Tuyển sinh đại học: 'Bẫy' điểm sàn

Các trường đại học (ĐH) đã công bố ngưỡng đảm bảo tối thiểu, hay còn gọi là điểm sàn để thí sinh xác định đăng ký nguyện vọng xét tuyển. Bức tranh chung cho thấy dù chỉ là mức điểm nhận hồ sơ nhưng đã có sự chênh lệch đáng kể giữa các trường và thậm chí là trong một trường.

Chênh nhau nhiều điểm

Cập nhật đến thời điểm hôm qua, hàng loạt trường ĐH đã công bố điểm sàn nhận hồ sơ xét tuyển với các phương thức như xét kết quả thi tốt nghiệp THPT, xét tuyển kết hợp. Ghi nhận cho thấy, điểm sàn đã có sự phân hóa rõ rệt giữa các ngành trong một trường.

Theo công bố của Trường ĐH Nội vụ, mức điểm sàn nhận hồ sơ xét tuyển vào trường năm nay dao động từ 14,5 đến 22 điểm. Trong đó, ngành Quản trị nhân lực có điểm chuẩn cao nhất, 22 điểm theo tổ hợp xét tuyển C00 (Văn, Sử, Địa). Tiếp đến là chuyên ngành Thanh tra thuộc ngành Luật với điểm sàn xét tuyển theo tổ hợp C00 là 19,5.

Tương tự, Trường ĐH Nông lâm TPHCM quy định mức điểm sàn tùy từng ngành từ 15 đến 21 điểm. Trường ĐH Cần Thơ và Trường ĐH Công nghệ Thực phẩm TPHCM có điểm sàn chênh lệch giữa ngành thấp nhất và cao nhất cũng lên đến 4 điểm.

Thí sinh cần tỉnh táo trước “bẫy” điểm sàn Ảnh: Như Ý

Thí sinh cần tỉnh táo trước “bẫy” điểm sàn Ảnh: Như Ý

Những ngành điểm sàn cao của các trường thường là những ngành nóng, đang được xã hội quan tâm như nhóm ngành Công nghệ thông tin, nhóm ngành Kinh tế, ngành Luật. Ngành học có điểm sàn thấp thường là những ngành về kỹ thuật hoặc các ngành truyền thống.

Tuy nhiên, sự chênh lệch này còn phụ thuộc vào thương hiệu của mỗi trường ĐH. Ví dụ, cùng là ngành Công nghệ thông tin, điểm sàn của Trường ĐH Bà Rịa - Vũng Tàu là 15 điểm nhưng của Trường ĐH Thủ Dầu Một là 18 điểm, của Học viện Bưu chính Viễn thông cơ sở phía Bắc là 21 điểm, phía Nam là 19 điểm và của Trường ĐH Bách khoa Hà Nội là 23 điểm. Như vậy cùng một ngành học nhưng giữa trường cao nhất và thấp nhất chênh nhau tới 8 điểm.

Đối với khối các trường kinh tế cũng có sự chênh lệch điểm sàn đáng kể. Hiện nay, Trường ĐH Ngoại thương được cho là trường xác định điểm sàn cao nhất không chỉ đối với nhóm trường kinh tế mà với các trường ĐH nói chung với mức điểm là 23,5 điểm.

So với Trường ĐH Kinh tế Quốc dân, Trường ĐH Thương mại, mức điểm này đã cao hơn 3,5 điểm. Thậm chí, so với Trường ĐH Ngân hàng TPHCM và Trường ĐH Kinh tế - Tài chính TPHCM, điểm sàn của Trường ĐH Kinh tế Quốc dân cao hơn lần lượt là 5,5 điểm và từ 5,5 - 7,5 điểm.

Mặt khác, ghi nhận cũng cho thấy, với những trường không thiên về đào tạo công nghệ, kinh tế, điểm sàn rất thấp. Ví dụ như điểm sàn của Trường ĐH Tài nguyên và Môi trường TPHCM vừa được công bố chỉ dao động từ 14 - 16 điểm. Điểm sàn của những trường này so với những trường top đầu đã chênh từ 7,5-9,5 điểm.

