Tuyển sinh đại học năm 2022: Thí sinh nên đăng ký bao nhiêu nguyện vọng?

Theo dự thảo Quy chế tuyển sinh đại học năm 2022 mới công bố, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) không khống chế số nguyện vọng tối đa thí sinh được đăng ký xét tuyển. Vậy thí sinh nên đăng ký bao nhiêu nguyện vọng là vừa?

 Cán bộ tư vấn tuyển sinh của một trường đại học trao đổi thông tin với học sinh lớp 12. Ảnh: Hà Lê

Cán bộ tư vấn tuyển sinh của một trường đại học trao đổi thông tin với học sinh lớp 12. Ảnh: Hà Lê

Năm 2022, Bộ GD&ĐT quy định việc đăng ký xét tuyển sau khi thi và biết kết quả tốt nghiệp THPT, thay vì đăng ký vào thời điểm tháng 3 như các năm trước. Nhưng với quy định mới, Bộ GD&ĐT không cho phép thí sinh được đổi nguyện vọng. Có nghĩa thí sinh sẽ chỉ được đăng ký 1 lần. Nếu sai lầm trong lựa chọn nguyện vọng, thí sinh sẽ không làm lại được.

Điểm mới của năm nay là mặc dù không khống chế số nguyện vọng đăng ký nhưng mỗi thí sinh sẽ chỉ có 1 mã định danh để được xác nhận trúng tuyển 1 nguyện vọng. Thí sinh có thể đạt điều kiện trúng tuyển nhiều nguyện vọng khác nhau và các trường, ngành hoặc trúng tuyển vào 1 ngành theo nhiều phương thức (xét dựa trên điểm thi tốt nghiệp THPT, điểm thi đánh giá năng lực, học bạ, chứng chỉ tiếng Anh quốc tế…) nhưng sẽ chỉ được chấp nhận 1 nguyện vọng được đặt ưu tiên cao nhất.

Vì thế, khi đăng ký, thí sinh cần lưu ý xếp ưu tiên lên trước những nguyện vọng mình mong muốn đạt được nhất. Vì khi xét từ trên xuống, trúng tuyển ở nguyện vọng nào, phần mềm xét tuyển sẽ không xét tiếp các nguyện vọng kế tiếp.

Theo thống kê của Bộ GD&ĐT, năm 2022 có trên 20 phương thức xét tuyển, nhưng Bộ không cho phép các trường tuyển sinh trước với các phương thức như xét điểm học bạ, chứng chỉ tiếng Anh, điểm thi đánh giá năng lực. Mà với các phương thức xét tuyển riêng, các trường xét để có danh sách trúng tuyển sơ bộ, rồi nhập dữ liệu này lên hệ thống thi và tuyển sinh của Bộ GD&ĐT. Trên hệ thống này cũng sẽ được cập nhật dữ liệu học bạ, dữ liệu điểm thi tốt nghiệp THPT. Bộ sẽ tiến hành chạy phần mềm "lọc ảo" để mỗi thí sinh chỉ được trúng tuyển 1 nguyện vọng.

"Không nên đăng ký quá ít, trừ khi thí sinh đã nghiên cứu kỹ và tự tin sẽ chỉ đỗ và chỉ học 1 ngành mình đăng ký. Nhưng cũng không nên đăng ký quá nhiều nguyện vọng, nhất là kiểu "đăng ký bừa mà không nghiên cứu tính toán". Những thí sinh đăng ký đến hàng chục nguyện vọng đến mức không thể nhớ được, chưa chắc đã hiệu quả hơn những thí sinh chỉ có 2-5 nguyện vọng. Và điều quan trọng nhất là xếp ưu tiên theo thứ tự các nguyện vọng", ông Nguyễn Mạnh Hùng, Vụ Giáo dục Đại học (Bộ GD&ĐT), chia sẻ.

