Tuyên truyền chăm sóc sức khỏe trẻ vị thành niên
Chăm sóc sức khỏe trẻ vị thành niên là vấn đề xã hội rất quan tâm. Nếu không được cung cấp kiến thức đầy đủ, sẽ có nhiều nguy cơ ảnh hưởng đến đạo đức, lối sống, việc học hành, thậm chí ảnh hưởng đến cả tương lai, sự nghiệp của các em và chất lượng dân số.
Thời gian qua, Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa Gia đình (KHHGĐ) An Giang tăng cường tuyên truyền, cung cấp các dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản (SKSS), KHHGĐ cho phụ nữ, trẻ em gái. Tập trung tuyên truyền về tác hại của phá thai, giảm thiểu tình trạng mang thai ngoài ý muốn và phá thai ở tuổi vị thành niên, thiếu niên...
Đầu tháng 7/2023, Trung tâm Y tế huyện Phú Tân phối hợp Chi cục Dân số - KHHGĐ tỉnh tổ chức tuyên truyền ngoại khóa hè cho 55 nữ sinh Trường THCS và THPT Phú Tân (huyện Phú Tân) về SKSS thanh, thiếu niên. Các em được nghe BS Nguyễn Thị Lan Anh (Trưởng Phòng Dân số - Trung tâm Y tế huyện Phú Tân) cung cấp thông tin về: Chăm sóc SKSS vị thành niên/thanh niên; các bệnh lây truyền qua đường tình dục và một số biện pháp KHHGĐ.
Qua đó, khuyến cáo các em rèn luyện về kỹ năng sống: Chủ động tìm hiểu kiến thức giới tính, sức khỏe sinh sản vị thành niên; tâm sự về những lo lắng, băn khoăn, thắc mắc với người thân trong gia đình, thầy cô, bạn bè... có thời gian biểu học tập, nghỉ ngơi, giải trí và tập luyện thể dục - thể thao phù hợp; phân biệt rõ ràng giữa tình yêu và tình bạn khác giới trong sáng...
Đồng thời, tránh xa những hình ảnh, sách báo, phim ảnh, trang web khiêu dâm, đồi trụy; tránh xa rượu, thuốc lá, ma túy; không nên quan hệ tình dục trước tuổi trưởng thành; biết các kỹ năng tránh bị xâm hại tình dục... Đây là những kiến thức cần thiết; nếu không được cung cấp đầy đủ sẽ dễ dẫn đến nguy cơ ảnh hưởng đến đạo đức, lối sống, việc học hành, có khả năng ảnh hưởng đến cả tương lai của các em.
Cung cấp thông tin về chăm sóc sức khỏe sinh sản trẻ vị thành niên, thanh niên
BS Nguyễn Thị Lan Anh chia sẻ: “Với sự phát triển của xã hội, bùng nổ thông tin, trong đó có thông tin tích cực và tiêu cực. Nếu không kiểm soát, các em dễ đắm chìm trong thế giới ảo, ảnh hưởng lớn đến tâm lý, học hành, nhân cách các em. Đối với công tác dân số, chúng tôi cố gắng cung cấp kiến thức về chăm sóc SKSS của thanh, thiếu niên; về các biện pháp KHHGĐ, các kiến thức về giới, bình đẳng giới, hôn nhân gia đình... để các em nhận thức đúng và có lối sống lành mạnh. Qua đó, phân biệt được giới hạn của tình bạn, tình yêu và có được kiến thức để khi tiếp cận các thông tin không tốt thì các em biết cách tự bảo vệ an toàn cho bản thân”.
Em Dương Nhã Duy (học sinh lớp 10 Trường THCS và THPT Phú Tân) chia sẻ: “Theo em, mỗi bạn học sinh nên có mối quan hệ bạn bè trong sáng, đặc biệt là mối quan hệ lành mạnh cùng nhau phát triển. Còn nhiều bạn chưa hiểu đúng về tình yêu tuổi học trò, thể hiện bản thân, làm những việc quá mức cho phép sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến việc học tập và mối quan hệ sau này. Tại trường học, có lồng ghép nhiều hoạt động ngoại khóa, trong đó có tuyên truyền SKSS rất cần thiết. Qua đó, giúp chúng em bảo vệ bản thân tốt hơn”.
Em Phạm Thị Xuân Mai (học sinh lớp 11C1, Trường THCS và THPT Phú Tân) đồng tình: “Em thấy tình cảm bạn bè trong môi trường này rất gắn kết. Các bạn luôn giữ mối quan hệ trong sáng với nhau. Nếu giữ mối quan hệ trong sáng cùng nhau học tập tiến bộ là điều em rất ủng hộ; nhưng nếu mối quan hệ không được lành mạnh, em có thể khuyên các bạn hoặc nhờ giáo viên khuyên các bạn cần có nhận thức đúng. Các hoạt động ngoại khóa giúp chúng em thêm kiến thức để phòng ngừa cho bản thân”.
Theo BS Nguyễn Thị Lan Anh, vị thành niên chuyển tiếp từ trẻ em sang người lớn, nhưng các em chưa thật sự trưởng thành, nên bản thân chưa được trang bị kiến thức, kinh nghiệm để bước vào đời. Do đó, với trách nhiệm công tác dân số, chúng tôi cố gắng tư vấn trực tiếp cho các em hoặc tổ chức các buổi nói chuyện chuyên đề, giao lưu, chia sẻ thông điệp chăm sóc SKSS - KHHGĐ, về giới cho các em. Đồng thời, cung cấp các tài liệu, tờ rơi cho nhà trường lồng ghép trong các buổi sinh hoạt dưới cờ, sinh hoạt lớp, ngoại khóa để trang bị kiến thức cho các em. Chúng tôi khuyên ở nhà cha mẹ nên quan tâm, không nên cho các em sử dụng mạng xã hội thái quá, tùy tiện, ảnh hưởng đến sức khỏe, phát triển tâm lý của các em.
Hiệu trưởng Trường THCS và PHPT Phú Tân Trần Thị Nguyệt Nga cho biết: “Trường có 32 khối lớp với nhiều độ tuổi, nên cần đa đạng hóa hình thức, lồng ghép tuyên truyền kiến thức về chăm sóc SKSS - KHHGĐ phù hợp độ tuổi qua bộ môn giáo dục công dân, văn, sinh, ngoại khóa. Đoàn trường gắn các hoạt động hội thi, diễn tiểu phẩm tìm hiểu kiến thức, tâm sinh lý, giúp các em tự tìm hiểu, nghiên cứu, nâng cao hiểu biết, tự bảo vệ mình”.