Tuyên truyền miệng ở cơ sở: Phát huy hiệu quả

Tuy mới triển khai nhưng hoạt động của lực lượng nòng cốt tuyên truyền miệng ở các thôn, làng, tổ dân phố trên địa bàn tỉnh đã phát huy hiệu quả, là cầu nối quan trọng đưa thông tin, chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đến với nhân dân. Từ đó, vận động các tầng lớp nhân dân tích cực tham gia hiệu quả các hoạt động và phong trào thi đua ở địa phương.

Ngày 11-11, tại hội nghị sơ kết 2 năm xây dựng lực lượng nòng cốt tuyên truyền miệng ở thôn, làng, tổ dân phố, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy đánh giá: Việc triển khai thực hiện chủ trương xây dựng, tổ chức hoạt động lực lượng nòng cốt tuyên truyền miệng ở các thôn, làng, tổ dân phố đã nhận được sự đồng thuận, phối hợp tham gia của Thường trực cấp ủy, các phòng, ban cấp huyện, Đảng ủy các xã, phường, thị trấn.

Nhiều kết quả tích cực

Hiện nay, 17/17 Huyện ủy, Thị ủy, Thành ủy trong tỉnh đã thành lập lực lượng nòng cốt tuyên truyền miệng ở cơ sở; đồng thời ban hành quy chế hoạt động, phân công nhiệm vụ cụ thể cho lực lượng này. Có 12/17 địa phương đã tổ chức xây dựng lực lượng nòng cốt tuyên truyền miệng ở 100% xã, phường, thị trấn. Cùng với hệ thống chính trị thôn, làng, tổ dân phố, lực lượng này đã góp phần quan trọng trong công tác tuyên truyền, tạo sự đồng thuận trong dư luận trước các vấn đề chính trị-xã hội ở địa phương.

Theo Phó ban Tuyên giáo Huyện ủy Kbang Huỳnh Ngọc Bảo Long, lực lượng nòng cốt tuyên truyền miệng ở các thôn, làng, tổ dân phố trên địa bàn huyện luôn thực hiện phương châm “Tuyên truyền mọi lúc, mọi nơi, sâu sát, phù hợp với từng đối tượng”. Thông qua các buổi họp thôn, làng, tổ dân phố, sinh hoạt đoàn thể, sinh hoạt cộng đồng, lực lượng này đã tuyên truyền sâu rộng về chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đến với người dân; thông báo kịp thời, chính xác, có định hướng các vấn đề “nóng” được dư luận xã hội quan tâm. Đồng thời, cổ vũ, động viên các tầng lớp nhân dân thi đua thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội; tạo nên sự thống nhất về ý chí và hành động. Trong đó, nổi bật là công tác tuyên truyền Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016-2020 của huyện.

Cán bộ xã Đak Rong (huyện Kbang) tuyên truyền, vận động người dân làng Hà Đừng 1 tham gia xây dựng nông thôn mới. Ảnh: M.N

Cán bộ xã Đak Rong (huyện Kbang) tuyên truyền, vận động người dân làng Hà Đừng 1 tham gia xây dựng nông thôn mới. Ảnh: M.N

Đánh giá hiệu quả hoạt động của lực lượng nòng cốt tuyên truyền miệng tại địa phương, ông Nay Bêng-Bí thư Đảng ủy xã Chư A Thai (huyện Phú Thiện) khẳng định, lực lượng này trực tiếp cổ vũ, động viên, vận động nhân dân tham gia và giữ gìn thành quả xây dựng nông thôn mới, đặc biệt là việc vận động di dời, sắp xếp lại dân cư các làng đồng bào Bahnar trên địa bàn xã trong 2 năm qua. Lực lượng nòng cốt tuyên truyền miệng đã cụ thể hóa chỉ thị của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Huyện ủy đối với đề án phát triển kinh tế-xã hội 4 làng đồn (Pông, Pêng, Hek, Trớ) để tuyên truyền, vận động người dân tham gia xây dựng làng nông thôn mới. Lấy công tác tuyên truyền miệng làm chủ đạo, cán bộ từ xã đến thôn, làng đã bám địa bàn, bám dân trực tiếp giải thích cho người dân hiểu mục đích, ý nghĩa của việc xây dựng nông thôn mới.

