Tuyên truyền gắn với xử lý vi phạm

Thời gian qua, Bảo hiểm xã hội (BHXH) tỉnh Cà Mau triển khai nhiều chương trình và giải pháp phối hợp với các sở, ban, ngành, cấp ủy, chính quyền địa phương tuyên truyền cho người sử dụng lao động, người lao động (NLÐ) về quy định của pháp luật, yêu cầu người sử dụng lao động đóng đầy đủ BHXH, bảo hiểm y tế (BHYT), bảo hiểm thất nghiệp (BHTN), bảo hiểm tai nạn lao động - bệnh nghề nghiệp (TNLÐ-BNN) cho NLÐ. Ngoài việc thành lập các tổ công tác tuyên truyền trực tiếp tại các doanh nghiệp, cùng với chính quyền địa phương tổ chức đối thoại, tập huấn cho các doanh nghiệp, BHXH tỉnh còn tăng cường tuyên truyền trên phương tiện truyền thông, các trang mạng xã hội, phát hành tờ rơi, băng rôn... để tăng hiệu quả tuyên truyền.

Kiên quyết xử lý vi phạm

Theo quy định của Luật BHXH, Luật Việc làm, Luật BHYT, người sử dụng lao động và NLÐ khi có giao kết hợp đồng thì người sử dụng lao động có trách nhiệm đóng BHXH, BHTN, bảo hiểm TNLÐ-BNN cho NLÐ.

11 tháng năm 2023, BHXH tỉnh Cà Mau đã tổ chức thanh tra, kiểm tra 115 đơn vị, đạt 100% kế hoạch. Thanh tra chuyên ngành đột xuất tại 27 đơn vị có dấu hiệu vi phạm về đóng BHXH, BHTN, BHYT. Ban hành quyết định thanh tra chuyên ngành đột xuất tại 50 đơn vị chậm đóng từ 3 tháng; hoàn thành kết luận thanh tra trong tháng 12/2023. Ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính tại 57 đơn vị, tổng số tiền phạt 406,78 triệu đồng. Kết quả, 51 đơn vị đã thực hiện nộp vào ngân sách 272,43 triệu đồng.

Tổ kiểm tra thực hiện quy định của pháp luật về lao động, tiền lương, BHXH, BHYT, BHTN cho NLÐ trên địa bàn huyện Cái Nước đi kiểm tra, tuyên truyền đến từng doanh nghiệp.

Tổ kiểm tra thực hiện quy định của pháp luật về lao động, tiền lương, BHXH, BHYT, BHTN cho NLÐ trên địa bàn huyện Cái Nước đi kiểm tra, tuyên truyền đến từng doanh nghiệp.

Ông Trịnh Trung Kiên, Giám đốc BHXH tỉnh Cà Mau, cho biết, theo quy định của Luật BHXH, hợp đồng đủ 1 tháng hoặc 3 tháng trở lên thì bắt buộc phải đóng BHXH, BHTN, BHYT cho NLÐ. Tuy nhiên, người sử dụng lao động không đăng ký đóng BHXH cho NLÐ trong tỉnh còn khá nhiều, ảnh hưởng đến sự cạnh tranh không lành mạnh giữa các doanh nghiệp. Khi doanh nghiệp đóng BHXH, BHYT, BHTN, bảo hiểm TNLÐ-BNN cho NLÐ thì chi phí này được tính toán cho chi phí của doanh nghiệp. Khi không đóng BHXH cho NLÐ, NLÐ ít gắn bó với doanh nghiệp, chưa an tâm lao động sản xuất, chưa gắn bó lâu dài với doanh nghiệp. Khi NLÐ bị tai nạn lao động hoặc ốm đau thì không được hưởng chế độ tai nạn lao động, trợ cấp thất nghiệp, không được khám, chữa bệnh bằng BHYT, mà phải bỏ tiền ra để chi trả.

"NLÐ có thời gian dài không đóng BHXH thì khi hết tuổi lao động, không được hưởng lương hưu, không được cấp thẻ BHYT. Ðây là gánh nặng cho bản thân, gia đình NLÐ và cho xã hội, ảnh hưởng lớn đến an sinh xã hội. Nhiều người hết tuổi lao động mà không có lương hưu, là gánh nặng cho ngân sách Nhà nước do phải chi trả từ Luật Người cao tuổi. Tuy nhiên, Luật Người cao tuổi quy định người từ 80 tuổi trở lên mới được trợ cấp", ông Trịnh Trung Kiên thông tin thêm.

