tuy nhiên, với thí sinh tự do, các em không thể quay lại cải thiện kết quả học tập THPT để đủ điều kiện tham gia xét tuyển 2 khối ngành này.

Với điều chỉnh nêu trên, thí sinh có thể lựa chọn một trong 2 căn cứ ngưỡng đảm bảo đầu vào (điểm học tập THPT hoặc điểm Kỳ thi tốt nghiệp THPT) để xét tuyển, không ràng buộc đồng thời cả 2 điều kiện.

Liên quan đến dự thảo quy chế tuyển sinh đại học 2025, Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học khẳng định: ban soạn thảo quy chế dự kiến sẽ đề xuất bỏ khái niệm "xét tuyển sớm", từ đó công tác tuyển sinh không còn xét tuyển sớm nữa.

Vụ trưởng Nguyễn Thu Thủy cho rằng, mục tiêu ban đầu của việc xét tuyển sớm là để thu hút, giữ chân những học sinh tài năng, xuất sắc vào đại học. Tuy nhiên, qua nhiều năm, thực tế xét tuyển sớm lại không theo hướng này, thậm chí có lợi cho học sinh yếu. Học sinh có điểm học bạ trung bình, yếu cũng có thể nộp hồ sơ và trúng tuyển sớm nhiều trường.

Chưa kể, các phương thức trong đợt xét tuyển sớm lâu nay gây bất lợi, thiếu công bằng cho những thí sinh không có điều kiện tham gia những kỳ thi đánh giá năng lực hay có những chứng chỉ ngoại ngữ...

Cũng theo Vụ trưởng Nguyễn Thu Thủy, dù đăng ký xét tuyển sớm hay xét tuyển chung, thí sinh vẫn phải đặt tất cả các nguyện vọng lên hệ thống hỗ trợ tuyển sinh chung. Hệ thống này ngày càng được cải tiến và trở nên ưu việt. Tất cả các phương thức tuyển sinh của các trường và quyền lợi của thí sinh đều được bảo đảm. Do vậy, việc bỏ xét tuyển sớm sẽ giảm áp lực cho thí sinh cũng như không gây lãng phí nguồn lực cho các trường đại học.

Biến động chỉ tiêu, ngành học và tổ hợp xét tuyển

Bên cạnh những điểm mới về quy định của Bộ GD&ĐT, năm 2025 cũng có nhiều điều chỉnh trong phương án tuyển sinh của các cơ sở đào tạo như biến động về chỉ tiêu giữa các phương thức, mở thêm ngành học mới; thay đổi tổ hợp xét tuyển.

Thí sinh cần chủ động tìm hiểu kỹ thông tin tuyển sinh của những trường đại học mình quan tâm.

Thí sinh cần chủ động tìm hiểu kỹ thông tin tuyển sinh của những trường đại học mình quan tâm.

Năm 2025, Đại học Bách khoa Hà Nội áp dụng 3 phương thức tuyển sinh, gồm: xét tuyển tài năng; xét kết quả kỳ thi đánh giá tư duy (dự kiến chỉ tiêu tăng nhẹ); xét kết quả thi tốt nghiệp THPT (dự kiến giảm chỉ tiêu từ 50% xuống còn 40%). Theo kế hoạch tổ chức thi Đánh giá tư duy (TSA) năm 2025 mà nhà trường công bố, kỳ thi tổ chức trong 3 đợt thi vào các ngày cuối tuần, mỗi đợt sẽ có 3- 4 kíp thi tại 30 điểm thi.

Tại Đề án tuyển sinh vừa công khai, năm 2025, Đại học Kinh tế Quốc dân mở hai ngành mới là Quan hệ lao động và Luật thương mại quốc tế. Trường ổn định 3 phương thức tuyển sinh là: kết quả thi tốt nghiệp, xét tuyển kết hợp và xét tuyển thẳng. Đáng lưu ý, với phương thức xét kết quả thi tốt nghiệp THPT, nhà trường xét tuyển theo 4 tổ hợp, gồm A00 (toán, vật lý, hóa học), A01 (toán, vật lý, tiếng Anh), D01 (toán, ngữ văn, riếng Anh), D07 (toán, hóa học, tiếng Anh). So với kỳ tuyển sinh năm 2024, trường đã dừng tuyển sinh một số tổ hợp.

Tương tự, Trường Đại học Kinh tế - Luật (Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh) cũng điều chỉnh tổ hợp xét tuyển. Trường không còn xét tuyển bằng tổ hợp A00 (toán, lý, hóa) và D07 (toán, hóa, tiếng Anh) mà dùng 2 tổ hợp truyền thống là A01 (toán, lý, tiếng Anh), D01 (toán, văn, tiếng Anh); đồng thời bổ sung thêm 2 tổ hợp mới, gồm: toán, tiếng Anh, tin và toán, tiếng Anh, giáo dục kinh tế và pháp luật.

Cùng với đó, trường dự kiến chỉ tiêu tuyển sinh đối với từng phương thức; trong đó xét tuyển thẳng và ưu tiên xét tuyển thẳng (tối đa 20% chỉ tiêu), xét điểm thi đánh giá năng lực (tối đa 40-60%) và điểm thi tốt nghiệp THPT (tối đa 30-50%).

Năm 2025, Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật TP Hồ Chí Minh dự mở mới 6 ngành gồm: dinh dưỡng và khoa học thực phẩm; quản lý tài nguyên và môi trường (chuyên ngành môi trường và phát triển bền vững); công nghệ tài chính; quản trị kinh doanh; vật lý kỹ thuật (định hướng công nghệ bán dẫn và cảm biến, đo lường); công nghệ truyền thông (truyền thông số và công nghệ đa phương tiện).

Trong xu thế mở ngành mới, Trường Đại học Luật TP Hồ Chí Minh cũng dự kiến mở ngành tài chính ngân hàng và kinh doanh quốc tế. Cùng với việc mở ngành, trường này cũng tăng 800 chỉ tiêu so với năm ngoái, lên hơn 4.000 chỉ tiêu.

Bên cạnh đó, nhiều trường tuy chưa công bố phương án tuyển sinh năm 2025 nhưng cho biết sẽ bỏ phương thức xét học bạ; hoặc nếu có xét học bạ sẽ sử dụng kết quả học tập của 6 kỳ thay vì 4 kỳ như trước đây và giảm chỉ tiêu xét tuyển học bạ xuống rất thấp.

Như vậy, có rất nhiều điểm mới trong phương án tuyển sinh năm 2025. Trước khi Bộ GD&ĐT công bố quy chế tuyển sinh chính thức, thí sinh có thể chủ động tìm hiểu thông tin qua các kênh truyền thông chính thống hoặc trực tiếp tìm hiểu, cập nhật đề án tại website của các trường đại học mình quan tâm. Thí sinh cần đọc đầy đủ, chi tiết phương án, không bỏ qua các lưu ý và tiêu chí phụ của nhà trường để bảo đảm tối ưu cơ hội trúng tuyển.

Nam Du

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/tuyen-sinh-dai-hoc-2025-tiep-tuc-cap-nhat-nhieu-diem-moi.html