Tuyển sinh đại học khu vực phía Nam: Tạo điều kiện thuận lợi cho thí sinh
Dịch Covid-19 diễn biến phức tạp đang ảnh hưởng lớn đến kế hoạch thi trung học phổ thông quốc gia và tuyển sinh đại học năm 2020. Trong bối cảnh khó khăn đó, nhiều trường đại học tại khu vực phía Nam đã công bố điều chỉnh thông tin xét tuyển năm 2020 nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho thí sinh.
Nhiều trường đại học tại thành phố Hồ Chí Minh đã điều chỉnh phương thức và thời gian tuyển sinh phù hợp với tình hình phòng, chống dịch Covid-19.
Thay đổi lịch và phương thức xét tuyển
Mặc dù chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19, nhưng đến thời điểm hiện tại, tất cả học sinh lớp 12 tại thành phố Hồ Chí Minh đã hoàn tất điểm học bạ 5 học kỳ trung học phổ thông (THPT), không bao gồm học kỳ 2 lớp 12. Đây là lợi thế để các bạn tận dụng điểm học bạ của mình để đăng ký xét tuyển vào các trường đại học.
Trường Đại học Kinh tế - Tài chính thành phố Hồ Chí Minh thông báo nhận hồ sơ xét tuyển học bạ theo tổng điểm trung bình 5 học kỳ THPT đợt 1 từ ngày 1-3 đến 30-6. Tương tự, Trường Đại học Công nghệ thành phố Hồ Chí Minh xét tuyển học bạ THPT và bổ sung hình thức xét tuyển học bạ 3 học kỳ bên cạnh hình thức xét điểm học tập năm lớp 12 theo tổ hợp 3 môn. Theo đó, tất cả thí sinh có tổng điểm trung bình 3 học kỳ (học kỳ 1, học kỳ 2 lớp 11 và học kỳ 1 lớp 12) đạt từ 18 điểm trở lên đều có thể tham gia xét tuyển. Hình thức này được thực hiện song song với hình thức xét tuyển học bạ lớp 12 dành cho thí sinh đáp ứng điều kiện có tổng điểm trung bình năm lớp 12 theo tổ hợp 3 môn đạt từ 18 điểm trở lên. Riêng đối với ngành Dược, thí sinh đăng ký xét tuyển học bạ cần đạt học lực giỏi năm lớp 12. Thời gian nhận hồ sơ xét tuyển học bạ với cả 2 hình thức này đều được chia thành nhiều đợt khác nhau: Đợt 1 từ nay đến 15-5; đợt 2 từ 16-5 đến 30-6; đợt 3 từ 1 đến 20-7.
Em Lê Thị Mỹ Lệ, học sinh lớp 12A1, Trường THPT Gò Vấp, quận Gò Vấp cho biết, năm nay em lựa chọn đăng ký xét tuyển vào Trường Đại học Công nghiệp thành phố Hồ Chí Minh, ngành Tài chính - Ngân hàng, tuy nhiên do dịch Covid-19 nên em chưa đăng ký được. Hiện giờ em đã tập trung ôn tập trực tuyến và tự ôn tập tại nhà, để chuẩn bị bước vào kỳ thi THPT quốc gia và xét tuyển đại học năm 2020. "Các trường dời lịch tuyển sinh và có nhiều phương án cho thí sinh lựa chọn, em cũng đỡ lo hơn", em Lê Thị Mỹ Lệ nói.
Vừa chống dịch, vừa bảo đảm tuyển sinh
Để thuận lợi cho thí sinh về việc xét tuyển đại học năm 2020, trao đổi với phóng viên Báo Hànôịmới, Thạc sĩ Phạm Thái Sơn, Trưởng phòng Tuyển sinh và Truyền thông, Trường Đại học Công nghiệp thực phẩm thành phố Hồ Chí Minh cho biết, trong bối cảnh hiện nay, các trường đều chia sẻ và chủ động xây dựng kế hoạch theo điều chỉnh của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Hiện trường đã lên các kịch bản để khi dịch Covid-19 kéo dài vẫn sẽ chủ động được; trong đó, tư vấn tuyển sinh trường sẽ chuyển sang làm trực tuyến. Khi kỳ thi THPT quốc gia được lùi sang tháng 8-2020 thì các kế hoạch tháng 3 và tháng 4 của trường sẽ được chuyển sang tháng 5 và tháng 6. Ngoài ra, Bộ Giáo dục và Đào tạo điều chỉnh thời gian kết thúc năm học sang 15-7 nên nhà trường cũng điều chỉnh phương thức tuyển sinh dành cho trường chuyển sang tháng 7. Còn phương thức tuyển sinh dựa vào kết quả thi THPT quốc gia phụ thuộc vào lịch điều chỉnh của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Còn Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đỗ Văn Dũng, Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm kỹ thuật thành phố Hồ Chí Minh cho hay, các năm trước, kế hoạch tuyển sinh của phần lớn các trường bắt đầu cuối tháng 7 đến hết năm, nhưng thực tế các trường kết thúc khoảng cuối tháng 10 hoặc đầu tháng 11. Vì vậy, năm 2020, nếu tuyển sinh từ cuối tháng 8 đến hết tháng 12 thì cũng không ảnh hưởng đến kế hoạch và kết quả tuyển sinh; các trường vẫn chủ động điều chỉnh kế hoạch và thực hiện được.
Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Văn Phúc cho hay, trong điều kiện kỳ thi THPT quốc gia diễn ra muộn hơn thì các mốc thời gian xét tuyển đại học, cao đẳng cũng sẽ lùi “tịnh tiến” nhưng kế hoạch tuyển sinh dự kiến vẫn sẽ kết thúc như các năm trước, vào ngày 31-12-2020. Bởi các năm trước, mặc dù kế hoạch tuyển sinh của hầu hết các trường bắt đầu từ cuối tháng 7 đến hết năm, nhưng thực tế các trường kết thúc tuyển sinh vào khoảng cuối tháng 10 hoặc đầu tháng 11. Như vậy, tuyển sinh từ cuối tháng 8 đến hết tháng 12 không ảnh hưởng đến kết quả, các cơ sở giáo dục đại học vẫn chủ động điều chỉnh kế hoạch và thực hiện được.
Cũng theo Thứ trưởng Nguyễn Văn Phúc, về quy định, Bộ Giáo dục và Đào tạo chỉ ban hành kế hoạch tuyển sinh đợt 1 năm 2020, áp dụng chung đối với các trường xét tuyển từ kết quả thi THPT quốc gia. Với quyền tự chủ tuyển sinh, các trường có thể tuyển sinh nhiều đợt trong năm. Căn cứ vào kết quả tuyển sinh đợt 1 và thời gian còn lại, các trường chủ động xây dựng, ban hành và tổ chức thực hiện kế hoạch tuyển sinh phù hợp, kết thúc trong năm 2020. Ngoài ra, đối với trường không xét tuyển từ kết quả thi THPT quốc gia, việc tuyển sinh sẽ chủ động và linh hoạt hơn. Theo quy chế tuyển sinh đại học năm 2020, các trường xác định và công bố cụ thể trong đề án tuyển sinh của từng trường để thí sinh và người học chủ động chuẩn bị, đăng ký.