Tuyển sinh vào lớp 10 tại Hà Nội: Học sinh chịu áp lực tứ bề
Năm nay, toàn TP. Hà Nội có gần 135.000 học sinh lớp 9 tốt nghiệp, tăng hơn 5.000 em. Điều này đã và đang tạo nhiều áp lực cho học sinh thi vào lớp 10 trong thời gian tới.
Áp lực từ chính bản thân học sinh
"Qua kỳ thi vào lớp 10 năm ngoái thì em thấy thật sự là khốc liệt. Đối với em, áp lực lớn nhất là áp lực từ chính bản thân mình. Ngoài ra, áp lực từ phía gia đình cũng khiến em lo lắng. Để giành được một suất vào lớp 10, từ đầu năm đến nay em đã phải tranh thủ học và ôn ở mọi thời điểm có thể.
Ngoài học chính khóa, học thêm ở trường, em còn học thêm ở nhà cô và ở một trung tâm gia sư nữa. Nhiều hôm em ngủ không đủ giấc nên rất mệt nhưng em nghĩ thời gian này cần phải tranh thủ "nạp" kiến thức và giải nhiều dạng đề thì mới mong đỗ được nguyện vọng 1", Nguyễn T. Minh, học sinh lớp 9 ở phường Mễ Trì, quận Nam Từ Liêm chia sẻ.
Một em học sinh lớp 9 khác Trường THCS Trưng Vương (quận Hoàn Kiếm) thì bày tỏ mong muốn sớm có phương án thi vào lớp 10 cụ thể về số môn thi, thời gian thi… để chuẩn bị được tốt. "Chúng em mong rằng năm nay chỉ thi 3 môn giống các anh chị khóa vừa rồi để đỡ áp lực".
Áp lực từ sự kỳ vọng của cha mẹ
Áp lực kỳ thi tuyển sinh lớp 10 ở Hà Nội trong năm nay và cả những năm vừa qua là rất lớn bởi như năm nay thì chưa thi nhưng mọi người đã biết sẽ có gần 40.000 thí sinh sẽ trượt vào lớp 10 công lập. Ngoài gặp áp lực từ bản thân thì các em học sinh lớp 9 còn phải chịu áp lực từ phía gia đình, làm sao thỏa mãn kỳ vọng của cha mẹ là muốn con phải đỗ vào trường cấp 3 top đầu, trường danh tiếng.
Là một phụ huynh có con đang chuẩn bị cho kỳ thi vào lớp 10, chị Nguyễn Thị Luyến (phụ huynh em Nguyễn T. Quang) chia sẻ: "Cả gia đình mình rất lo lắng về kỳ thi vào lớp 10 sắp tới của con. Nhiều năm vừa qua, kỳ thi vào lớp 10 công lập được đánh giá là kỳ thi căng thẳng nhất trong các cấp học. Do vậy, việc đỗ vào một trường công lập vừa là mục tiêu, vừa là một thách thức lớn đối với cả con và gia đình. Phụ huynh chúng tôi đều mong Sở GD&ĐT Hà Nội giảm số môn thi, chỉ còn 3 môn để các con bớt áp lực".
Dưới góc nhìn của nhà giáo, thầy Đinh Đức Hiền - giáo viên môn Sinh học tại Hà Nội cho rằng, áp lực không đến từ số lượng môn thi mà đến từ chính kỳ vọng của phụ huynh. Dù thi bao nhiêu môn thì nếu còn thời gian, phụ huynh vẫn sẽ tìm các lớp học thêm cho con. "Phần lớn phụ huynh mong muốn con trúng tuyển nguyện vọng trường công lập. Tuy nhiên, tại Hà Nội, mỗi năm chỉ tiêu cho trường THPT công lập chỉ khoảng 60% nên áp lực là rất lớn. Rất nhiều học sinh lớp 9 ở Hà Nội vất vả học đến 12 giờ đêm".
