Tuyển sinh lớp 10 theo chương trình mới: Băn khoăn tiếp nối môn học
Có nhiều băn khoăn về sự tiếp nối giữa môn Khoa học tự nhiên ở bậc THCS và các lớp chuyên đơn môn ở cấp THPT trong Chương trình GDPT 2018...
Ma trận đề thi các môn tích hợp
Năm học 2023 - 2024, Chương trình GDPT 2018 triển khai đến khối lớp 8. Thầy Võ Thanh Phước - Hiệu trưởng Trường THCS Nguyễn Huệ (quận Hải Châu, TP Đà Nẵng) cho biết, trường chưa có sự chuẩn bị cho việc hình thành đội tuyển học sinh giỏi lớp 9 của Chương trình GDPT 2018.
“Thường khoảng tháng 3, nhà trường tổ chức kỳ thi học sinh giỏi cấp trường cho khối 8 để hình thành đội tuyển tham dự kỳ thi học sinh giỏi cấp thành phố ở năm lớp 9. Dự kiến, cấu trúc của đề thi sẽ có câu hỏi thành phần của cả 3 phân môn Vật lý, Hóa học, Sinh học. Tổ Khoa học tự nhiên sẽ xác định kiến thức trọng tâm để xây dựng ma trận đề hợp lý giữa các phân môn. Trong đó, sẽ có câu hỏi mang tính chất tích hợp. Học sinh phải vận dụng kiến thức liên môn để giải quyết”, thầy Phước nêu dự tính.
Tại Trường THCS - THPT Nguyễn Khuyến (TP Đà Nẵng) thời điểm này, nhà trường chưa có sự chuẩn bị cho việc hình thành đội tuyển học sinh giỏi của Chương trình GDPT 2018. “Tuy nhiên, việc bồi dưỡng học sinh giỏi ở môn Khoa học tự nhiên sẽ phải do 3 giáo viên đảm nhận. Tương tự, với môn Lịch sử và Địa lý cũng sẽ do từng giáo viên đơn môn dạy bồi dưỡng. Chỉ có phương án như vậy thì mới đủ kiến thức chuyên sâu được”, cô Hiệu trưởng Trần Thị Kim Vân thông tin.
Đề thi học sinh giỏi các môn Khoa học tự nhiên, Lịch sử và Địa lý lớp 9, theo cô Kim Vân, sẽ phải có sự tính toán ma trận đề cho phù hợp, cân đối giữa các phân môn cho hợp lý. Đặc biệt, phải có câu hỏi mang tính chất tích hợp cho cả 3 hoặc ít nhất là 2 phân môn. Câu hỏi này nhằm phân hóa thí sinh. Vì vậy, học sinh phải tham gia bồi dưỡng ở cả 3 phân môn ở môn Khoa học tự nhiên nếu muốn đạt kết quả cao ở kỳ thi học sinh giỏi cấp thành phố. Hoặc các em tự xác định thế mạnh của mình để đầu tư cho 1 hoặc 2 môn thành phần phù hợp.
Ông Nguyễn Ngọc Thái - Giám đốc Sở GD&ĐT Quảng Ngãi cho biết, các địa phương đang chờ Bộ GD&ĐT hướng dẫn về tổ chức thi vào trường chuyên lớp 10 cho khóa học sinh đầu tiên của Chương trình GDPT 2018. “Chắc chắn các lớp 10 chuyên Vật lý, Hóa học, Sinh học vẫn được duy trì như hiện nay. Vấn đề còn lại là tổ ra đề thi buộc phải có thời gian nghiên cứu nội dung - chương trình của phân môn của cấp học dưới để có cách xây dựng phù hợp”, ông Thái nhận định.
Với đề thi học sinh giỏi lớp 9 của 2 môn học mới là Lịch sử và Địa lý, Khoa học tự nhiên, theo ông Nguyễn Ngọc Thái, sẽ vẫn theo chủ trương học gì thi nấy, phân môn nào có kiến thức trọng tâm thì cơ cấu thang điểm nhiều hơn và chắc chắn có câu hỏi mang tính chất tích hợp, liên môn.
Đẩy mạnh truyền thông
Thầy Phan Văn Chương - Hiệu trưởng Trường THPT chuyên Nguyễn Bỉnh Khiêm (Quảng Nam) bày tỏ băn khoăn, Chương trình GDPT 2006 với từng môn học đơn lẻ như Vật lý, Hóa học, Sinh học thì sự nổi trội của học sinh sẽ rõ ràng và dễ nhận biết hơn. Trong khi đó, với môn Khoa học tự nhiên, các em dù có những phân môn nổi trội hơn nhưng sẽ không quá khác biệt. Ngoài ra, theo thầy Chương, không dễ gì ra đề thi học sinh giỏi có cả 3 phân môn, trong đó có những câu đòi hỏi có sự giao thoa kiến thức và mang tính tổng hợp.
Trong khi đó, Cô Trần Thị Kim Vân cho rằng, về mặt lý thuyết, học sinh theo học Chương trình GDPT 2018 ở THCS sẽ không có khái niệm từng phân môn Vật lý, Hóa học, Sinh học mà chỉ có môn Khoa học tự nhiên. Tuy nhiên, học sinh có thế mạnh vượt trội ở phân môn nào thì giáo viên có kinh nghiệm trong lựa chọn đội tuyển học sinh giỏi sẽ phát hiện để có kế hoạch bồi dưỡng phù hợp.
Tại Trường THPT chuyên Lê Khiết (Quảng Ngãi), trong sinh hoạt chuyên môn mới đây, nhà trường có bàn đến công tác truyền thông trong thi tuyển sinh vào lớp 10 của những năm tới, khi đón lứa học sinh đầu tiên của Chương trình GDPT 2018.
“Các lớp chuyên Vật lý, Sinh học, Hóa học, Lịch sử, Địa lý chắc chắn vẫn được duy trì như hiện nay. Nhưng thi đầu vào như thế nào phải có hướng dẫn sớm và cụ thể từ sở GD&ĐT để nhà trường làm công tác truyền thông với phụ huynh, học sinh”, thầy Trần Quang Hồng - Hiệu trưởng Trường THPT chuyên Lê Khiết bày tỏ.
Đồng tình với quan điểm này, thầy Võ Thanh Phước cho biết, thường với học sinh thi vào lớp 10 chuyên, phụ huynh có định hướng sớm, tìm giáo viên để luyện thi từ khi các em đang học lớp 8. Do đó, rất cần có thông tin sớm từ cơ quan chức năng để phụ huynh, nhà trường cùng chủ động.
Thầy Phan Văn Chương cho rằng, nhóm ra đề thi vào lớp 10 chuyên của lứa học sinh theo học Chương trình GDPT 2018 phải nghiên cứu kỹ từ cấu trúc chương trình, nội dung kiến thức của từng phân môn trong các môn tích hợp ở lớp 8 - 9. Điều này sẽ bảo đảm sự liên thông của hệ thống kiến thức cũng như tính chuyên sâu của môn học khi học sinh lên THPT.