Bí thư Đảng ủy xã Chư A Thai nhận định: Bước đầu, công tác tuyên truyền gặp không ít khó khăn, nhưng với sự kiên trì, nhẫn nại theo kiểu “mưa dầm thấm lâu” nên công tác di dời, sắp xếp lại dân cư đã được người dân đồng tình ủng hộ. Đáng chú ý, năm 2018, ngoài việc tập trung tuyên truyền, vận động 105 hộ dân làng Hek di dời nhà cửa, sắp xếp lại dân cư, lực lượng nòng cốt tuyên truyền miệng đã vận động thành công 12 hộ dân trên đỉnh núi Cheng Leng về sinh sống tại làng Hek. Năm 2019, xã tiếp tục vận động nhân dân làng Trớ di dời 115 căn nhà, xây 5 bể nước sinh hoạt, bê tông hóa đường làng nhằm tạo dựng cuộc sống tốt hơn.

Tiếp tục kiện toàn, củng cố

Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác tuyên truyền miệng ở cơ sở cũng như hoạt động của đội ngũ tuyên truyền viên cơ sở ở cấp huyện vẫn còn một số yếu kém, hạn chế. Ông Mai Thế Phụng-Trưởng ban Tuyên giáo Thị ủy Ayun Pa-cho rằng: Một số cấp ủy chưa phát huy, gắn kết xây dựng lực lượng nòng cốt tuyên truyền miệng với các lực lượng tuyên truyền cốt cán khác. Đơn cử như hoạt động của Tuyên giáo cơ sở và khối Dân vận có nhiều nội dung giống nhau nhưng công tác phối hợp chưa chặt chẽ. Việc theo dõi nắm bắt tình hình và tham mưu giải quyết các vấn đề liên quan đến công tác dân vận nhiều nơi, nhiều lúc còn bị động, lúng túng; tài liệu phục vụ công tác tuyên truyền miệng cung cấp chưa kịp thời, do đó thông tin xuống cơ sở qua tuyên truyền miệng nhiều lúc chưa nhanh nhạy.

Khắc phục nhược điểm này, Trưởng ban Tuyên giáo Thị ủy Ayun Pa cho biết: Đề án Tuyên-Vận của Ban Thường vụ Thị ủy đã góp phần nâng cao chất lượng hoạt động của công tác tuyên giáo và dân vận; thống nhất đầu mối chỉ đạo triển khai hoạt động tuyên-vận, nâng cao chất lượng đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên, cán bộ dân vận thôn, tổ dân phố, Mặt trận và các đoàn thể. Cụ thể, hàng tháng, Ban Tuyên giáo Thị ủy ban hành đề cương định hướng tuyên truyền cho các xã, phường. Từ nội dung này, các xã, phường soạn thảo nội dung tuyên truyền ngắn gọn phù hợp với địa phương mình. “Ngoài ra, tại các lớp tập huấn, chúng tôi chú trọng thảo luận xử lý các tình huống ở cơ sở để các xã, thôn trao đổi, nghiên cứu học tập lẫn nhau. Đồng thời, rút gọn nội dung chuyên đề tập huấn, kỹ năng tuyên truyền, vận động thành tài liệu bỏ túi phát cho cơ sở tham khảo”-ông Phụng cho biết.

Theo Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Lê Phan Lương, để việc xây dựng, tổ chức hoạt động lực lượng nòng cốt tuyên truyền miệng đi vào chiều sâu, tạo chuyển biến tích cực cả về chất và lượng, các cấp ủy cần củng cố, kiện toàn lực lượng nòng cốt tuyên truyền miệng ở các thôn, làng, tổ dân phố theo hướng tinh gọn. Chú ý bổ sung các cá nhân tích cực, có uy tín trong cộng đồng, những người có năng lực, kinh nghiệm và hoạt động nhiệt tình. Bên cạnh đó, Ban Tuyên giáo cấp huyện tiếp tục xây dựng kế hoạch, thường xuyên tổ chức bồi dưỡng kỹ năng, nghiệp vụ, kiến thức cho lực lượng nòng cốt tuyên truyền miệng ở cơ sở, tạo điều kiện tốt nhất cho lực lượng này nắm bắt nhanh, kịp thời và triển khai hiệu quả công tác tuyên truyền. Thường xuyên cùng cấp ủy, chính quyền cơ sở tổ chức tuyên truyền, vận động các tầng lớp nhân dân tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý, điều hành của các cấp chính quyền để tích cực tham gia các phong trào thi đua, xây dựng quê hương giàu đẹp.

MINH NGUYỄN

Nguồn Gia Lai: http://baogialai.com.vn/channel/12375/201911/tuyen-truyen-mieng-o-co-so-phat-huy-hieu-qua-5657415/