Tuyển sinh Đại học năm 2024: Nhiều trường mở ngành học 'thời thượng', thí sinh và phụ huynh cần hết sức cân nhắc
Trong số những ngành học mới được nhiều trường dự kiến mở trong mùa tuyển sinh năm 2024 có nhiều ngành 'thời thượng', dự báo cần nguồn nhân lực lớn cho phát triển ngành công nghệ cao ở Việt Nam.
Xu hướng mở ngành mới
Theo PGS.TS Nguyễn Hồng Hải, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học (ĐH) Bách khoa (ĐH Đà Nẵng), từ năm 2024, Trường sẽ mở thêm chuyên ngành vi điện tử để cung cấp nguồn nhân lực chuyên sâu về lĩnh vực vi mạch bán dẫn. Năm nay, Trường sẽ tuyển sinh hơn 3.500 chỉ tiêu, riêng chuyên ngành vi điện tử dự kiến tuyển khoảng 100 chỉ tiêu. Ngành này chủ yếu ưu tiên xét kết quả thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh riêng.
Trước đó, Trường cũng đã triển khai các khóa đào tạo ngắn hạn kỹ sư thiết kế vi mạch thông qua hợp tác với các chuyên gia và doanh nghiệp nước ngoài. Hiện Trường cũng có nhiều ngành đào tạo chương trình liên quan lĩnh vực vi mạch bán dẫn như: Hệ thống nhúng, Điều khiển và tự động hóa, Kỹ thuật cơ điện tử, Công nghệ thông tin... Tuy nhiên, từ khóa tuyển sinh năm 2024, trường mới bắt đầu tuyển sinh và đào tạo chuyên sâu về thiết kế vi mạch.
Năm học 2024 - 2025, Trường ĐH Khoa học và Công nghệ Hà Nội (USTH - Trường ĐH Việt Pháp) bắt đầu tuyển sinh ngành Công nghệ vi mạch bán dẫn. Chương trình đào tạo hướng tới trang bị cho người học kiến thức và kỹ năng chuyên môn liên quan đến thiết kế, chế tạo và đóng gói, kiểm thử vi mạch bán dẫn tích hợp, nhằm cung cấp nguồn nhân lực chuyên môn cao, đón đầu xu hướng phát triển của ngành công nghiệp nhiều tiềm năng này.
Cùng với đó, nếu những năm trước đây, các trường ĐH truyền thống sẽ đào tạo chuyên môn sâu về kinh tế, xã hội, văn hóa, kỹ thuật, công nghệ… thì tới năm 2024 này, xu hướng các trường ĐH đa ngành càng phổ biến.
Trường ĐH Ngoại thương năm 2024 xét tuyển 4.130 chỉ tiêu, tăng 30 chỉ tiêu so với năm 2023. Trường ĐH này dự kiến tuyển sinh ngành mới là Khoa học máy tính, chương trình Khoa học máy tính và dữ liệu trong kinh tế và kinh doanh…
Năm 2024, Trường ĐH Kinh tế Quốc dân dự kiến mở 6 ngành mới gồm: Khoa học dữ liệu; Kĩ thuật phần mềm; Hệ thống thông tin, Trí tuệ nhân tạo, An toàn thông tin, Quan hệ lao động. Như vậy, 5/6 ngành mới của Trường ĐH Kinh tế Quốc dân đều thuộc lĩnh vực công nghệ thông tin, vốn là thế mạnh của các trường kĩ thuật, công nghệ. Trước đó, trường ĐH này bắt đầu đào tạo một số ngành liên quan đến nhóm ngành công nghệ như Khoa học máy tính, Hệ thống thông tin quản lí. Năm nay là năm đầu tiên nhà trường đào tạo hệ kĩ sư.
Hệ kĩ sư ở Việt Nam trước đây chỉ có một số ít trường cấp bằng như ĐH Bách khoa Hà Nội, Trường ĐH Giao thông vận tải, Trường ĐH Khoa học và Công nghệ (Trường ĐH Việt Pháp). Theo Trường ĐH Kinh tế Quốc dân, việc mở các ngành liên quan đến nhóm ngành công nghệ là dọn đường để chuẩn bị thành lập Trường Công nghệ trực thuộc, tiến tới đưa Trường ĐH này thành ĐH Kinh tế Quốc dân. Vì điều kiện từ trường ĐH trở thành ĐH phải là trường đào tạo đa ngành.