"Nhiều thí sinh xếp ưu tiên nguyện vọng dễ đậu lên trước, với tâm lý "chắc ăn có một nơi trúng tuyển", xếp các nguyện vọng vào ngành mình yêu thích, mong muốn được học nhất ở sau, vì cho rằng đó là ngành khó đậu hơn. Suy nghĩ này là sai lầm. Vì khi đã trúng tuyển nguyện vọng 1, phần mềm sẽ không cho thí sinh được xét nguyện vọng 2, 3… Và trong trường hợp này, nếu thí sinh đủ điều kiện trúng tuyển vào ngành mình yêu thích nhất, cũng sẽ không được gọi nhập học", cô Vũ Thị Hiền, Trưởng phòng Đào tạo trường ĐH Ngoại thương, cho biết.

Thí sinh dự tốt nghiệp trung học phổ thông. (Ảnh: Phạm Mai/Vietnam+)

Thí sinh dự tốt nghiệp trung học phổ thông. (Ảnh: Phạm Mai/Vietnam+)

Chọn ngành hay trường trước?

Còn hơn 2 tháng nữa mới đến hạn đăng ký nguyện vọng nhưng theo nhiều chuyên gia tuyển sinh của các trường đại học thì thí sinh cần có thời gian để cập nhật thông tin ngay từ bây giờ để có lựa chọn sáng suốt.

Chia sẻ về tình huống "loạn phương thức xét tuyển", ông Nguyễn Đào Tùng, Chủ tịch Hội đồng trường Học viện Tài chính cho rằng, dù có trên 20 phương thức xét tuyển nhưng thực chất chỉ có 4 phương thức gốc: Xét chứng chỉ tiếng Anh quốc tế, điểm học tập THPT (học bạ), điểm thi đánh giá năng lực, tư duy (do một số trường tổ chức và cho phép sử dụng kết quả chung), điểm thi tốt nghiệp THPT.

"Tùy theo sở trường nghiêng về phương thức nào, thí sinh ưu tiên đăng ký nguyện vọng vào các trường, ngành mình thích theo phương thức đó để tăng khả năng đậu. Thậm chí thí sinh có thể đăng ký vào cùng 1 ngành bằng nhiều phương thức, mỗi phương thức sẽ tính là 1 nguyện vọng. Căn cứ vào đó, thí sinh cũng có kế hoạch ôn tập phù hợp theo nguyên tắc thế mạnh của mình nằm ở đâu thì tập trung dồn sức cho nó nhiều hơn. Với một số trường sử dụng phương thức kết hợp, ví dụ kết hợp xét chứng chỉ tiếng Anh với kết quả thi đánh giá năng lực, điểm tiếng Anh hoặc học bạ với điểm thi đánh giá năng lực hoặc điểm thi tốt nghiệp THPT… chỉ cần ôn tập theo 4 phương thức gốc thì thí sinh có thể sử dụng kểt quả kết hợp để xét tuyển theo yêu cầu khác nhau của trường", ông Tùng chia sẻ.

Theo ông Nguyễn Phong Điền, Phó hiệu trưởng trường ĐH Bách khoa Hà Nội, thí sinh cần chọn ngành trước, sau đó mới xem có những trường nào đào tạo ngành, nhóm ngành đó. Thí sinh có thể chọn 1 ngành học nhưng đăng ký nguyện vọng vào ngành đó của các trường khác nhau, xếp ưu tiên trường mình mong muốn học nhất, dựa trên các tiêu chí: Uy tín chất lượng theo đánh giá chuyên môn và đánh giá của xã hội dựa trên tỷ lệ sinh viên ra trường có việc làm, điều kiện đào tạo gồm cơ sở vật chất, đội ngũ, môi trường học tập và làm việc, thậm chí cả yếu tố giúp sinh viên giải trí, phát triển thể chất, chăm sóc sức khỏe tinh thần, điều kiện về ký túc xá, mức học bổng, học phí...

Hà Lê

Nguồn Phụ Nữ VN: https://phunuvietnam.vn/tuyen-sinh-dai-hoc-nam-2022-thi-sinh-nen-dang-ky-bao-nhieu-nguyen-vong-20220429175244909.htm