Tuyển sinh thạc sĩ sẽ sử dụng phương thức xét tuyển hoặc xét tuyển kết hợp với thi tuyển
Đây được xem là một trong những điểm mới nhất của Thông tư ban hành quy chế tổ chức đào tạo trình độ thạc sĩ, dự kiến sẽ được Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành trong tháng 12/2020 nhằm phù hợp với Luật giáo dục mới.
Quy chế hiện hành tại Thông tư số 15/2014/TT-BGDĐT chỉ có hình thức thi tuyển và quy định rất chi tiết về đề thi, tổ chức thi, chấm thi... Tuy nhiên, căn cứ Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học năm 2018, bên cạnh thi tuyển, cơ sở đào tạo được phép sử dụng phương thức xét tuyển hoặc kết hợp giữa thi tuyển và xét tuyển.
Dự thảo quy chế quy định: Tuyển sinh trình độ thạc sĩ theo hướng quy định về nguyên tắc và ngưỡng bảo đảm chất lượng đầu vào. Trên cơ sở đó, các cơ sở đào tạo xây dựng phương án tuyển sinh phù hợp với điều kiện cụ thể của từng trường, tường ngành đào tạo nhưng vẫn phải tuân thủ các tiêu chuẩn tối thiểu do Nhà nước quy định để thực hiện trách nhiệm giải trình cũng như sự giám sát của các bên liên quan và toàn xã hội.
Cơ sở đào tạo căn cứ theo kết quả học tập đại học, đề xuất nghiên cứu đối với chương trình thạc sĩ theo định hướng nghiên cứu. Các trường tham khảo kinh nghiệm quốc tế từ các cơ sở giáo dục đại học ở các nước phát triển như Vương quốc Anh, Hoa Kỳ, các nước Châu Âu, Australia, New Zealand, Nhật Bản… để ban hành quy chế tổ chức xét tuyển cho phù hợp với trường và ngành đào tạo.
Ví dụ, các trường có thể xét hồ sơ học tập, kinh nghiệm làm việc, bài luận về bản thân, thư giới thiệu của giảng viên hoặc người quản lý, đề xuất cho đề tài nghiên cứu đối với chương trình theo định hướng nghiên cứu…
Bên cạnh đó, thời gian đào tạo trình độ thạc sĩ được được xác định trên cơ sở số lượng tín chỉ phải tích lũy cho từng chương trình đào tạo và do hiệu trưởng, giám đốc cơ sở đào tạo quy định. Thời gian kéo dài không quá 2 năm so với thời gian thiết kế của chương trình.
Dự thảo quy chế cho phép đối tượng đầu vào là người học có bằng đại học ở các ngành khác nhau với khối lượng học tập tích lũy khác nhau. Với mỗi đối tượng đầu vào, cơ sở đào tạo phải căn cứ vào chương trình đào tạo (ở trình độ đại học) của người học để xác định những nội dung hay học phần mà người học cần học bổ sung trước khi vào học chương trình thạc sĩ.
Như vậy, để đáp ứng nhu cầu đào tạo của mọi đối tượng người học khác nhau, tổ chức đào tạo trình độ thạc sĩ có thể mềm dẻo về quy trình nhưng vẫn phải bảo đảm về chất lượng. Đó là một trong những ưu điểm của phương thức tổ chức đào tạo theo hệ thống tín chỉ.