Tuyển sinh trái phép 63.000 học viên: cựu giám đốc Trung tâm Dạy nghề lái xe Sài Gòn khai gì tại tòa?

Cựu giám đốc Trung tâm Dạy nghề lái xe Sài Gòn muốn khắc phục đủ giờ học theo quy định cho hơn 39.000 học viên đã được cấp chứng chỉ sơ cấp nghề Bậc 1.

Chiều 9-4, TAND TP.HCM tiếp tục phiên xét xử sơ thẩm 13 bị cáo trong vụ án lợi dụng chức vụ, quyền hạn; thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng xảy ra tại Trung tâm Dạy nghề lái xe Sài Gòn, Sở LĐ-TB-XH và Sở GTVT tỉnh Đồng Nai.

Theo cáo buộc, bị cáo Hồ Đình Thái Hòa (cựu giám đốc Trung tâm Dạy nghề lái xe Sài Gòn) đã hợp thức hóa các điều kiện về xe tập lái, giáo viên, phòng học chuyên môn, sân tập lái; tuyển sinh trái quy định 63.458 học viên.

Trong số 63.458 học viên, Hòa đã cấp chứng chỉ sơ cấp nghề Bậc 1 cho 39.021 học viên (với số tiền 377 tỉ đồng). Trong 39.021 học viên này, Hòa đã chỉ đạo nhân viên ký hợp thức Báo cáo 2 đề nghị Sở GTVT tổ chức thi sát hạch, cấp giấy phép cho 34.760 học viên, còn lại 4.261 học viên thi trượt chờ thi lại.

 HĐXX vụ án xảy ra tại Trung tâm Dạy nghề lái xe Sài Gòn và các đơn vị liên quan. Ảnh: NGUYỄN TIẾN

HĐXX vụ án xảy ra tại Trung tâm Dạy nghề lái xe Sài Gòn và các đơn vị liên quan. Ảnh: NGUYỄN TIẾN

Xin khắc phục đủ giờ học cho hơn 39.000 học viên

Là bị cáo đầu tiên trả lời xét hỏi, bị cáo Hồ Đình Thái Hòa khẳng định cáo trạng truy tố mình không oan sai, nhưng "xin được giải thích thêm".

Trước cáo buộc đưa ra chủ trương kêu gọi cá nhân bên ngoài (nhà đầu tư) đưa xe tập lái, tự tuyển sinh, đào tạo và hợp thức là học viên của trung tâm, bị cáo Hòa cho rằng cơ sở giáo dục nghề nghiệp của bị cáo có thể liên kết với các cơ sở cá nhân bên ngoài.

Các xe tập lái tại trung tâm đều hợp pháp và được đưa vào trung tâm theo hình thức góp vốn và đã đăng kiểm, có thắng phụ; có biển xe tập lái và được Sở GTVT kiểm tra.

Tuy nhiên, HĐXX đã chỉ ra rằng trung tâm chỉ có 185 xe tập lái; còn lại 791 xe do các cá nhân bên ngoài hợp thức, không đủ điều kiện. Trên thực tế, bị cáo Hòa đã ký đồng mua bán xe nhưng không mua bán thực tế để hợp thức các xe bên ngoài thành xe của trung tâm.

 Bị cáo Hồ Đình Thái Hòa. Ảnh: NGUYỄN TIẾN

Bị cáo Hồ Đình Thái Hòa. Ảnh: NGUYỄN TIẾN

Trung tâm có 22 phòng học chuyên môn, bị cáo Hòa chỉ đạo bị cáo Trần Anh Xuân (Phó giám đốc trung tâm) thuê thêm 17 phòng học để hợp thức hóa điều kiện đào tạo. Bị cáo Hòa cho rằng việc thuê thêm phòng học không phải hợp thức hóa mà chỉ để phòng hờ khi phát sinh thêm việc giảng dạy.

Bị cáo Hòa khai thêm, thời gian cao điểm tại trung tâm có 1.375 giáo viên. Thực tế, bị cáo Hòa chỉ trả lương, đóng bảo hiểm xã hội cho 31 giáo viên; số còn lại không được đào tạo nghiệp vụ, tập huấn giảng dạy và chỉ để hợp thức đăng ký kế hoạch đào tạo.