Áp lực từ sự đổi mới
Hiện nay, nhiều tỉnh thành trên cả nước áp dụng thi 3 môn Toán, Ngữ văn, tiếng Anh để thi tuyển vào lớp 10. Theo thầy Hiền, hình thức thi như hiện nay vẫn còn nhiều bất cập. Cụ thể, học sinh đang học thuộc chương trình cũ, ngay từ lớp 8 đã ôn thi 3 môn Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ và hầu hết bỏ qua những môn học khác. Trong khi đó, giai đoạn lớp 8, 9 là giai đoạn cực kỳ quan trọng trong việc trải nghiệm, định hướng nghề nghiệp, tiền đề cho bậc THPT bởi theo Chương trình giáo dục phổ thông mới, lên lớp 10, các em phải chọn môn học tự chọn theo năng khiếu, sở trường của bản thân.
"Nhiều học sinh bậc THPT mất gốc các môn tự nhiên, xã hội. Ở bậc THCS, các em không được trải nghiệm nghiêm túc, thực sự, đầy đủ thì không thể biết mình thực sự phù hợp với môn học nào để lựa chọn khi lên bậc THPT. Bên cạnh đó, việc nhân đôi Toán, Văn vô hình trung đẩy áp lực cho học sinh, phụ huynh lên cao, thậm chí cho chính giáo viên 2 môn này về mặt gánh thành tích, dẫn đến tình trạng môn chính môn phụ rõ nét".
Theo thầy Hiền, mục tiêu giờ đây không chỉ là kiến thức mà quan trọng hơn là năng lực, phẩm chất, làm sao đánh giá học sinh một cách toàn diện. Do vậy, việc thi vào 10 cũng cần có bước chuyển mình phù hợp. "Áp lực không phải ở số môn thi bao nhiêu. Điều quan trọng là cần có cách kiểm tra đánh giá phù hợp và thái độ của người học".
Giải pháp giúp học sinh giảm áp lực
Kỳ thi vào lớp 10 được coi là một trong những kỳ thi quan trọng, đánh dấu bước ngoặt cho các em học sinh vừa tốt nghiệp bậc THCS. Bà Phạm Thị Lệ Hằng - Trưởng phòng GD&ĐT quận Hà Đông cho biết, toàn quận có 22 trường THCS với khoảng 6.000 học sinh lớp 9, tăng gần 1.000 em so với năm học trước. Các trường học trên địa bàn đang triển khai nhiều giải pháp nhằm định hướng phân luồng, giúp các em sớm xác định rõ nguyện vọng phù hợp với năng lực bản thân. Đây cũng là giải pháp nhằm giúp các em giảm áp lực trước kỳ thi tuyển sinh lớp 10 năm 2024.
Cô giáo Nguyễn Hồng Lan - giáo viên chủ nhiệm lớp 9 một trường THCS trên địa bàn quận Thanh Xuân cho biết: Để chuẩn bị cho kỳ thi vào lớp 10 sắp tới, ngay từ đầu năm học, nhà trường đã tổ chức kiểm tra khảo sát toàn khối vào mỗi tháng với 3 môn Toán, Ngữ văn và tiếng Anh. Sau mỗi kỳ khảo sát, căn cứ vào kết quả bài làm, các lớp sẽ phân nhóm học sinh để bổ sung kiến thức và điều chỉnh phương pháp dạy, học cho phù hợp, hiệu quả.
Theo cô Lan, ngoài việc mong thành phố sớm công bố số môn thi vào lớp 10 để cô trò bớt thấp thỏm lo lắng, tập trung hơn vào việc dạy và học thì để giảm căng thẳng áp lực cho các học sinh, mỗi bậc phụ huynh cần là người một bạn đồng hành, cùng con chia sẻ những khó khăn vướng mắc và cần thì nên cân nhắc hạ bớt mục tiêu cho con. "Các bậc phụ huynh hãy Lắng nghe những chia sẻ của con để có những định hướng kịp thời cho con em mình chứ không phải tạo ra các áp lực khiến các con cảm thấy lo lắng và sợ hãi khi bước vào kỳ thi sắp tới".