Tuyển sinh đại học năm 2019: Vì sao một số thí sinh 'trượt oan'?

Đủ điểm trúng tuyển, song một số thí sinh đã phải ngậm ngùi bị trượt do trường bất ngờ nâng điểm chuẩn, hoặc quy định điểm sàn riêng…

Những ngày vừa qua, các trường ĐH, CĐ trên phạm vi cả nước đã công bố điểm chuẩn trúng tuyển đợt I, tuyển sinh hệ chính quy năm 2019 dựa trên điểm thi THPT Quốc gia, đồng thời công bố danh sách trúng tuyển, làm các thủ tục nhập học để đón thí sinh.

Tuy nhiên, trong niềm vui của hàng trăm nghìn thí sinh trúng tuyển, lại là câu chuyện rắc rối, tâm trạng lo lắng của một số thí sinh không gặp may mắn, bởi mặc dù đinh ninh là sẽ đỗ đại học, nhưng lúc thông báo kết quả lại không thấy tên mình trong danh sách trúng tuyển.

Đó là trường hợp của một thí sinh tại TP.HCM đăng ký xét tuyển vào ngành Sư phạm mầm non trường ĐH Sài Gòn. Thí sinh này tham dự kỳ thi THPT quốc gia 2019 để lấy điểm môn Văn xét tuyển đại học và kết quả đạt được 3,25 điểm. Tổng điểm tổ hợp các môn Ngữ văn và 2 môn năng khiếu đạt là 22,75 điểm xét tuyển.

Nghĩ rằng trúng tuyển còn thừa điểm, cho đến khi không thấy tên trong danh sách trúng tuyển, thí sinh nói trên mới tá hỏa hỏi nhà trường thì được biết, điểm thi không đủ điểm sàn của Bộ GD&ĐT đối với ngành sư phạm.

Theo ĐH Sài Gòn, điểm sàn trúng tuyển vào ngành sư phạm là áp dụng theo quy định của Bộ GD&ĐT, nghĩa là điểm sàn này không bao gồm các môn năng khiếu, mà chỉ lấy theo tổ hợp môn của kỳ thi THPT Quốc gia.

ĐH Đồng Nai, ngành Sư phạm Vật Lý hệ đại học lấy 24,7 điểm để đánh trượt thí sinh.

ĐH Đồng Nai, ngành Sư phạm Vật Lý hệ đại học lấy 24,7 điểm để đánh trượt thí sinh.

Không chỉ vì không biết mà không đổi nguyện vọng sang trường khác như thí sinh nói trên, tại kỳ tuyển sinh đợt I vừa qua câu chuyện thí sinh bị trượt do nhà trường bất ngờ lấy điểm cao "chót vót" để đánh trượt thí sinh cũng khiến không ít thí sinh lâm vào cảnh dở khóc, dở cười vì cứ nghĩ mình trúng tuyển rồi, nhưng chỉ vì không đủ thí sinh nên trường đành lấy điểm cao để thí sinh trượt, chuyển cơ hội vào trường khác.

Tiêu biểu là trường ĐH Đồng Nai, nhà trường bất đắc dĩ phải áp dụng phương pháp trên vì có những ngành chỉ có khoảng 3 sinh viên trúng tuyển và không đủ điều kiện mở lớp. Vì thế, trường đã nâng điểm chuẩn lên 24,7 điểm để các thí sinh trúng tuyển nguyện vọng khác, có cơ hội học trường khác.

Một số chuyên gia tuyển sinh cho rằng, xét về quy định của Bộ GD&ĐT, các trường có các trường hợp thí sinh "trượt oan" nói trên đã không làm sai. Thí sinh cần thông cảm trong công tác tuyển sinh của nhà trường. Tuy nhiên, có thể thấy ở đây là công tác tư vấn, phổ biến quy định tuyển sinh của các trường còn thiếu, dẫn đến thí sinh đến phút cuối mới biết mình không trúng tuyển vì điểm sàn riêng ngành sư phạm.

Liên quan tới các trường hợp nói trên, chia sẻ với báo chí, bà Nguyễn Thị Kim Phụng - Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học (Bộ GD&ĐT) cho biết, các thí sinh bị trường đại học nâng điểm đánh trượt có thể xin vào cùng ngành đăng ký xét tuyển ở trường khác. Nếu đủ điểm trúng tuyển, Bộ GD&ĐT sẽ đồng ý.

Q.Anh

Nguồn GĐ&XH: http://giadinh.net.vn/giao-duc/tuyen-sinh-dai-hoc-nam-2019-vi-sao-mot-so-thi-sinh-truot-oan-20190815162034566.htm