Bị cáo Hòa cho biết, trung tâm chỉ trực tiếp tuyển sinh và trực tiếp giảng dạy 4.156 học viên với học phí hơn 39 tỉ đồng. Còn lại, bị cáo Hòa ký thỏa thuận với Đặng Thái Hân (Giám đốc Công ty K27) và 261 cá nhân khác; bán lưu lượng 11.306 học viên; cho các cá nhân sử dụng pháp nhân trung tâm tuyển sinh, hợp thức đào tạo 59.302 học viên, sau đó nộp về cho trung tâm chi phí hợp thức hóa hồ sơ dạy lái xe 119 tỉ đồng (1-2,4 triệu đồng/học viên).

Số tiền 119 tỉ đồng khi nộp về trung tâm, bị cáo Hòa dùng để chi trả chi phí quản lý, cơ sở hạ tầng, mặt bằng, trả tiền nhân viên...

Cựu giám đốc Trung tâm Dạy nghề lái xe Sài Gòn cho biết quá trình điều hành trung tâm, bị cáo hiểu được mục tiêu giáo dục, đào tạo là sứ mệnh của cơ sở giáo dục và đem lại cho học viên kiến thức, kỹ năng.

"Có hơn 39.000 học viên đã được Sở GTVT tỉnh Đồng Nai tổ chức sát hạch và trong số đó đã được cấp bằng lái xe trái quy định, chưa đảm bảo đủ giờ học. Bị cáo đã nhận ra lỗi của mình và muốn khắc phục cho những học viên này bằng cách đảm bảo số giờ học theo quy định và theo yêu cầu của họ" - bị cáo Hòa nói.

Xin hủy bỏ lệnh kê biên tài sản cho vợ xoay sở cuộc sống

Đối với số tiền bị cáo hưởng lợi là 118 tỉ đồng, bị cáo Hòa cho rằng con số không đúng lắm, vì chưa tính đến các chi phí phân phối kinh doanh.

Cựu giám đốc Trung tâm Dạy nghề lái xe Sài Gòn trình bày thêm đã khắc phục 2,1 tỉ đồng.

Bị cáo Hòa xin HĐXX xem xét hủy bỏ việc phong tòa 30 tỉ đồng kê biên trong tài khoản của Công ty 3T (bị cáo Hòa làm giám đốc); hủy bỏ ngăn chặn giao dịch 55% vốn góp và hủy lệnh kê biên các bất động sản, tài sản có từ trước khi bị cáo này tham gia hoạt động đào tạo lái xe, để vợ bị cáo mua bán, giao dịch và xoay sở cuộc sống, khắc phục hậu quả vụ án.

 Bị cáo Đặng Thái Hân - cựu phó giám đốc Trung tâm Dạy nghề lái xe Sài Gòn. Ảnh: NGUYỄN TIẾN

Bị cáo Đặng Thái Hân - cựu phó giám đốc Trung tâm Dạy nghề lái xe Sài Gòn. Ảnh: NGUYỄN TIẾN

Bị cáo Đặng Thái Hân (cựu Phó giám đốc Trung tâm dạy nghề lái xe Sài Gòn; Giám đốc Công ty K27) bị cáo buộc giúp sức cho bị cáo Hòa hợp thức điều kiện đào tạo lái xe, tự tuyển sinh, đào tạo lái xe... Hân phải chịu trách nhiệm hình sự đối với 27.148 chứng chỉ nghề sơ cấp cho học viên trái luật với tương đương 267 tỉ đồng.

Khai tại tòa, bị cáo Hân khai có cổ phần tại Công ty K27 nhưng thực tế không góp vốn. Thời điểm đại diện ký hợp đồng hợp tác, bị cáo Hân thừa nhận chưa nghiên cứu hết các quy định liên quan.

SONG MAI

Nguồn PLO: https://plo.vn/video/tuyen-sinh-trai-phep-63000-hoc-vien-cuu-giam-doc-trung-tam-day-nghe-lai-xe-sai-gon-khai-gi-tai-toa-post843442.html