Tuyển sinh ĐH năm 2025: Bỏ xét học bạ để hướng tới đánh giá toàn diện

Trong số hơn 100 cơ sở giáo dục đại học (ĐH) công bố thông tin tuyển sinh năm 2025, có nhiều trường không xét học bạ. Đây cũng là xu hướng xét tuyển nhằm chọn những thí sinh có năng lực toàn diện.

Học bạ “mất giá”

Năm 2025, tuyển sinh ĐH dự kiến có nhiều thay đổi. Theo dự thảo Quy chế tuyển sinh của Bộ GD&ĐT, nếu xét học bạ, các trường phải dùng tổ hợp gồm ít nhất ba môn, trong đó, bắt buộc có Toán hoặc Ngữ văn với tỉ trọng từ 1/3 tổng điểm trở lên. Các trường cũng phải dùng kết quả học tập cả năm lớp 12, thay vì dùng điểm 3-5 kì như trước.

Đến thời điểm hiện tại, dù Bộ GD&ĐT chưa công bố quy chế tuyển sinh 2025, nhiều trường ĐH đã đưa ra phương án tuyển sinh dự kiến, bao gồm xét tuyển học bạ.

Trong số hơn 100 trường ĐH công bố phương án tuyển sinh năm nay, trên 60 trường vẫn xét học bạ THPT với 2 hình thức hoặc xét kết hợp với các điều kiện khác, hoặc xét độc lập. Trong số này, có trường thuộc top đầu hiện nay. Trường ĐH Ngoại thương xét tuyển học bạ kèm theo một số điều kiện như tham gia kì thi học sinh giỏi, khoa học kĩ thuật quốc gia; đoạt giải ba cấp thành phố trở lên và học trường chuyên; chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế IELTS 6.5 hoặc tương đương trở lên…

Trường ĐH Luật Hà Nội năm 2025 dự kiến tuyển sinh 2.650 sinh viên. Nhà trường tiếp tục xét tuyển dựa trên kết quả học bạ 3 năm THPT theo các tổ hợp được xác định cụ thể cho từng ngành và có xem xét quy đổi chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế.

Trường ĐH Công nghiệp Hà Nội bỏ xét tuyển kết quả học bạ độc lập từ năm nay. Nhà trường xét kết hợp điểm học bạ THPT của 3 môn trong tổ hợp với chứng chỉ quốc tế, giải học sinh giỏi, điểm thi đánh giá năng lực của ĐH Quốc gia Hà Nội hoặc đánh giá tư duy của ĐH Bách khoa Hà Nội. Học viện Phụ nữ Việt Nam duy trì phương thức xét học bạ THPT trong mùa tuyển sinh năm 2025.

Thí sinh tìm hiểu thông tin tuyển sinh năm 2025. Ảnh: HOA BAN

Thí sinh tìm hiểu thông tin tuyển sinh năm 2025. Ảnh: HOA BAN

Nhưng có hàng loạt trường ĐH công bố sẽ không sử dụng phương thức xét tuyển học bạ THPT từ năm 2025. TS Huỳnh Trung Phong, phụ trách truyền thông, Trường ĐH Sư phạm TPHCM, chia sẻ, sau khi Bộ GD&ĐT ban hành Quy chế tuyển sinh ĐH năm 2025, nhà trường công bố đề án tuyển sinh.

Theo ông Phong, điểm mới trong công tác tuyển sinh năm nay của trường là bỏ phương thức xét học bạ độc lập. Nhà trường giữ ổn định phương thức xét tuyển kết hợp kết quả học bạ 2 môn và kết quả kì thi đánh giá chuyên biệt do trường tổ chức. Trường ĐH Sư phạm TPHCM đang xem xét điều chỉnh trọng số kết quả thi đánh giá chuyên biệt trong phương thức xét tuyển này.

Những thay đổi trong tuyển sinh của nhà trường nhằm đáp ứng đối với đối tượng học sinh học theo chương trình giáo dục phổ thông 2018. Việc này được thực hiện trên quan điểm đảm bảo công bằng, minh bạch, tạo điều kiện thuận lợi đối với thí sinh và đảm bảo nâng cao chất lượng đầu vào, đáp ứng yêu cầu của thị trường lao động hiện đại.

TS Lê Anh Đức, Trưởng phòng Đào tạo, ĐH Kinh tế Quốc dân, cho hay, từ năm 2024, trường đã bỏ phương thức xét tuyển bằng học bạ THPT. Nhiều năm qua, hầu hết học sinh giỏi ở các trường chuyên (nhóm đủ điều kiện xét tuyển bằng học bạ vào ĐH Kinh tế Quốc dân) đều đủ điều kiện xét tuyển bằng chứng chỉ quốc tế hoặc điểm thi riêng. Việc bỏ xét học bạ làm giảm tỉ lệ ảo do một thí sinh có thể dùng nhiều phương thức.

