Tuyên truyền, phổ biến chuyên sâu, có trọng tâm, trọng điểm về Luật Biên phòng Việt Nam

Nhằm nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật cho cán bộ và nhân dân ở khu vực biên giới biển, ngày 29/4/2022, UBND tỉnh Cà Mau đã ban hành Kế hoạch số 91/KH-UBND về triển khai thực hiện Đề án 'Tổ chức tập huấn chuyên sâu; tuyên truyền, phổ biến Luật Biên phòng Việt Nam (BPVN) trên địa bàn tỉnh Cà Mau giai đoạn 2021-2025'. Trên cơ sở đó, BĐBP tỉnh đã tham mưu cho UBND tỉnh chỉ đạo các cấp, các ngành triển khai thực hiện có hiệu quả đề án này.

Cán bộ Đồn Biên phòng Khánh Tiến, BĐBP Cà Mau tuyên truyền các văn bản pháp luật cho ngư dân tại địa phương. Ảnh: Lê Khoa

Cán bộ Đồn Biên phòng Khánh Tiến, BĐBP Cà Mau tuyên truyền các văn bản pháp luật cho ngư dân tại địa phương. Ảnh: Lê Khoa

Đưa Luật Biên phòng Việt Nam vào cuộc sống

Đại tá Nguyễn Văn Ngọc, Phó Chỉ huy trưởng BĐBP tỉnh cho biết: Luật BPVN gồm 6 chương, 36 điều, quy định đầy đủ, toàn diện, cụ thể về nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia; quy định rõ nhiệm vụ của các cấp, các ngành, lực lượng vũ trang và của cả hệ thống chính trị trong xây dựng, quản lý, bảo vệ biên giới, đáp ứng 2 nhiệm vụ chiến lược là xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới; xây dựng biên giới hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển.

Luật BPVN có phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng rộng, quy định đầy đủ và đồng bộ về vị trí, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức và hoạt động của BĐBP; chế độ, chính sách đối với BĐBP; hợp tác quốc tế về biên phòng; quản lý nhà nước đối với BĐBP; trách nhiệm phối hợp giữa BĐBP với các cơ quan, đơn vị, lực lượng chức năng thuộc các bộ, ngành và các cơ quan tổ chức, cá nhân có liên quan... Chính vì vậy, thực tiễn đặt ra vấn đề tuyên truyền, tập huấn chuyên sâu là rất quan trọng và cần thiết để đảm bảo quá trình thực thi Luật BPVN một cách hiệu quả, đúng mục tiêu.

Ngay sau khi Luật BPVN được ban hành và có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2022, UBND tỉnh Cà Mau đã có kế hoạch chỉ đạo các ngành liên quan tổ chức triển khai đến toàn thể các cấp, các ngành và nhân dân trên khu vực biên giới. Cùng với đó, Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh đã chỉ đạo cho các đồn Biên phòng tham mưu cho chính quyền các huyện ven biển tổ chức triển khai tuyên truyền Luật BPVN. Các đồn Biên phòng trực tiếp tổ chức quán triệt, triển khai Luật BPVN đến cán bộ, nhân dân trên địa bàn, đồng thời đưa vào chương trình phổ biến, giáo dục pháp luật và tuyên truyền, vận động nhân dân nắm và thực hiện.

Cùng với đó, BĐBP tỉnh tiếp tục chỉ đạo các đồn Biên phòng phối hợp với các ngành chức năng tăng cường tuyên truyền nội dung của Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982; Luật Biên giới quốc gia; Luật Biển Việt Nam; Nghị định số 71/2015/NĐ-CP của Chính phủ quy định về hoạt động của người, phương tiện trong khu vực biên giới biển nước Cộng hòa XHCN Việt Nam. Nội dung và hình thức tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật ngày càng được đổi mới, thiết thực với người dân.

Đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền

Ấp 11, xã Khánh Tiến, huyện U Minh là một trong những điểm được Đồn Biên phòng Khánh Tiến phối hợp với địa phương xây dựng tủ sách pháp luật. Dù cơ sở vật chất còn hạn chế, nhưng đến nay, tủ sách luôn duy trì từ 70 đến 100 đầu sách các loại, trong đó có gần 40 đầu sách pháp luật. Tuy số lượng sách còn ít nhưng bước đầu đã đáp ứng tốt nhu cầu tìm hiểu chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và các quy định liên quan đến quyền lợi, nghĩa vụ của người dân trên địa bàn.

Cầm cuốn tài liệu tuyên truyền về Luật BPVN trên tay, ông Huỳnh Văn Sự, cựu chiến binh, ngụ tại ấp 11, xã Khánh Tiến cho biết: Ngoài việc được cán bộ đồn Biên phòng tuyên truyền, giới thiệu những điều khoản cơ bản của Luật BPVN, thì người dân có thể tìm hiểu kiến thức thông qua tủ sách pháp luật. Ngoài các ấn phẩm Luật BPVN và các văn bản quy phạm pháp luật khác, còn có nhiều cuốn sách về kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt; cách điều trị sâu bệnh cho cây lá; trị bệnh cho tôm, cá; những bài thuốc dân gian về cây cỏ thảo dược có sẵn trong vườn nhà... Chúng tôi đọc, nghiên cứu rồi sẽ đi tuyên truyền cho bà con khác trong ấp.

Trung tá Nguyễn Chí Nguyện, Phó Chủ nhiệm Chính trị BĐBP Cà Mau thông tin, xác định việc nâng cao nhận thức về pháp luật cho người dân nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho BĐBP thực thi nhiệm vụ, thời gian qua, các đồn Biên phòng trong tỉnh luôn chú trọng việc tuyên truyền về các văn bản pháp luật, đặc biệt là Luật BPVN. Thông qua nhiều hình thức như: Tuyên truyền tập trung, tổ chức học “Mỗi ngày một điều luật”, in và phát tài liệu “Hỏi - đáp về Luật BPVN” để mỗi cán bộ, chiến sĩ có thể tự nghiên cứu. Đặc biệt, chú trọng lựa chọn, bồi dưỡng đội ngũ tuyên truyền viên, ngoài kiến thức chuyên sâu phải có kỹ năng truyền đạt, khả năng giao lưu, tương tác với người nghe. Từ đó, chuyển tải nội dung văn bản pháp luật đến với người dân nhanh nhất, dễ hiểu nhất, đưa Luật BPVN nhanh chóng đi vào cuộc sống.

Ông Châu Văn Út, Trưởng ấp 11, xã Khánh Tiến chia sẻ: Thông qua hoạt động tuyên truyền của BĐBP, nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật của nhân dân trong ấp đã có nhiều chuyển biến tích cực. Tuy nhiên, để mở rộng và đáp ứng tốt hơn nhu cầu tìm hiểu pháp luật và nâng cao kiến thức trong lao động sản xuất, người dân cần được bổ sung thêm các loại sách khoa học, sách hướng dẫn kiến thức về nông nghiệp...

Lê Khoa

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/tuyen-truyen-pho-bien-chuyen-sau-co-trong-tam-trong-diem-ve-luat-bien-phong-viet-nam-post466382.html