Không nên dựa vào điểm sàn để đăng ký

Điểm sàn là điểm tối thiểu thí sinh phải đạt được để các trường ĐH hay Cao đẳng lấy làm cơ sở xét tuyển sinh. Điểm chuẩn là mức điểm thí sinh cần đạt được để đủ điều kiện trúng tuyển vào ngành học của trường đăng ký xét tuyển.

Chính vì tính chất khác nhau như vậy nên điểm chuẩn nhiều trường vượt xa điểm sàn. Có những trường dù điểm chuẩn ở mức rất cao nhưng điểm sàn đưa ra chỉ tương đương với các trường top giữa nên nhiều thí sinh bị “vỡ mộng” khi trường công bố điểm trúng tuyển.

Năm 2021, điểm chuẩn của Trường ĐH Kinh tế Quốc dân dao động từ 26,8 điểm đến 28,3 điểm (tương đương với điểm trung bình mỗi môn từ gần 9 điểm đến 9,5 điểm) nhưng điểm sàn trường này đưa ra chỉ 20 điểm (chưa đến 7 điểm/môn). Từ điểm sàn đến điểm chuẩn của Trường ĐH Kinh tế Quốc dân chênh lệch từ 6,8 đến 8,3 điểm. Với con số chênh lệch này, thí sinh tính toán như thế nào để có cơ hội trúng tuyển vào trường?

Nếu thí sinh đăng ký khoảng 9 - 10 nguyện vọng, có thể chia làm 3 nhóm: “Nhóm ước mơ” bao gồm các nguyện vọng 1 - 3 là các ngành, trường thí sinh mong muốn học nhất dù điểm thi có thể chưa đủ. “Nhóm thực tế” với các nguyện vọng 4 - 6 là các ngành, trường thí sinh thấy phù hợp với năng lực của mình. “Nhóm dự phòng” bao gồm các nguyện vọng kế tiếp là các trường, ngành có mức độ mong muốn ít hơn nhưng có mặt bằng điểm chuẩn trúng tuyển các năm trước thấp hơn điểm thi của thí sinh.

Năm nay, Trường ĐH này lại tiếp tục lấy điểm sàn là 20 điểm. Trong khi đó, chỉ tiêu đã dành phần lớn để xét tuyển bằng phương thức riêng, phương thức xét điểm thi tốt nghiệp THPT chỉ còn rất ít. Để trúng tuyển vào trường, thí sinh một lần nữa lại phải cân não tính toán.

Tại một số trường, lượng thí sinh đăng ký xét tuyển có thể trồi sụt nhưng có nhiều ngành liên tục có điểm chuẩn rất cao từ những năm trước, dù vậy điểm sàn đưa ra vẫn rất thấp.

Thậm chí có ngành điểm sàn năm nay thấp hơn điểm chuẩn năm trước từ 5 - 8 điểm. Điều này chưa chắc mang lại thuận lợi cho trường nhưng thí sinh chắc chắn sẽ bị ảnh hưởng.

GS.TS Trần Văn Chứ, Hiệu trưởng Trường ĐH Lâm nghiệp cho hay trước khi đăng ký nguyện vọng, thí sinh cần hiểu và phân biệt rõ điểm sàn và điểm chuẩn. Vì trên thực tế nhiều thí sinh không hiểu và không phân biệt được nên nhầm lẫn. Đồng thời, không nên căn cứ vào điểm sàn để đăng ký nguyện vọng. Thí sinh nên tham khảo những thông tin sau để đăng ký nguyện vọng: Điểm chuẩn những năm trước của ngành/trường đăng ký nguyện vọng; chỉ tiêu tuyển sinh của ngành/trường đăng ký; kết quả thi tốt nghiệp THPT của thí sinh.

NGHIÊM HUÊ

Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/tuyen-sinh-dai-hoc-bay-diem-san-post1457579.tpo