Tăng cường tuyên truyền trực tiếp

Nhằm đẩy mạnh tuyên truyền để người sử dụng lao động thực hiện đúng quy định pháp luật tham gia bảo hiểm cho NLÐ, BHXH tỉnh phối hợp Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LÐ-TB&XH), Liên đoàn Lao động tỉnh thường xuyên tổ chức tập huấn chính sách BHXH, BHYT, BHTN, bảo hiểm TNLÐ-BNN cho đơn vị sử dụng lao động.

Tuy nhiên, khi phối hợp Sở LÐ-TB&XH tỉnh mời các doanh nghiệp đến tập huấn tuyên truyền hiệu quả chưa cao, hầu như các doanh nghiệp chưa quan tâm. Theo đó, BHXH tỉnh phải thành lập các tổ công tác đến các doanh nghiệp để làm việc, tuyên truyền, giải thích, hỗ trợ để doanh nghiệp đăng ký đóng BHXH, BHYT cho NLÐ.

Ông Lâm Chí Nguyện, Phó giám đốc BHXH huyện Cái Nước, cho biết, trên địa bàn huyện có rất nhiều doanh nghiệp, đa số là doanh nghiệp nhỏ lẻ, lao động công nhật, theo biểu thuế đưa qua thì huyện Cái Nước có 36 doanh nghiệp đăng ký quyết toán thuế. Ðã qua, BHXH huyện cũng có gửi thông báo cho doanh nghiệp tham gia BHXH bắt buộc cho NLÐ theo quy định, mời doanh nghiệp dự hội nghị, nhưng tham gia ít. Sau đó, BHXH huyện đến trực tiếp doanh nghiệp thăm hỏi, xem xét hoàn cảnh, nếu đúng điều kiện thì ghi biên bản buộc họ phải tham gia. Hiện tại cơ quan BHXH huyện quản lý 36 doanh nghiệp, trong đó có 4 doanh nghiệp có từ 10 lao động trở lên, chỉ 1 doanh nghiệp được hơn 50 lao động.

Theo ông Trịnh Trung Kiên, tổ chức thanh tra, kiểm tra các doanh nghiệp để thông qua đó tuyên truyền, giải thích pháp luật về BHXH, BHYT, BHTN, bảo hiểm TNLÐ-BNN, Luật Việc làm, Luật An toàn vệ sinh lao động cho các chủ doanh nghiệp. Ngoài ra, ngành BHXH còn phối hợp với chính quyền địa phương rà soát, mời các doanh nghiệp đối thoại trực tiếp tại xã, phường.

Sở LĐ, TB&XH tỉnh Cà Mau phối hơp với BHXH tỉnh tổ chức tập huấn, hỗ trợ pháp lý cho DN về quản lý lao động, tiền lương, chính sách BHXH, bảo hiểm thất nghiệp, BHYT.

Sở LĐ, TB&XH tỉnh Cà Mau phối hơp với BHXH tỉnh tổ chức tập huấn, hỗ trợ pháp lý cho DN về quản lý lao động, tiền lương, chính sách BHXH, bảo hiểm thất nghiệp, BHYT.

Ðể đảm bảo quyền lợi cho NLÐ tại các doanh nghiệp, BHXH tỉnh phối hợp với Sở LÐ-TB&XH tham mưu UBND tỉnh triển khai nhiều hoạt động. Theo đó, UBND tỉnh chỉ đạo thành lập tổ liên ngành, trước nhất xử lý các đơn vị chậm đóng, trốn đóng BHXH. BHXH phối hợp chính quyền địa phương đi tuyên truyền và mời các doanh nghiệp đến tuyên truyền. Sau khi thông báo bằng văn bản mà doanh nghiệp không đến dự, không chấp hành sẽ tổ chức thanh tra. Sau khi thanh tra, nếu doanh nghiệp vi phạm lĩnh vực hành chính thì sẽ xử phạt, doanh nghiệp nào vi phạm ở mức độ xử lý hình sự theo Ðiều 216, Bộ luật Hình sự về trốn đóng BHXH, thì lập hồ sơ chuyển qua công an.

Ngoài ra, theo quy định của pháp luật, khi có đủ căn cứ doanh nghiệp trốn đóng BHXH, ảnh hưởng đến quyền lợi NLÐ, cơ quan BHXH có trách nhiệm tố giác tội phạm đến cơ quan công an để xử lý./.

Phúc Duy - Trầm Nghĩ

Nguồn Cà Mau: https://baocamau.vn/tuyen-truyen-gan-voi-xu-ly-vi-pham-a30612.html