Cũng theo xu thế đó, nhiều trường kỹ thuật công nghệ từ lâu đã tuyển sinh ngành xã hội, kinh tế. ĐH Bách khoa Hà Nội từ lâu đã tuyển sinh ngành Kinh tế như Quản trị kinh doanh, Tài chính - Ngân hàng, Kế toán, ngôn ngữ Anh. Trường ĐH Sư phạm Kĩ thuật TP HCM thông báo năm 2024 tuyển sinh thêm ngành Tâm lí học giáo dục và ngành kĩ thuật thiết kế vi mạch. Trước đó, Trường ĐH này cũng tuyển sinh nhiều ngành ở các lĩnh vực kinh doanh, nhân văn như ngôn ngữ Anh, Quản trị nhà hàng và Dịch vụ ăn uống, Kế toán, Kinh doanh quốc tế...
Thí sinh cần cân nhắc kỹ
Trước thực tế này, theo các chuyên gia, việc các trường mở thêm ngành học mới là cần thiết và tất yếu nhằm đáp ứng nhu cầu của xã hội và sự thay đổi nhanh chóng của các ngành nghề trong bối cảnh hiện nay. Việc mở các ngành học mới được các trường cân nhắc trên cơ sở khảo sát từ nhu cầu xã hội, chuẩn bị các điều kiện bảo đảm chất lượng về mở ngành theo quy định của Bộ GD&ĐT.
Việt Nam được đánh giá là thị trường tiềm năng của ngành sản xuất chip và linh kiện bán dẫn. Theo Bộ GD&ĐT, hiện có hơn 50 doanh nghiệp FDI lớn đã đầu tư vào Việt Nam về công nghiệp vi điện tử và bán dẫn; trong đó lĩnh vực thiết kế vi mạch đòi hỏi nhiều nhất nguồn nhân lực chất lượng cao. Tính đến tháng 9/2023, cả nước có khoảng 35 cơ sở giáo dục đại học có khả năng tham gia đào tạo lĩnh vực công nghệ bán dẫn.
PGS.TS Nguyễn Thu Thủy, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học, Bộ GD&ĐT cho biết, các trường ĐH rất nhạy bén, bám sát yêu cầu phát triển nhân lực của quốc gia: trong năm nay, nhiều trường đã và sẽ mở các ngành, các chương trình đào tạo liên quan tới thiết kế vi mạch, công nghệ bán dẫn; nhiều trường bắt đầu mở và triển khai đào tạo các ngành về Công nghệ thông tin, Khoa học máy tính, các ngành liên quan phân tích dữ liệu, trí tuệ nhân tạo…
PGS. TS Nguyễn Thu Thủy cho biết, Quy chế tuyển sinh của Bộ GD&ĐT được giữ ổn định từ năm 2022 tới nay, với các nguyên tắc và nội dung tạo điều kiện thuận lợi nhất có thể cho các thí sinh… Đây là căn cứ quan trọng và thuận lợi, do vậy các trường công bố đề án tuyển sinh sớm cho năm 2024 là việc đáng khuyến khích, để thí sinh có thêm thời gian nghiên cứu và chuẩn bị tốt nhất, cho cả kỳ thi tốt nghiệp THPT và các đợt xét tuyển vào ĐH, cao đẳng.
Ở góc độ khác, theo Bộ GD&ĐT, nếu bảo đảm điều kiện chất lượng, xu thế mở ngành học mới là tín hiệu tốt. Điều này cũng đồng nghĩa với việc sẽ có thêm cơ hội lựa chọn cho thí sinh. Nhưng thực tế, không phải ngành mới nào mở ra cũng bảo đảm chất lượng. Bộ GD&ĐT lưu ý các trường cần nghiên cứu kỹ nhu cầu của thí sinh và thị trường lao động trước khi mở ngành học. Nhiều trường nếu không nhận biết kịp xu hướng này và điều chỉnh kịp thời, phù hợp trong chiến lược phát triển, đổi mới ngành đào tạo thì không thu hút được thí sinh vào trường. Ngược lại, một số trường nôn nóng mở ngành mới khi chưa phân tích, dự báo tốt yêu cầu của thị trường lao động và nhu cầu của người học cũng thất bại trong tuyển sinh các ngành mới.
PGS.TS Đặng Thị Thu Hương, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội khuyên thí sinh cần cân nhắc kỹ lưỡng trước khi đưa ra quyết định có nên đăng ký vào bất kể ngành nghề nào, kể cả những ngành nghề mới mở.
Trước khi đưa ra quyết định, phụ huynh, học sinh cần chủ động tìm hiểu chương trình đào tạo mình cân nhắc cung cấp những kiến thức gì, nội dung đào tạo ra sao, kỹ năng đạt được sau 4 năm học, chuẩn đầu ra là gì? Thí sinh không nên chỉ dựa vào tên của ngành đào tạo để lựa chọn. Các em còn cần đọc khung chương trình học của cả 4 năm để hiểu rõ nội hàm, kiến thức được học... Bên cạnh đó, thí sinh cần có sự cân nhắc, tính toán về cơ hội việc làm trong quá trình lựa chọn ngành nghề, tránh tình trạng thất nghiệp khi ra trường.