TS Dương Tôn Thái Dương, Phó trưởng ban Đào tạo ĐH Quốc gia TPHCM, cho biết ĐH này triển khai xét tuyển theo hướng tích hợp nhiều tiêu chí nhằm tuyển thí sinh có năng lực toàn diện phù hợp với mục tiêu đào tạo của ngành, nghề.

Ghi nhận cho thấy, một số trường Y dược top đầu luôn nói không với xét tuyển học bạ như Trường ĐH Y Hà Nội, Trường ĐH Y dược TPHCM, Trường ĐH Y dược Phạm Ngọc Thạch, Trường ĐH Y dược (ĐH Huế), Trường ĐH Y dược (ĐH Quốc gia Hà Nội.

Các trường này chỉ xét tuyển chủ yếu dựa vào điểm thi tốt nghiệp THPT, hoặc kết hợp điểm thi với chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế, xét điểm thi đánh giá năng lực (do 2 ĐH Quốc gia tổ chức), xét điểm kì thi đánh giá tư duy (do ĐH Bách khoa Hà Nội tổ chức), xét điểm SAT quốc tế…

Hướng tới đánh giá toàn diện thí sinh

Một trong những phương thức xét tuyển mà lãnh đạo ĐH Quốc gia TPHCM tâm đắc là phương thức xét tuyển tổng hợp. Tại hội thảo các phương thức tuyển sinh và kì thi đánh giá năng lực tại ĐH quốc gia TPHCM năm 2025 vừa được tổ chức, TS Dương Tôn Thái Dương, Phó trưởng ban Đào tạo ĐH Quốc gia TPHCM, cho biết, ĐH này triển khai xét tuyển theo hướng tích hợp nhiều tiêu chí nhằm tuyển thí sinh có năng lực toàn diện phù hợp với mục tiêu đào tạo của ngành, nghề.

Bên cạnh đó, tiếp tục đổi mới và phát triển kì thi đánh giá năng lực của ĐH Quốc gia TPHCM trở thành một kì thi quan trọng dùng định hướng chung trong công tác tuyển sinh tại các đơn vị thuộc ĐHQG TPHCM.

Với mục tiêu trên, TS Dương cho hay, từ năm 2025, ĐH Quốc gia TPHCM thực hiện 3 phương thức tuyển sinh ĐH gồm: xét tuyển thẳng; xét tuyển dựa trên kết quả của kì thi đánh giá năng lực do ĐHQG TPHCM tổ chức; xét tuyển dựa trên kết quả của kì thi tốt nghiệp THPT. ĐH Quốc gia TPHCM khuyến khích các đơn vị xây dựng phương thức xét tuyển kết hợp.

Theo đó, Trường ĐH Bách khoa (ĐH Quốc gia TPHCM) năm 2025 dự kiến sử dụng các phương thức xét tuyển: xét tuyển thẳng theo quy chế tuyển sinh của Bộ GD&ĐT; xét tuyển thẳng theo quy chế tuyển sinh của ĐH Quốc gia TPHCM; xét tuyển thí sinh có chứng chỉ tuyển sinh quốc tế hoặc thí sinh người nước ngoài; xét tuyển theo kết quả THPT kết hợp phỏng vấn đối với thí sinh dự tính du học nước ngoài.

Bốn phương thức này chiếm khoảng 10-25% chỉ tiêu. Phương thức xét tuyển tổng hợp chiếm khoảng 75-90% tổng chỉ tiêu. Đối với phương thức xét tuyển tổng hợp, Trường ĐH Bách khoa TPHCM dự kiến sử dụng 3 thành tố chính với các trọng số cố định bao gồm: điểm thi đánh giá năng lực (do ĐH Quốc gia TPHCM tổ chức); điểm thi tốt nghiệp THPT; điểm học lực THPT. Ngoài ra, điểm thưởng (tối đa 10 điểm) gồm: năng lực học tập khác (5 điểm); hoạt động xã hội, văn thể mĩ (5 điểm).

GS. TS Nguyễn Thị Thanh Mai, Phó giám đốc ĐH Quốc gia TPHCM, cho rằng, năm 2025 đánh dấu một giai đoạn quan trọng trong sự đổi mới của nền giáo dục Việt Nam. Việc triển khai toàn diện chương trình giáo dục phổ thông 2018 đang tạo ra những thay đổi căn bản trong phương pháp giảng dạy và đánh giá học sinh, đặc biệt là việc đánh giá năng lực học sinh một cách toàn toàn diện hơn.

Đổi mới phương thức tuyển sinh không chỉ là một yêu cầu tất yếu mà còn là trách nhiệm của các cơ sở giáo dục ĐH nhằm tuyển chọn những thí sinh phù hợp cho giáo dục ĐH, CĐ, đồng thời định hướng giúp học sinh THPT học tập hiệu quả, nâng cao năng lực đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của thị trường lao động.

NGHIÊM HUÊ

Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/tuyen-sinh-dh-nam-2025-bo-xet-hoc-ba-de-huong-toi-danh-gia-toan-dien-post1719827.tpo