Tuyển sinh đại học năm 2025: Học sinh chủ động nắm bắt những điều chỉnh mới

Vừa bước vào tháng đầu tiên của năm học 2024-2025, nhiều cơ sở giáo dục đại học ở Hà Nội đã công bố định hướng phương án tuyển sinh năm 2025 với nhiều thay đổi về phương thức, chỉ tiêu.

Năm 2025 là năm đầu tiên có lứa học sinh tốt nghiệp trung học phổ thông và tham gia xét tuyển đại học theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Bởi vậy, học sinh lớp 12 cần phải biết để chủ động trong học tập và chuẩn bị phương án phù hợp đáp ứng với những điều chỉnh mới của các trường.

Thí sinh tham dự Ngày hội tư vấn xét tuyển đại học tại Đại học Bách khoa Hà Nội, tháng 7-2024. Ảnh: Minh Khang

Thí sinh tham dự Ngày hội tư vấn xét tuyển đại học tại Đại học Bách khoa Hà Nội, tháng 7-2024. Ảnh: Minh Khang

Giảm tỷ lệ xét tuyển bằng điểm thi tốt nghiệp

Theo thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo, năm 2024, các cơ sở giáo dục đại học trên cả nước áp dụng khoảng 20 phương thức xét tuyển. Trong đó, phương thức chính được nhiều trường sử dụng với tỷ lệ chỉ tiêu nhiều nhất là sử dụng điểm thi tốt nghiệp trung học phổ thông. Tuy nhiên, năm 2025, học sinh lớp 12 sẽ thi tốt nghiệp trung học phổ thông theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018 với nhiều thay đổi so với năm 2024 trở về trước.

Theo đó, ngoài 2 môn bắt buộc là toán và ngữ văn, học sinh được lựa chọn 2 môn thi còn lại, trong số các môn được học ở lớp 12. Với thay đổi này, các cơ sở giáo dục đại học lớn ở Hà Nội đã rục rịch có những định hướng mới trong tuyển sinh, trong đó có việc giảm tỷ lệ chỉ tiêu cho phương thức xét tuyển từ điểm thi tốt nghiệp trung học phổ thông.

Năm 2025, Trường Đại học Kinh tế quốc dân giữ ổn định 3 phương thức, gồm: Xét tuyển thẳng; xét tuyển kết hợp và xét tuyển theo kết quả thi tốt nghiệp trung học phổ thông. Điểm đáng chú ý là tỷ lệ chỉ tiêu dành cho phương thức xét tuyển theo kết quả thi tốt nghiệp trung học phổ thông chỉ còn 15%, trong khi năm 2024 là 18%, năm 2023 là 25%. Nhà trường cũng thông báo sẽ chỉ áp dụng 4 tổ hợp xét tuyển gồm A00 (toán, vật lý, hóa học), A01 (toán, vật lý, tiếng Anh), D01 (toán, ngữ văn, tiếng Anh), D07 (toán, hóa học, tiếng Anh); không sử dụng các tổ hợp từng được nhà trường duy trì từ năm 2024 trở về trước.

Trong khi đó, theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Vũ Duy Hải, Trưởng ban Tuyển sinh - Hướng nghiệp (Đại học Bách khoa Hà Nội), nhà trường duy trì 3 phương thức xét tuyển năm 2025 như năm 2024, tuy nhiên dự kiến giảm chỉ tiêu xét tuyển bằng điểm thi tốt nghiệp trung học phổ thông từ 50% như năm 2024 xuống còn 40%; tăng chỉ tiêu ở các phương thức còn lại.

Em Nguyễn Hà Anh, học sinh Trường Trung học phổ thông Lý Thường Kiệt (quận Long Biên) cho biết: “Đây là năm đầu tiên xét tuyển đại học theo chương trình mới, em mong các trường đại học sớm công bố đề án tuyển sinh chính thức để chúng em biết rõ hơn về phương thức, chỉ tiêu cũng như các điều kiện cụ thể và cả tiêu chí phụ - nếu có, từ đó chủ động chuẩn bị để đáp ứng tốt nhất các yêu cầu của từng trường”.

Thêm trường tổ chức kỳ thi riêng

Thông tin đáng chú ý trong tháng đầu tiên của năm học mới là việc Trường Đại học Sư phạm Hà Nội 2 thông báo tổ chức kỳ thi riêng.

Cụ thể, năm 2025, nhà trường áp dụng 4 phương thức tuyển sinh, gồm: Xét tuyển dựa trên kết quả các kỳ thi riêng; xét tuyển thẳng và ưu tiên xét tuyển thẳng; xét điểm thi tốt nghiệp trung học phổ thông; xét học bạ. Điểm mới trong công tác tuyển sinh của trường là ngoài việc xét tuyển bằng việc sử dụng kết quả kỳ thi đánh giá năng lực của một số cơ sở giáo dục đại học ở Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh như năm 2024, nhà trường sẽ tự tổ chức kỳ thi riêng nhằm thêm cơ hội cho thí sinh có nguyện vọng tham gia xét tuyển vào trường.

Năm 2024, số trường trên cả nước sử dụng kết quả kỳ thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia Hà Nội là gần 100 trường; với Đại học Bách khoa Hà Nội là hơn 40 trường. Nhằm bảo đảm công bằng và thêm thuận lợi cho thí sinh, Đại học Bách khoa Hà Nội vừa công bố dự kiến sẽ mở rộng địa điểm tổ chức kỳ thi đánh giá tư duy ở địa bàn vùng sâu, miền núi.

Đại học Quốc gia Hà Nội thông báo dự kiến thời gian tổ chức 6 đợt thi năm 2025, bắt đầu từ tháng 3 đến tháng 5. Thí sinh có thể đăng ký tham gia kỳ thi vào tháng 2-2025. Thông tin từ Cục Nhà trường (Bộ Quốc phòng) cho biết, học sinh có nguyện vọng đăng ký xét tuyển vào các trường quân đội năm 2025 có thể tham gia kỳ thi riêng. Dự kiến nội dung bài thi thuộc các môn toán, ngữ văn, khoa học tự nhiên, khoa học xã hội…

Theo dự báo của các chuyên gia, năm 2025, học sinh có nhiều cơ hội tham gia xét tuyển đại học bằng các kỳ thi riêng. Việc này giúp giảm áp lực cho học sinh khi tỷ lệ chỉ tiêu xét tuyển đại học bằng điểm thi tốt nghiệp trung học phổ thông giảm, tăng cơ hội tham gia xét tuyển đại học bằng nhiều phương thức.

Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn cho biết, đã yêu cầu các trường khẩn trương hoàn thiện, công bố kịp thời phương án tuyển sinh từ năm 2025 trở đi, trong đó lưu ý các trường không nên sử dụng quá nhiều phương thức xét tuyển. Bộ cũng nhắc nhở các trường khắc phục triệt để việc thiếu công bằng, tin cậy trong các phương thức, tiêu chí xét tuyển.

Thống Nhất

Nguồn Hà Nội Mới: https://hanoimoi.vn/tuyen-sinh-dai-hoc-nam-2025-hoc-sinh-chu-dong-nam-bat-nhung-dieu-chinh-moi-679220.html